Bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi

Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi, nhiều địa phương trong tỉnh đã thành lập câu lạc bộ (CLB) dân ca - bài chòi để lưu truyền những lời ca mượt mà, thắm đượm tình quê.

Vào buổi tối, thành viên CLB Dân ca - Bài chòi huyện Tư Nghĩa vẫn thường có mặt tại Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện để tập luyện những làn điệu bài chòi. Họ cùng nhau thể hiện niềm đam mê bài chòi và xem đây là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần. Chị Lê Thị Thu Thúy, giáo viên Trường Tiểu học Phan Văn Đường, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) cho biết, từ nhỏ tôi đã yêu thích bài chòi. Tham gia CLB Dân ca - Bài chòi, tôi được thỏa niềm đam mê. Qua đó, giao lưu, học hỏi thêm kiến thức về loại hình nghệ thuật này; biểu diễn các tiết mục bài chòi phục vụ người dân.

Các diễn viên biểu diễn bài chòi tại đêm giao lưu dân ca - bài chòi huyện Nghĩa Hành mở rộng năm 2022. Ảnh: PV

Câu lạc bộ Dân ca - Bài chòi huyện Tư Nghĩa mới thành lập, với gần 30 thành viên. Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện Tư Nghĩa Huỳnh Thị Thu Hạnh cho hay, huyện thành lập CLB Dân ca - Bài chòi với mong muốn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức sinh hoạt, mời các nghệ nhân bài chòi về truyền dạy và xây dựng tiết mục tham gia trình diễn tại các cuộc thi, liên hoan dân ca. Cùng với đó, tăng cường sáng tác, đặt lời mới cho bài chòi để phát huy năng khiếu và phát hiện thêm các nhân tố mới nhằm phát triển phong trào tại các xã, thị trấn.

Huyện Nghĩa Hành cũng đã thành lập CLB Dân ca - Bài chòi. Mới đây, huyện Nghĩa Hành tổ chức giao lưu nghệ thuật dân ca - bài chòi mở rộng, với sự tham gia của nhiều đội văn nghệ ở các địa phương. Dịp này, những người đam mê bài chòi biểu diễn các làn điệu dân ca, bài chòi, diễn xướng... thu hút rất đông người xem.

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, CLB Dân ca - Bài chòi huyện Nghĩa Hành đã khơi dậy niềm đam mê bài chòi, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại địa phương. Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Nghĩa Hành, Chủ nhiệm CLB Dân ca - Bài chòi Nguyễn Vĩnh Phúc cho biết, CLB ban đầu có 30 thành viên, đến nay đã phát triển lên 46 thành viên; tổ chức hàng chục đợt biểu diễn văn nghệ, tham gia các hội thi tại huyện.

Câu lạc bộ đã sưu tầm hơn 15 làn điệu dân ca, 6 tác phẩm bài chòi và bài mẫu dùng để hô bài chòi; sáng tác, đặt lời mới cho một số làn điệu dân ca - bài chòi; phát hành 100 tập sách “Sưu tầm, biên soạn một số làn điệu dân ca, tác phẩm bài chòi và bài mẫu hô bài chòi” dùng để sinh hoạt CLB. Câu lạc bộ cũng đã phối hợp tổ chức tập huấn cho giáo viên và cán bộ làm công tác đoàn ở cơ sở về nghệ thuật bài chòi, cải biên một số làn điệu dân ca để phổ biến cho học sinh trong các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn huyện...

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Văn Tiến cho biết, toàn tỉnh hiện có 5 CLB Dân ca- Bài chòi tại các huyện Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, TP.Quảng Ngãi và TX.Đức Phổ. Thông qua hoạt động của các CLB, những làn điệu xuân nữ, cổ bản, xàng xê, hò Quảng... được trao truyền cho thế hệ trẻ. Ở mỗi thời điểm khác nhau, bài chòi được các CLB bổ sung thêm những làn điệu, sắc thái mới và tích hợp thêm những yếu tố văn hóa âm nhạc của các vùng miền, làm cho bài chòi thêm phong phú. Sở VH-TT&DL đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng Ðề án Bảo tồn và phát huy di sản bài chòi Quảng Ngãi giai đoạn 2022 - 2025, với mục đích ngày càng lan tỏa loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống đặc sắc này.q

KIM NGÂN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202204/bao-ton-va-phat-huy-nghe-thuat-bai-choi-3113129/