Những thước phim, vở diễn kinh điển viết nên lịch sử văn hóa TPHCM
Các tác phẩm kinh điển như kịch 'Lá sầu riêng', 'Tiếng trống Mê Linh', phim 'Ván bài lật ngửa'... được tôn vinh ở mảng sân khấu, phim ảnh tiêu biểu 50 năm qua của TPHCM.
Suốt 50 năm qua, điện ảnh và sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đã góp phần viết nên những trang sử sống động, phản ánh hành trình đấu tranh, hồi sinh và phát triển của thành phố mang tên Bác.

NSND Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM (thứ 5, từ trái qua) và đại diện các cơ quan, hội nghệ thuật trên TPHCM.
Hai lĩnh vực trên song hành đã cùng TPHCM vượt qua nửa thế kỷ dựng xây và phát triển. Từng thước phim, từng vở diễn không chỉ lưu giữ ký ức mà còn thắp sáng niềm tin, hun đúc bản lĩnh và khát vọng vươn xa của thành phố nghĩa tình, anh hùng và nhân văn.
Điện ảnh: Dấu ấn từ đề tài lịch sử - cách mạng đến đời sống, tình cảm
Điện ảnh TPHCM đã để lại dấu ấn sâu đậm với những tác phẩm kinh điển phản ánh cuộc đấu tranh kiên cường của dân tộc vì độc lập, tự do.
Biệt động Sài Gòn của NSND Long Vân tái hiện cuộc chiến thầm lặng, những trận chiến sinh tử trong lòng đô thị, tôn vinh lòng dũng cảm, sự kiên trung của lực lượng biệt động.
Cánh đồng hoang của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến kể câu chuyện cảm động về cuộc sống kiên cường của người dân Đồng Tháp Mười trong mưa bom đạn lửa, trở thành biểu tượng bất khuất của người nông dân Nam Bộ.

Nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín trong "Ván bài lật ngửa".
Ván bài lật ngửa của đạo diễn Lê Hoàng Hoa dựng lại hành trình chiến đấu cam go của chiến sĩ tình báo Nguyễn Thành Luân, phản ánh cuộc chiến trí tuệ giữa lòng địch.
Ba tác phẩm ấy đã vượt qua khuôn khổ nghệ thuật điện ảnh, trở thành những bản anh hùng ca bất tử, hun đúc lòng yêu nước và niềm tin tất thắng của người dân thành phố mang tên Bác.
Song hành với dòng chảy phim cách mạng, điện ảnh TPHCM còn ghi dấu ấn với những tác phẩm phản ánh đời sống xã hội và tâm hồn con người trong thời kỳ đổi mới.
Vị đắng tình yêu của đạo diễn Lê Xuân Hoàng lay động khán giả với câu chuyện tình yêu tuổi trẻ đầy trăn trở giữa lý tưởng và hiện thực.
Ngọc trong đá của đạo diễn Trần Cảnh Đôn là bản ca ngợi về sức trẻ, nghị lực và khát vọng xây dựng quê hương của thế hệ thanh niên xung phong.
Đặc biệt, Mê Kông ký sự - bộ phim ký sự đồ sộ do NSND Phạm Khắc tổng đạo diễn - đã ghi lại hành trình bất tận của dòng Mê Kông kỳ vĩ như một biên niên sử sống động về văn hóa và đời sống miền Nam.
Những tác phẩm ấy đã mở rộng biên độ sáng tạo của điện ảnh thành phố, góp phần phản ánh chiều sâu tâm hồn và khát vọng vươn mình mạnh mẽ của người dân.
Sân khấu kịch và cải lương - linh hồn của thành phố
Cải lương - loại hình nghệ thuật tiêu biểu của TPHCM - đã ghi dấu bằng những vở diễn kinh điển.
Người ven đô tái hiện sự anh dũng của quân dân 18 thôn vườn trầu Bà Ðiểm – Hóc Môn trong kháng chiến chống Mỹ.

NSƯT Thanh Nga diễn xuất thần trong "Tiếng trống Mê Linh". Vở được tái diễn nhiều lần với lớp các nghệ sĩ kế cận.
Tiếng trống Mê Linh tái hiện khí phách hào hùng của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, vang vọng tinh thần quật khởi của dân tộc.
Rồng Phượng khắc họa những giằng co số phận và những khát vọng lớn lao trong dòng chảy lịch sử.
Những vở cải lương ấy không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mà còn là những trang sử sống động, thấm đẫm tinh thần yêu nước, nhân văn sâu sắc.
Song hành cùng cải lương, hát bội - loại hình sân khấu cổ truyền - tiếp tục được gìn giữ và phát huy qua vở tuồng Lê Công kỳ án.
Ca ngợi danh tướng Tả quân Lê Văn Duyệt, tác phẩm khắc họa những phẩm chất cao đẹp: trung quân, ái quốc, chính trực góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống của nghệ thuật sân khấu phương Nam.
Sân khấu kịch thành phố cũng đã khẳng định dấu ấn sâu sắc qua những vở diễn giàu giá trị nhân văn.
Lá sầu riêng kể chuyện đời truân chuyên đẫm nước mắt của cô Diệu, ca ngợi nghị lực vượt lên nghịch cảnh. Dạ cổ hoài lang là khúc tâm sự thầm lặng về nỗi nhớ quê hương, về nỗi niềm người xa xứ, chất chứa tình yêu đất nước tha thiết.
Kịch nói đã làm giàu thêm đời sống tâm hồn, mở rộng biên độ sáng tạo cho sân khấu thành phố.

"À Ố Show" - chương trình nổi bật của TPHCM trong những năm gần đây.
Nếu cải lương gìn giữ vẻ đẹp truyền thống, thì À Ố Show là chương trình sân khấu đương đại đã tiếp bước bằng tinh thần sáng tạo, hiện đại hóa ngôn ngữ sân khấu Việt Nam.
Bằng tre nứa, âm nhạc mộc mạc và nghệ thuật hình thể, À Ố Show đã chinh phục khán giả quốc tế, đưa hình ảnh làng quê Việt Nam vang xa, trở thành biểu tượng của khả năng hội nhập và sáng tạo không giới hạn của nghệ thuật TPHCM.
Ảnh, clip: Tư liệu