Bảo tồn và phát huy tiềm năng, giá trị từ khoai môn

Trong khuôn khổ Ngày hội Khoai môn năm 2023, sáng ngày 25/9, UBND huyện Lấp Vò tổ chức hội thảo 'Bảo tồn và phát huy tiềm năng, giá trị từ khoai môn'. Hội thảo có sự tham gia của các ngành chuyên môn, nông dân, hợp tác xã trên địa bàn huyện.

Toàn huyện Lấp Vò có gần 1.400ha khoai môn (tập trung ở các xã: Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B, Tân Mỹ, Hội An Đông, Bình Thạnh Trung), sản lượng gần 30.000 tấn/năm. Thời gian qua, địa phương đã ưu tiên nhiều chương trình, dự án để bảo tồn và phát triển ngành hàng khoai môn, qua đó, đã có nhiều chuyển biến tích cực đối với cây khoai môn của huyện.

Lãnh đạo Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin đến hội thảo về quy trình thiết lập mã số vùng trồng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu

Lãnh đạo Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin đến hội thảo về quy trình thiết lập mã số vùng trồng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu

Đến nay, huyện có108ha khoai môn được chứng nhận VietGAP, có 6 mã số vùng trồng khoai môn. Bên cạnh sản xuất, thời gian qua, các tổ hợp tác và hội quán luôn thực hiện tốt việc liên kết tổ chức sản xuất, cải thiện sản xuất theo hướng hữu cơ, giới thiệu nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu, khảo sát vùng nguyên liệu, để hướng tới ký kết hợp tác liên kết tiêu thụ khoai môn của huyện…

Bên cạnh kết quả đạt được, việc sản xuất cây khoai môn của Lấp Vò vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế như: khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ; hạn chế trong khâu cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chưa cao…từ đó, chưa phát huy tiềm năng, giá trị ngành hàng khoai môn của huyện.

Ngày hội Khoai môn là dịp để huyện Lấp Vò quảng bá đặc sản địa phương đến du khách trong và ngoài tỉnh

Ngày hội Khoai môn là dịp để huyện Lấp Vò quảng bá đặc sản địa phương đến du khách trong và ngoài tỉnh

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp để phát triển ổn định ngành hàng khoai môn. Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn cũng thông tin về tình hình tiêu thụ, quy trình kỹ thuật cũng như việc thiết lập mã số vùng trồng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Qua đó, giúp nông dân, hợp tác xã có những định hướng, giải pháp sản xuất phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường…

Ông Trần Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết, để tiếp tục duy trì, phát triển, nâng cao chất lượng và hiệu quả ngành hàng khoai môn, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp về việc hình thành quy hoạch vùng sản xuất quy mô lớn; ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để tăng hệ số nhân giống; ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản khoai môn thương phẩm, khoai môn giống và chế biến khoai môn; nâng cao chuỗi giá trị khoai môn thông qua liên kết giữa nhà nước - doanh nghiệp - nông dân và nhà khoa học.

Cùng với đó, sử dụng và quan tâm hơn nữa các công nghệ phục vụ cho chế biến; xác lập và lựa chọn công nghệ phù hợp cho quy mô vùng, đặc biệt là công nghệ cho sơ chế và chế biến phù hợp, đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường, đồng thời đảm bảo về mặt hiệu quả kinh tế và môi trường...

MN

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/bao-ton-va-phat-huy-tiem-nang-gia-tri-tu-khoai-mon-117008.aspx