Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Làm chay

Cứ 3 năm/lần, vào những ngày giữa tháng 6 âm lịch, tại Di tích miếu Tổ Sư (chùa Bà Thiên Hậu, phường Trấn Biên) lại trở nên rộn ràng với Lễ hội Làm chay.

Lễ hội Làm chay miếu Tổ Sư, phường Trấn Biên biểu diễn các trích đoạn tuồng cổ, thu hút nhân dân theo dõi. Ảnh: L.Na

Lễ hội Làm chay miếu Tổ Sư, phường Trấn Biên biểu diễn các trích đoạn tuồng cổ, thu hút nhân dân theo dõi. Ảnh: L.Na

Lễ hội không chỉ là hoạt động tín ngưỡng, tri ân tổ nghiệp của cộng đồng người Hoa bang Hẹ ở Đồng Nai mà qua lễ hội còn góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc trên vùng đất Trấn Biên.

Gìn giữ lễ hội hơn 300 năm

Nằm nép mình bên dòng Đồng Nai, Di tích miếu Tổ Sư - nơi tổ chức Lễ hội Làm chay được xem là chứng nhân lặng lẽ của cộng đồng cư dân đã chọn vùng đất này làm quê hương suốt hơn 300 năm qua. Được dựng nên từ đá xanh Bửu Long, nơi đây thờ 3 vị Tổ nghề: Ngũ Đinh Tiên Sư (Tổ nghề đá), Lỗ Ban Tiên Sư (Tổ nghề mộc) và Uất Trì Tiên Sư (Tổ nghề rèn). Ngoài ra, miếu Tổ Sư còn phối thờ Thiên hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, Thần tài, Thổ địa, Tiền bối… Việc phối thờ này xuất phát từ việc bảo tồn tín ngưỡng cộng đồng.

Theo các bô lão người Hoa bang Hẹ ở phường Trấn Biên, Lễ hội Làm chay được tổ chức từ hàng trăm năm trước. Có nhiều truyền thuyết song song tồn tại, như xưa kia có trận dịch lớn, dân làng nhờ bà Thiên Hậu linh ứng mách thuốc cứu người. Một truyền thuyết khác nói, cách nay khoảng 150 năm, ở vùng Bửu Long có nạn dịch tả, “bà nhập đồng” chỉ dân hái đủ 100 loại lá thuốc về trị bệnh, từ đó dân làng tai qua nạn khỏi. Cảm ơn trời Phật, người Hoa bang Hẹ 3 năm/lần tổ chức lễ hội không chỉ để tạ ơn “bà”, mà còn tạ ơn 3 vị Tổ nghề.

Trưởng ban Trị sự miếu Tổ Sư Trương Lâm Thủy cho biết, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Lễ hội Làm chay vẫn được duy trì một cách bền bỉ. Không chỉ là nghi lễ mang tính tâm linh, lễ hội còn là nơi quy tụ sức mạnh cộng đồng, để con cháu nhớ về cội nguồn, về Tổ nghề. Đây cũng là nơi người già kể chuyện xưa, các thế hệ cùng chung tay gìn giữ giá trị truyền thống.

“Năm nay, lễ hội diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 4 đến 7-7) với 2 phần: lễ và hội. Phần hội sôi động, thu hút hàng chục ngàn lượt người dân và du khách tham gia. Bà con tự nguyện đóng góp công sức, vật chất để dựng rạp, nấu cỗ chay, trang trí khuôn viên miếu, biểu diễn lân - sư - rồng… Sự đồng lòng ấy chính là “chất keo” gắn kết cộng đồng, giữ cho lễ hội sống mãi trong đời sống tinh thần của người dân địa phương” - ông Thủy chia sẻ.

Không chỉ thu hút người dân tham gia các đoàn rước trên đường phố mà tại sân Di tích miếu Tổ Sư, đèn lồng đỏ treo khắp nơi, tạo nên một khung cảnh lung linh. Đặc biệt, đêm xuống, sân khấu sáng đèn. Tuồng cổ, múa lân, hát bội nối nhau biểu diễn. Trẻ con chạy tung tăng, người lớn ngồi xếp ghế nhựa, có cụ ông, cụ bà đi sớm giành chỗ. Không ai bán vé, không phân biệt người già, trẻ nhỏ… tất cả hòa mình vào lễ hội với niềm vui, lòng biết ơn và niềm tự hào về truyền thống quê hương.

Chị Vương Thị Ngọc Mai (ngụ phường Trấn Biên) tham gia biểu diễn trống hội trong Lễ hội Làm chay miếu Tổ Sư, cho hay: “Từ khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, tôi cùng gia đình dự lễ. Tôi thấy mình cũng như những người trẻ ở địa phương đang kế thừa một giá trị văn hóa lâu đời, vừa tự hào, vừa ý thức được trách nhiệm giữ lửa truyền thống của cha ông”.

Thời gian qua, Di tích miếu Tổ Sư đã đẩy mạnh xã hội hóa trùng tu, tôn tạo các hạng mục của di tích. Nổi bật là công trình tu bổ, nâng cấp, sửa chữa cổng tam quan miếu Tổ Sư với tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Hiện nay, di tích đã ngày càng khang trang, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người dân tại địa phương.

Nâng tầm giá trị lễ hội truyền thống

Bối cảnh hội nhập và phát triển, việc bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Làm chay không chỉ dừng lại ở việc duy trì các nghi lễ cổ truyền, mà còn cần những hướng đi mới để đưa lễ hội đến gần hơn với cộng đồng trong và ngoài địa phương. Bởi vậy, vài năm trở lại đây, ban trị sự di tích đã phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ mang tính giáo dục và trải nghiệm. Nổi bật như: xuất bản sách về di tích, làm phim tư liệu, giới thiệu các video lễ hội trên Facebook, YouTube...

Đông đảo nhân dân tham gia Lễ hội Làm chay, xem các chương trình nghệ thuật biểu diễn tại Di tích miếu Tổ Sư.

Đông đảo nhân dân tham gia Lễ hội Làm chay, xem các chương trình nghệ thuật biểu diễn tại Di tích miếu Tổ Sư.

Cũng theo ông Trương Lâm Thủy, năm 2025, Bảo tàng Đồng Nai đã phối hợp với Ban Trị sự di tích lập hồ sơ để đề nghị ghi danh Lễ hội Làm chay miếu Tổ Sư là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây không chỉ là bước đi cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội, mà còn góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa vùng đất Trấn Biên - Đồng Nai đến đông đảo cộng đồng trong và ngoài nước.

Trong lộ trình sắp tới, ngành văn hóa sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy Lễ hội Làm chay giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi lễ hội được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Bảo tàng Đồng Nai sẽ tiếp tục lập hồ sơ khoa học nâng cấp Di tích miếu Tổ Sư từ xếp hạng cấp tỉnh lên cấp quốc gia, xứng tầm với giá trị vốn có của di tích. Ngoài ra, Bảo tàng Đồng Nai đã kiểm kê và sẽ xây dựng kế hoạch số hóa hiện vật di tích, làm phim 360 thực tế ảo giới thiệu Di tích miếu Tổ Sư và Lễ hội Làm chay.

Với chiều sâu lịch sử, văn hóa và tinh thần cố kết cộng đồng, Lễ hội Làm chay đã và đang tiếp tục trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Trấn Biên nói riêng và Đồng Nai nói chung. Việc gìn giữ và phát huy lễ hội là trách nhiệm không chỉ của một cộng đồng, mà là của cả xã hội - nơi mỗi người dân, mỗi thế hệ đều đóng vai trò là “người giữ lửa” văn hóa truyền thống dân tộc.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202507/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-le-hoi-lam-chay-c770c2f/