Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống

Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, thành phố Sơn La đã triển khai mô hình 'Câu lạc bộ văn hóa dân tộc', nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc được gìn giữ, phục hồi và lan tỏa, góp phần làm giàu thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế du lịch địa phương.

Lớp học chữ Thái tại bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La.

Lớp học chữ Thái tại bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La.

Thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20/8/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố và Kết luận số 1186-KL/TU ngày 08/4/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác văn hóa, Ban Chỉ đạo 873 Thành ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Hướng dẫn số 984-HD/UBND ngày 12/4/2023 về việc triển khai mô hình Câu lạc bộ văn hóa các dân tộc. Các địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia CLB, đồng thời mời các nghệ nhân văn hóa truyền dạy cho hội viên và con em, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Tại phường Chiềng Cơi đã thành lập được 3 CLB văn hóa Thái tại tổ 1, bản Chậu Cọ và Coóng Nọi, với 135 thành viên. Các CLB tích cực sưu tầm, lưu giữ và truyền dạy các di sản văn hóa của dân tộc Thái, như múa xòe, các điệu múa Thái cổ, hát Hạn Khuống, dạy chữ Thái cho người dân, con em và sinh viên Trường Đại học Tây Bắc.

CLB văn hóa Thái bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc

Vào thứ 7, chủ nhật hằng tuần, các thành viên CLB văn hóa Thái bản Chậu Cọ tập trung về nhà văn hóa bản sinh hoạt. Bà Lò Thị Mai Cương, thành viên CLB, chia sẻ: CLB xây dựng lịch sinh hoạt cụ thể từng tuần, gồm nhiều hoạt động, chơi trò chơi dân gian, tập hát, múa, dạy chữ Thái... Việc thành lập CLB giúp chúng tôi được giao lưu, học hỏi, lưu giữ và truyền lại những di sản văn hóa quý báu của đồng bào dân tộc Thái.

Hoạt động nổi bật của CLB văn hóa Thái bản Chậu Cọ là lớp học chữ Thái, thu hút hơn 30 học viên nhiều lứa tuổi. Bà Tòng Thị Hỏa, học viên lớn tuổi nhất, chia sẻ: Sau hơn 2 tháng học, tôi đã biết viết chữ Thái, biết thêm nhiều câu ca dao, tục ngữ, bài hát đối, vè của dân tộc Thái, tôi sẽ truyền dạy lại cho con cháu.

Các CLB văn hóa Thái phường Chiềng An, Thành phố biểu diễn xòe Thái tại Hội xuân dâng Bác năm 2024.

Các CLB văn hóa Thái phường Chiềng An, Thành phố biểu diễn xòe Thái tại Hội xuân dâng Bác năm 2024.

Tại phường Chiềng An, từ năm 2021 đến nay, đã ra mắt và duy trì hoạt động hiệu quả 3 CLB văn hóa dân tộc, với 141 hội viên. Các CLB tổ chức 4 lớp truyền dạy xòe Thái và Vũ điệu kết đoàn, 3 lớp dạy chữ Thái và truyền dạy nghề thủ công đan lát cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, các CLB tích cực tổ chức giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian, như: tó mák lẹ, tung còn... tạo không khí vui tươi, gắn kết cộng đồng.

Bà Lò Thị Bua, Phó Chủ tịch UBND phường Chiềng An, chia sẻ: Tạo điều kiện cho các CLB hoạt động, phường vận động xã hội hóa và đóng góp từ các thành viên để xây dựng quỹ, mua sắm trang thiết bị. Trong thời gian tới, phường ra mắt thêm 2 CLB tại bản Cá và Phứa Cón.

Các CLB văn hóa Thái trên địa bàn Thành phố giao lưu thi đấu trò chơi dân gian tó mák lẹ.

Các CLB văn hóa Thái trên địa bàn Thành phố giao lưu thi đấu trò chơi dân gian tó mák lẹ.

Đến nay, thành phố Sơn La đã thành lập 54 CLB văn hóa Thái, thu hút hơn 2.300 thành viên. Ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Các CLB không chỉ góp phần bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn là cầu nối giữa các thế hệ với nhau. Các CLB tích cực nghiên cứu, chuyển ngữ các phong tục tập quán tốt đẹp từ chữ Thái cổ sang chữ phổ thông, giúp cộng đồng dễ tiếp cận, hiểu rõ hơn về di sản văn hóa của dân tộc mình. Ngoài ra, còn phục dựng Lễ hội “Xên bản” và duy trì tập luyện, biểu diễn 6 điệu “Xòe cổ” và “Vũ điệu kết đoàn”.

Mô hình “Câu lạc bộ văn hóa dân tộc”, đã chứng minh hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc của thành phố Sơn La. Không chỉ là nơi gìn giữ, truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống, mô hình còn tạo nên một không gian giao lưu, học hỏi và gắn kết cộng đồng ý nghĩa, góp phần xây dựng thành phố Sơn La giàu bản sắc, năng động và phát triển.

Bài, ảnh: Phan Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/bao-ton-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-truyen-thong-2gGH5glIR.html