Bảo tồn trang phục truyền thống qua sản phẩm du lịch

Không được sử dụng thường xuyên, trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số dần biến đổi, thậm chí biến mất khỏi cộng đồng. Nhằm đưa trang phục truyền thống của các dân tộc trở nên phổ biến hơn, nhiều địa phương đã xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở lựa chọn, khai thác những giá trị văn hóa đặc trưng.

Nét đẹp trang phục truyền thống của người Dao Tiền, tỉnh Cao Bằng.

Nét đẹp trang phục truyền thống của người Dao Tiền, tỉnh Cao Bằng.

Tính tiện dụng và phổ biến của trang phục may sẵn hiện nay đã khiến những bộ trang phục dân tộc dần trở thành lễ phục và mang tính trình diễn trong các dịp lễ tết, ngày hội văn hóa, liên hoan nghệ thuật. Ngồi thao tác kỹ thuật se sợi lanh bên khung cửi trong ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại tỉnh Lạng Sơn, chị Giàng Thị Say, người H’Mông đến từ xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang cho biết, quy trình làm một bộ trang phục truyền thống của người H’Mông rất kỳ công, tốn nhiều thời gian, từ se lanh, dệt sợi, nhuộm vải, thêu may, trang trí họa tiết… Vì vậy, tuy trang phục truyền thống vẫn được sử dụng nhưng được cải tiến khá nhiều.

Bộ váy chị đang mặc là một minh chứng cụ thể. Chất liệu vải công nghiệp được may theo kiểu dáng truyền thống. Các phụ kiện, hoa văn, họa tiết và cách phối đồ cũng đan xen nhiều kiểu dáng mới lạ, cách tân.

Không chỉ là dấu hiệu định danh dân tộc, trang phục truyền thống còn chứa đựng các giá trị đặc trưng về văn hóa tộc người. Mỗi bộ trang phục đều có câu chuyện riêng, chứa đựng các thông điệp về cuộc sống và tư duy sáng tạo của cộng đồng. Hệ thống ký hiệu, hoa văn, họa tiết trang trí trên trang phục còn phản ánh môi trường sinh tồn cũng như bao hàm niềm tin tâm linh, tín ngưỡng và các giá trị tinh thần của dân tộc đó.

Nhưng đang có một thực tế là, ở những địa phương có sự giao thoa văn hóa, đan xen nhiều dân tộc cùng sinh sống, mức độ lai tạp và biến đổi trang phục truyền thống nơi đó rất mạnh. Sự pha trộn làm biến dạng các yếu tố gốc, làm mất đi yếu tố đặc trưng thậm chí rất khó nhận biết trang phục của dân tộc nào.

Trước thực trạng này, việc bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đang được thực hiện bằng nhiều giải pháp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Đề án bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam, thực hiện đến năm 2030. Một trong những mục tiêu là bảo tồn, phát huy và sử dụng trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Để bảo tồn và tăng tính phổ biến của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, nhiều địa phương, đơn vị cũng đã có những cách làm phù hợp. Trường Phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên hiện đang nuôi dưỡng và giáo dục hơn 400 con em đồng bào dân tộc H’Mông, Thái, Hoa, Khơ Mú, Dao…

Để thuận tiện trong học tập và sinh hoạt, học sinh sử dụng trang phục hiện đại hằng ngày. Tuy nhiên, nhà trường cũng quy định các em mặc trang phục truyền thống dân tộc vào thứ hai hằng tuần và những ngày lễ, tết trong năm.

Trong bối cảnh du lịch được xác định là ngành kinh tế, văn hóa bản địa là nguồn lực và tài nguyên dồi dào để phát triển du lịch, nhiều địa phương chọn giải pháp phát triển văn hóa du lịch tại vùng dân tộc thiểu số, xây dựng một số mô hình bảo tồn giá trị văn hóa bản địa. Cao Bằng là một điển hình cho hướng đi này. Chính quyền địa phương hướng dẫn bà con lựa chọn, khai thác những nét đặc trưng trên trang phục truyền thống tạo nên các sản phẩm du lịch mới.

Cộng đồng người Dao Tiền ở xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, bắt tay vào làm du lịch cộng đồng chưa lâu, nhưng xóm nhỏ đã đón nhiều đoàn khách đến lưu trú, trải nghiệm các sản phẩm du lịch liên quan đến trang phục truyền thống, khá thú vị. Sức hấp dẫn của du lịch đến từ việc trải nghiệm, thực hành về kỹ thuật nhuộm vải chàm, thêu họa tiết, in hoa văn truyền thống bằng sáp ong.

Bên cạnh đó, bà con biết cách khai thác các họa tiết mô phỏng dấu chân hổ, hoa cúc, hình răng cưa… đưa lên các sản phẩm lưu niệm như túi, ví, khăn, vỏ gối; đồng thời kể được các câu chuyện thú vị liên quan đến văn hóa tộc người từ những hình tượng biểu trưng này.

Tương tự, tại không gian trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm truyền thống làng văn hóa cộng đồng Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, trang phục truyền thống được làm thủ công cũng được khai thác như một sản phẩm du lịch. Bên cạnh y phục truyền thống nguyên bản được bày bán với giá trị kinh tế cao, vải thổ cẩm, họa tiết, hoa văn mang tính biểu tượng của người Lô Lô được ứng dụng làm túi đựng điện thoại, khăn địu em bé, khăn trải ga gối… Bà con đã chủ động giao lưu, hướng dẫn du khách thử mặc trang phục truyền thống, cách dệt vải, chia sẻ về kỹ thuật quấn khăn đội đầu ba lớp.

Liên quan đến bảo tồn trang phục truyền thống, một số địa phương cũng có định hướng phục dựng vùng nguyên liệu trồng bông và nghề dệt, nhuộm vải thủ công.

Khai thác bản sắc trang phục truyền thống như một sản phẩm du lịch là một trong những giải pháp góp phần bảo tồn trang phục truyền thống, nhưng chưa đủ mạnh mẽ để kích cầu mua sắm, tạo động lực để bà con phục hồi nghề dệt may truyền thống.

Thời gian tới, để công tác bảo tồn hiệu quả hơn, ngành văn hóa cần có những nghiên cứu bài bản, hệ thống về các thành tố văn hóa đặc trưng trên trang phục, ý nghĩa nghệ thuật thêu và trang trí hoa văn, từ đó hướng dẫn bà con cách khai thác có chọn lọc, thiết kế những sản phẩm thời trang vừa bảo đảm tính chân thực vừa kế thừa, quảng bá được những giá trị đặc sắc của trang phục truyền thống. Việc đào tạo nâng cao tay nghề cắt may để phụ nữ dân tộc thiểu số làm được các sản phẩm tinh xảo, bắt mắt, thời trang cũng rất quan trọng.

Rộng hơn, các tỉnh tương đồng về văn hóa, địa hình có thể nghiên cứu liên kết tạo thành vùng nguyên liệu, chuỗi quy trình sản xuất từ trồng bông, dệt vải, giã lanh, se sợi, thêu thùa cùng khai thác chất liệu, các yếu tố đặc trưng trên trang phục truyền thống, vận dụng kỹ thuật thêu hay ghép vải… trong sáng tạo để thiết kế những sản phẩm thời trang mang đặc trưng văn hóa vùng, từ đó hình thành thương hiệu và nâng cao giá trị cho sản phẩm du lịch.

NGỌC LIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bao-ton-trang-phuc-truyen-thong-qua-san-pham-du-lich-post877840.html