Bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số

Không chỉ ưu tiên nguồn lực bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc thiểu số, thời gian qua, tỉnh Điện Biên luôn quan tâm giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, thông qua việc đưa chương trình dạy tiếng Thái, tiếng H'Mông vào giảng dạy trong trường học.

Buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ “Yêu tiếng Thái” Trường phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên. (Ảnh VŨ LỢI)

Buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ “Yêu tiếng Thái” Trường phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên. (Ảnh VŨ LỢI)

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Cù Huy Hoàn cho biết, trong số 18 dân tộc thiểu số ở tỉnh Điện Biên, dân tộc Thái chiếm 35,69% dân số toàn tỉnh; dân tộc H’Mông chiếm 38,12%. Đây là hai cộng đồng dân tộc có lịch sử cư trú lâu đời tại tỉnh Điện Biên nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung.

Trước nguy cơ mai một tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái và dân tộc H'Mông, từ năm 2011, UBND tỉnh Điện Biên quyết định ban hành Đề án dạy tiếng Thái, tiếng H'Mông cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn.

Yếu tố lịch sử cư trú đã tạo nên đời sống văn hóa, tinh thần của hai nhóm dân tộc này phong phú hơn các dân tộc khác. Ngoài tiếng nói riêng, cả hai dân tộc Thái và H’Mông ở Điện Biên đều có chữ viết riêng và có người viết thạo chữ dân tộc.

Thế nhưng, giới trẻ của cả hai dân tộc lại có rất ít người biết hoặc quan tâm đến chữ viết của dân tộc mình; thậm chí ở khu vực thuận lợi, như trung tâm các huyện, thị trấn hoặc vùng lòng chảo quanh thành phố, nhiều học sinh, thanh niên con em đồng bào dân tộc Thái sử dụng tiếng mẹ đẻ không thạo vì ít dùng trong giao tiếp hằng ngày…

Trước nguy cơ mai một tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái và dân tộc H'Mông, từ năm 2011, UBND tỉnh Điện Biên quyết định ban hành Đề án dạy tiếng Thái, tiếng H'Mông cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn. Tỉnh Điện Biên còn đặt ra mục tiêu bồi đắp thêm lòng yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về văn hóa và truyền thống dân tộc cho mỗi người học và toàn thể nhân dân trên địa bàn.

Từ năm học 2011-2012, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo lựa chọn 40 trường tiểu học vùng có đông dân tộc Thái, dân tộc H'Mông sinh sống tại các huyện: Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Chà để thí điểm dạy tiếng Thái, tiếng H’Mông cho học sinh khối lớp 3.

Thầy giáo Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo cho biết: Năm đầu triển khai Đề án dạy tiếng Thái, tiếng H’Mông cho học sinh tiểu học, huyện Tuần Giáo chỉ có hai trường gồm bốn lớp với tổng số 85 học sinh học tiếng Thái; 1 trường, 2 lớp với tổng số 48 học sinh học tiếng dân tộc H’Mông.

Thời gian đầu, không chỉ thiếu giáo viên mà cả giáo viên và học sinh đều gặp trở ngại. Thực tế, chỉ riêng tiếng nói đã khác rất nhiều bởi dù cùng nhóm dân tộc Thái đen nhưng ở mỗi địa bàn, mỗi huyện, người dân vẫn có cách phát âm khác, chưa kể tiếng dân tộc Thái đen với dân tộc Thái trắng. Tiếng H’Mông còn khó khăn hơn bởi dù cùng dân tộc H’Mông lại chia thành nhiều ngành, như là: Mông đơ, Mông lềnh, Mông si...

Không chỉ học sinh, nhiều bậc cha mẹ là đồng bào dân tộc Thái ở huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã tự nguyện tham gia các lớp học viết chữ dân tộc Thái do ngành giáo dục và đào tạo tỉnh tổ chức.

Không chỉ học sinh, nhiều bậc cha mẹ là đồng bào dân tộc Thái ở huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã tự nguyện tham gia các lớp học viết chữ dân tộc Thái do ngành giáo dục và đào tạo tỉnh tổ chức.

Thời gian đầu giáo viên dạy tiếng Thái, tiếng H’Mông tại huyện Tuần Giáo phải nghiên cứu biên soạn thành bài riêng để học sinh dễ tiếp thu, sử dụng. Trước mỗi bài giảng, giáo viên đều về cơ sở gặp người già, người có uy tín biết tiếng nói, chữ viết của hai dân tộc để tham khảo ý kiến, đồng thời học cách phát âm đúng của từng dân tộc.

Ông Cù Huy Hoàn chia sẻ, do thiếu giáo viên dạy tiếng, nhiều trường phải hợp đồng giáo viên, cán bộ đã nghỉ hưu để dạy tiếng dân tộc Thái.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các thành viên Hội đồng biên soạn chỉnh sửa tài liệu căn cứ khung Chương trình tiếng dân tộc đáp ứng yêu cầu hình thành và phát triển cho học sinh các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; hướng dẫn các phòng giáo dục chọn cử giáo viên dạy tiếng Thái là người dân tộc Thái, giáo viên dạy tiếng H’Mông là người dân tộc H’Mông đang giảng dạy tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tham gia khóa đào tạo dạy tiếng dân tộc.

Nhờ sự chỉ đạo đồng bộ, sự hỗ trợ kịp thời về vật chất, nguồn lực của UBND tỉnh Điện Biên và tinh thần chủ động khắc phục khó khăn của đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc Thái, H’Mông, việc triển khai Đề án dạy tiếng dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên, trong giai đoạn 2011-2020 đã thu được kết quả ấn tượng.

Toàn tỉnh Điện Biên đã dạy tiếng dân tộc Thái cho 49.266 học sinh tiểu học và trung học cơ sở; tương tự có 57.137 học sinh được học tiếng dân tộc H’Mông. Hằng năm, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình môn học tiếng dân tộc Thái, H’Mông đều đạt từ 98-99%.

Việc học tiếng nói, chữ viết của dân tộc đã giúp các em hiểu thêm kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, từ đó từng bước giúp các em rèn luyện tư duy, hỗ trợ các em phương pháp học tốt hơn ở bộ môn Tiếng Việt và các môn học khác.

Năm học 2020-2021, tỉnh Điện Biên đã quyết định mở rộng số trường tiểu học dạy tiếng dân tộc Thái cho học sinh của 29 trường với tổng số 148 lớp gồm 3.318 học sinh; duy trì dạy tiếng dân tộc H'Mông cho học sinh tại 27 trường với tổng số 141 lớp gồm 4.540 học sinh.

Ở bậc trung học cơ sở, 20 trường tổ chức dạy tự chọn tiếng dân tộc Thái cho 4.868 học sinh; 23 trường dạy tự chọn tiếng dân tộc H’Mông cho 4.362 học sinh. Với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức đưa tiếng dân tộc vào môn học tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (từ lớp 1 đến lớp 12 với thời lượng 2 tiết/tuần), ngành giáo dục tỉnh Điện Biên xác định, sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động học sinh, nhân dân để học sinh chủ động đăng ký.

Cùng với đó, tỉnh Điện Biên tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng dạy và học tiếng dân tộc thiểu số theo quy định; quan tâm thực hiện chế độ, chính sách đối với người dạy và người học tiếng dân tộc thiểu số theo quy định hiện hành và chế độ khuyến khích bảo tồn văn hóa dân tộc của địa phương…■

LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bao-ton-tieng-noi-chu-viet-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post859425.html