Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa

Là huyện miền núi, Hướng Hóa có hơn 94 nghìn dân, bao gồm 3 dân tộc Kinh, Bru - Vân Kiều, Pa Kô sinh sống, trong đó tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50%. Mỗi dân tộc nơi đây đều có những nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, lễ hội, nghi lễ, trang phục, nghề truyền thống riêng, tạo nên tính phong phú, đa dạng và độc đáo của nền văn hóa cộng đồng. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, là nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội, trong đó lấy bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô làm điều kiện cốt lõi để xây dựng môi trường du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, góp phần thúc đẩy ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

 Múa cồng chiêng của người Vân Kiều, Pa Kô - Ảnh: N.Đ.P

Múa cồng chiêng của người Vân Kiều, Pa Kô - Ảnh: N.Đ.P

Trong những năm qua, huyện Hướng Hóa đã nỗ lực giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, bản sắc độc đáo vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, như: Chữ viết Bru - Vân Kiều, lễ hội A Riêu ping, lễ cầu mùa, mừng lúa mới... Các nhạc cụ truyền thống như: Cồng chiêng, khèn bè, đàn... Cùng các làn điệu dân ca, hò vè, như: Ka lơi, Cha chấp, A Dên, Tà oải; các nghề truyền thống gắn bó mật thiết với đời sống đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, với các sản phẩm độc đáo như: Dệt thổ cẩm, đan lát, rượu cần, rượu men lá... Tất cả đã phản ánh một cách chân thực sự phong phú, đa dạng trong lao động sản xuất và đời sống hằng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số giữa đại ngàn Trường Sơn.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử văn hóa như: Nhà đày Lao Bảo, sân bay Tà Cơn, tượng đài chiến thắng Khe Sanh, Làng Vây… và nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với hệ thống sông, suối, hang động, vách đá đẹp như: Động Brai, đèo Sa Mù, động Kulum, thác Chênh Vênh, suối Tà Đủ, động và thác Tà Puồng... thích hợp để phát triển du lịch.

Nguyễn Thị Huyền, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Việc bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vẫn chưa tương xứng với các giá trị của di sản; công tác sưu tầm, biên soạn, lập hồ sơ khoa học các di sản chưa được thực hiện. Ngoài ra, do những tác động mạnh mẽ các dòng văn hóa, tín ngưỡng, sự phát triển của xã hội đã làm thay đổi môi trường văn hóa truyền thống, dẫn đến các di sản có nguy cơ pha trộn, mất đi bản chất truyền thống. Nhiều nghi lễ, lễ hội, nghề truyền thống, các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số đến nay số lượng còn ít. Số lượng nghệ nhân am hiểu sâu sắc và đang nắm giữ “linh hồn” của các di sản ngày càng ít và đứng trước nguy cơ thất truyền nếu không có giải pháp bảo tồn.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc gắn với việc khai thác tiềm năng về du lịch trên địa bàn huyện, Huyện ủy Hướng Hóa đã ban hành Nghị quyết về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn huyện; UBND huyện Hướng Hóa đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XVII về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn huyện nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội trong việc bảo tồn văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đồng thời khơi dậy lòng tự hào cũng như ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô.

Theo đó, từ nay đến năm 2025, mỗi năm tổ chức ít nhất 1 lễ hội tiêu biểu; tổ chức sưu tầm những vật dụng truyền thống mang nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô, như trang phục, công cụ lao động, nhạc cụ truyền thống… để trưng bày tại Nhà Văn hóa truyền thống Vân Kiều, Pa Kô huyện và Nhà Văn hóa cộng đồng ở các thôn, bản; thành lập 5 câu lạc bộ cồng chiêng biểu diễn nghệ thuật truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô; hỗ trợ phát triển mỗi xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số 1 nghề truyền thống hoặc 1 câu lạc bộ dân ca, dân vũ, bao gồm chi phí các hoạt động, mua sắm các vật dụng cần thiết để duy trì các hoạt động; tổ chức dạy nghề truyền thống như dệt thổ cấm, làm men lá, đan lát, chế tác nhạc cụ truyền thống; hằng năm tổ chức 1 đến 2 lớp học ngôn ngữ dân tộc Vân Kiều, Pa Kô; xây dựng ít nhất 3 mô hình du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó vừa phát huy được bản sắc văn hóa của các dân tộc vừa kết hợp phát triển kinh tế bằng ngành du lịch…

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, huyện tập trung các nhóm giải pháp cụ thể về công tác chỉ đạo, điều hành; về cơ chế chính sách; về phát triển nguồn nhân lực, như nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của huyện; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục; huy động nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, từ xã hội hóa; đẩy mạnh việc phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

Nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác lãnh đạo, quản lý, tham mưu lĩnh vực văn hóa có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; ưu tiên đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô thực sự trở thành động lực cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với việc xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng sâu, vùng xa, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

Nguyễn Đình Phục

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=170116&title=bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-dong-bao-cac-dan-toc-thieu-so-o-huong-hoa