Bảo tồn và lưu giữ vị 'Chè Shan Tà Xùa'
Thưởng trà từ rất lâu được coi là thú vui tao nhã, môt đạo đẹp giữa đời, ngồi nhâm nhi ly trà, thấm được vị ngọt của hạt sương sớm, thấu được vị chát của đọt chè xanh và thẩm được hương thơm của làn khói bên những câu chuyện kể nên trà đã trở thành một thức uống không thể thiếu trong văn hóa của người Việt Nam. Người dân thôn Tà Xùa xã Bản Công huyện Trạm Tấu trải qua bao 'kiếp chè' nhưng đến giờ vẫn giữ gìn phương thức làm chè thủ công như một báu vật của bản làng để lưu giữ vị chè shan của vùng núi non mây phủ này.
Nằm ở độ cao hơn 1000 mét so với mặt nước biển thôn Tà Xùa xã Bản Công huyện Trạm Tấu được thiên nhiên ban tặng một đặc sản nổi tiếng là "Chè Shan Tà Xùa". Qua nhiều năm, những cây chè đã bén rễ hình thành, gắn bó với người dân nơi đây, trở thành nguồn thu chính cho nhiều hộ gia đình tại Tà Xùa. Chè ở vùng núi cao của Tà Xùa có hương rất khác, vị rất lạ so với những loại chè khác. Do có khí hậu mát mẻ, cây chè ở Tà Xùa phát triển xanh tốt, thường là những gốc chè đã lâu niên được người dân trồng theo cách hoang sơ, không dùng phân bón và phun hóa chất.
Điểm đặc biệt của chè Tà Xùa là nước xanh và trong như màu của ngọc phỉ thúy, nước chè không cặn uống hết lượt này cho thêm lần khác vị trà vẫn không hề nhạt đi, hương chè thơm dịu nhẹ mùi của cây cỏ, chè Tà Xùa tuyệt nhiên không có hương liệu, chỉ tỏa hương của vị khô chè hong qua nắng. Vừa uống chè vừa nhắm mắt lại vị chè ngòn ngọt chan chát hòa với hương chè nồng nàn như đưa người uống phiêu bồng khắp vùng núi non của cây chè Tà Xùa trên nhưng rẻo đồi cao Trạm Tấu. Thế mới nói chè Tà Xùa bao đời vẫn như cô gái Mông độ tuổi cầm chiếc lá thổi bài tình ca gọi bạn, vừa được hương, vừa có sắc, nồng nàn mà vẫn giản dị.
Cây chè ở Tà Xùa sống trên đỉnh núi cao mây phủ quanh năm, cây chè đã chứng kiến bao kiếp người dân tộc Mông sinh sống, búp này hái xuống hứng sương và nắng búp kia lại đâm chồi, những búp trà trắng như sương tuyết, vị trà ngọt dịu, và có một mùi thơm rất lạ. Giờ đây công nghệ làm chè đã có nhiều những tiến bộ mới, những cách làm thương mại để sản xuất chè với số lượng lớn, vừa nhanh mà vừa cho sản lượng chè thương phẩm cao, tránh hao hụt, vì thế vị chè Tà Xùa cũng đã có những thay đổi ít nhiều. Thế nhưng với mong muốn lưu giữ và bảo tồn được vị của chè Shan Tà Xùa những đồng bào dân tộc Mông vẫn làm chè bằng những phương pháp thủ công đơn thuần nhất, để giữ được vị chè Tà Xùa cổ.
Theo kinh nghiệm của những người còn sao chè thủ công ở bản Mông Tà Xùa, chè phải được hái từ sáng sớm đến 10 giờ sáng thì dừng, buổi chiều từ 3 giờ trở đi mới hái, tránh hái thời điểm nắng to chè sẽ không ngon. Chè hái những ngày trời mát, nhiều sương mù là tốt nhất. Chè hái về phải tranh thủ sao càng sớm càng tốt, mới giữ được hương vị. Lá chè Tà Xùa dày, búp chè ngắn nhưng mập hơn các loại chè nơi khác, chè ở Tà Xùa - Trạm Tấu không hải là từng dãy được trồng quy mô mà là những khóm rải rác khắp đồi, búp này hái để cành kia lên đọt, nên việc hái chè cũng là một công việc rất vất vả. Các bà các chị người Mông đi từ đồi này sang triền núi khác để hái chè, đôi tay vương nhựa chè xám xịt, nhưng người luôn phảng phất mùi thơm của lá chè non xanh mỡ màng.
Để có trà shan ngon thì tất cả các công đoạn đều phải làm thủ công một cách tỉ mỉ. Trà phải cho ra được thứ nước màu xanh và thơm ngát mới chuẩn shan. Do đó, chỉ có thể sao chè thủ công bằng chảo gang dày và làm thật cẩn thận.Chè hái về muốn được giữ được độ tươi ngon phải mang đi chế biên luôn để trà giữ vị. Với người Mông tại Tà Xùa, muốn có chè ngon thì phải luôn dùng của chảo gang để sao chè, chảo gang phải là loại lòng trũng dày dặn để giữ được nhiệt độ khi sao ổn định. Khi nhóm bếp củi làm nóng chảo, bằng kinh nghiệm từ cha ông truyền lại và quá trình chế biến chè đã nhiều lần tích lũy lại mà người làm chè cảm nhận được nhiệt độ thì mới được đổ lá chè tươi vào. Cùng với đó là thử thách của sự kiên nhẫn, điều này không dành cho những ai có tính sốt ruột, muốn làm nhanh, làm qua loa, bởi chè trong chảo sẽ rất nóng và phát ra âm thanh xèo xèo, nổ lách tách, thậm chí hơi nước và khói củi còn bốc lên nghi ngút, người làm phải đảo đều tay, sao liên tục để chè đều nhiệt không bị cháy,thời gian sao khô càng lâu chè sẽ càng ngon. Tuy nhiên, tùy theo kinh nghiệm và sự tinh tế từ bàn tay mà mỗi người lại có một bí quyết riêng ở từng công đoạn, thời điểm.Nếu chè càng nhiều màu trắng tuyết, phần lá màu hanh vàng sáng thì đó là chè ngon, mẻ chè sao thành công.
Ngày nay người sao chè và biết sao chè thủ công ngày càng ít, phần vì các công đoạn làm chè thủ công đòi hỏi kỹ thuật và thời gian, thêm vào đó là sản lượng không được cao. Người dân Tà Xùa chỉ sao chè để phục vụ nhu cầu thức uống của gia đình, hoặc nhận theo những đơn đặt hàng lẻ của khách du lịch nhưng mỗi gia đình trồng chè đều dạy bảo lại cho con cháu về cách làm chè thủ công để mong giữ được vị chè cổ nguyên bản Tà Xùa và cũng là sinh kế cho lớp trẻ sau này.
Năm 2022 xã Bản Công dự kiến có khoảng 220 ha chè shan cho năng suất 21,4 tạ/ha với tổng sản lượng dự kiến sẽ là 240 tấn. Chè Tà Xùa có cả những gốc chè cổ thụ, thân rêu mốc, có không cành lá phát triển đã già. Địa hình, địa chất, khí hậu đặc biệt đã tạo cho chè Tà Xùa hương vị thơm ngon không thể lẫn với bất cứ loại chè nào khác. Cùng với đó, cách sao chè cũng là khâu quan trọng quyết định đến chất lượng và giá trị của chè Tà Xùa.
Bà con đồng bào dân tộc Mông ở Tà Xùa không dùng phân hóa học và tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên chè Tà Xùa rất an toàn, được nhiều người ưa chuộng và tin dùng. Chè Tà Xùa hiện nay vẫn lưu giữ cách sao chè độc đáo bằng tay vừa nâng cao giá trị sản phẩm, gìn giữ nét đẹp văn hóa đồng bào dân tộc Mông, thu hút khách du lịch, để hương chè Tà Xùa bay xa ra thị trường trong và ngoài nước.
https://dulich.petrotimes.vn
Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/bao-ton-va-luu-giu-vi-che-shan-ta-xua-649317.html