Bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Năm 2020, Đồng Nai có 2 di tích được công nhận di tích cấp tỉnh gồm: đình Phước Lư và đình Bình Thiền (TP.Biên Hòa), nâng tổng số di tích xếp hạng trên địa bàn tỉnh lên 59 di tích. Nhiều di tích được trùng tu, xếp hạng, thu hút du khách, nhất là người trẻ đến tham quan, học tập.
Với sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, diện mạo các di tích ở Đồng Nai đã và đang hồi sinh, phát huy giá trị bền vững.
* Thêm 2 di tích cấp tỉnh
Nằm giữa trung tâm TP.Biên Hòa, di tích đình Bình Thiền (P.Quang Vinh) được các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là nơi chứa đựng những giá trị quý giá về lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Các hạng mục chính của đình có bố cục mặt bằng dạng chữ Tam, gồm: tiền đình, chánh điện kiểu “tứ trụ”, mái dạng “bánh ít” và hậu đình nối tiếp nhau. Nghệ thuật chạm khắc tinh xảo, hoa văn trang trí theo mô típ truyền thống, sơn son, thếp vàng tạo ra vẻ đẹp và nét thiêng cho ngôi đình. Đây là một trong những lối kiến trúc đặc trưng, tiêu biểu của đình làng Nam bộ.
Trong khuôn viên đình Bình Thiền còn xây dựng các hạng mục khác như: miếu Ông Hổ, miếu Chúa Xứ, bàn thờ Thần Nông, bàn thờ chiến sĩ trận vong, nhà bếp. Đây là ngôi đình tồn tại trên 200 năm, gắn liền với quá trình hình thành, phát triển miếu Hội đồng Biên Hòa xưa, đình Bình Thiền ngày nay. Miếu Hội đồng Biên Hòa ra đời đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy, tôn vinh các giá trị văn hóa trong quá trình khai phá vùng đất mới Biên Hòa - Đồng Nai.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Ban quý tế đình Bình Thiền cho biết, công năng ban đầu của đình là thờ các vị nhiên thần, nhân thần và các quan văn võ có công khai quốc, là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, văn hóa của thôn Bình Thành xưa. Vào tháng 10 âm lịch hằng năm, người dân địa phương tổ chức lễ Kỳ yên nhằm tri ân, tôn kính các bậc tiền hiền; đồng thời cũng là nơi để nhân dân bày tỏ nguyện ước cầu xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cộng đồng dân cư sinh sống bình an. Việc xếp hạng di tích cấp tỉnh có ý nghĩa sâu sắc, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm lịch sử, văn hóa của địa phương.
Đình Phước Lư được xây dựng từ thế kỷ XIX, gắn liền với sự hình thành và phát triển làng Phước Lư, trấn Biên Hòa xưa (nay là P.Quyết Thắng). Đình có bố cục mặt bằng kiến trúc dạng chữ Tam - một kiểu kiến trúc khá tiêu biểu trong các ngôi đình cổ (thế kỷ thứ XVIII-XIX) ở Đồng Nai nói riêng và Nam bộ nói chung. Tổng thể đình Phước Lư thể hiện sự tiếp nối, bổ sung có chọn lọc cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương và sự đóng góp của nhân dân. Mỗi hạng mục đều mang dấu ấn, tri thức, tình cảm của các thế hệ cư dân Việt - Hoa ở Biên Hòa.
Mặc dù được trùng tu nhiều lần nhưng kiến trúc đình đến nay vẫn giữ được các yếu tố gốc. Không những có giá trị quan trọng về lịch sử mà còn có giá trị to lớn về văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, thể hiện bản sắc văn hóa đa dạng. Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đình Phước Lư tồn tại và đồng hành đã làm an bình, phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.
Ở tuổi 70, chứng kiến nhiều đổi thay ở vùng đất này, nhưng điều khiến ông Đào Văn Tân (P.Quyết Thắng) tự hào hơn cả là những giá trị truyền thống, những nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có từ thời xa xưa vẫn được bà con trong vùng tôn kính, gìn giữ cho đời sau… Ông Tân chia sẻ: “Đình Phước Lư được công nhận là di tích cấp tỉnh đã khẳng định giá trị lịch sử, tín ngưỡng văn hóa mà cộng đồng dân cư cùng nhau gìn giữ. Bà con vùng này ai cũng tự hào, sẽ tiếp tục phát huy tốt truyền thống của cha ông để lại”.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ ngày 10-11, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4236/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật đình Phước Lư và và Quyết định số 4237/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử đình Bình Thiền. Như vậy, trên toàn tỉnh hiện có 59 di tích được xếp hạng với nhiều loại hình như: lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 28 di tích cấp tỉnh.
* Đưa di sản đến gần công chúng
Xếp hạng di tích cấp tỉnh đã và đang tạo nền tảng, cơ hội và động lực để ngành Văn hóa thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trên địa bàn, đồng thời hoàn thiện dần các thiết chế văn hóa. Hiện nay, Đồng Nai đang tập trung đẩy mạnh, đưa di tích trở thành những điểm đến quan trọng trong phát triển du lịch. Các di tích không chỉ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng cho thế hệ trẻ, mà còn góp phần giới thiệu hình ảnh đất và người Đồng Nai.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho biết, những năm qua ngành Văn hóa đã chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản bằng nhiều biện pháp như: tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các hội thi, triển lãm chuyên đề về di sản; phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động giáo dục di sản, về nguồn cho thế hệ trẻ, xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với di sản. Thực tế, Đồng Nai đã kết nối có hiệu quả các đoàn đến tham quan Bảo tàng Đồng Nai, tham quan các di tích như: Bửu Long, núi Chứa Chan, Vườn quốc gia Cát Tiên...
“Trong thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý để có sự hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời kết nối các điểm du lịch gắn với những di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, đưa di sản đến với công chúng… Có như vậy mới đảm bảo giải quyết hợp lý, hài hòa, bền vững giữa bảo tồn, phát huy giá trị di tích với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” - ông Bằng nhấn mạnh.
Theo Sở VH-TTDL, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 51/56 di tích, danh thắng được tiến hành đo vẽ, khoanh vùng bảo vệ di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa (đạt 91%). Phần lớn các di tích thuộc loại hình tín ngưỡng dân gian và tôn giáo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định. Riêng di tích phổ thông các dân tộc thiểu số hiện nay có 38 di tích; di tích tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt có 19 di tích.