Gỡ 'điểm nghẽn' trong quá trình nâng hạng chứng khoán Việt
Thị trường chứng khoán (TTCK) khi được nâng hạng sẽ đạt được nhiều lợi ích, nhưng có thách thức lớn nhất là đảm bảo thị trường tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, duy trì xếp hạng.
Thu hút thêm dòng vốn ngoại gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỷ USD
Tại Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” do Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán (UBCK) và báo Lao Động tổ chức chiều 2/7, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (UBCK) cho biết: TTCK Việt Nam đang được Tổ chức xếp hạng thị trường lớn FTSE Russell đưa vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường Mới nổi.
“Nâng hạng TTCK sẽ là tín hiệu quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, cho thấy Việt Nam đang trên đà phát triển thành nền kinh tế thị trường. Từ đó, góc nhìn của các nhà đầu tư quốc tế về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ có chuyển biến tích cực. Việc này sẽ là cú hích gián tiếp dành cho mục tiêu từng bước nâng bậc tín nhiệm Quốc gia theo “Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm Quốc gia đến năm 2030”, ông Vũ Chí Dũng cho biết.
Theo UBCK, việc nâng hạng TTCK cho thấy, Việt Nam đã tiến bước dài hơn trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khẳng định vị thế và nâng cao hình ảnh không chỉ của riêng TTCK Việt Nam, mà còn của cả nền kinh tế đối với cộng đồng quốc tế.
Báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới nêu, việc được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho TTCK Việt Nam, thu hút thêm dòng vốn ngoại gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỷ USD vào Việt Nam/năm. Dòng vốn này chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) lớn trên thế giới.
Đồng thời, cải thiện khả năng định giá cổ phiếu, giá cổ phiếu trên thị trường sẽ được nhiều NĐTNN chuyên nghiệp tham gia đánh giá, thể hiện đúng nhu cầu thực tế và đánh giá đúng tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp. Việc cải thiện định giá này sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình cổ phần hóa, giúp cho việc thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có thể thu được nguồn thu cao hơn cho Ngân sách Nhà nước (NSNN).
“TTCK không chỉ gia tăng số lượng nhà đầu tư, mà chất lượng của nhà đầu tư cũng sẽ được nâng cao với sự tham gia của các quỹ đầu tư, các tổ chức đầu tư quốc tế lớn với mục tiêu đầu tư dài hạn. Đi kèm theo đó là nội tại các doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước chịu áp lực buộc phải nâng cao chất lượng doanh nghiệp, để đáp ứng yêu cầu của NĐTNN theo chuẩn mực quốc tế”, ông Vũ Chí Dũng cho biết.
Sự tham gia của NĐTNN mang lại lợi ích từ việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý, chiến lược đầu tư và công nghệ mới. Điều này có thể giúp doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với môi trường kinh doanh quốc tế.
Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (UBCK), trường hợp TTCK Việt Nam được nâng hạng, không chỉ lượng vốn từ các quỹ đầu tư thụ động chảy vào thị trường, mà cả nguồn vốn của các quỹ đầu tư chủ động và nhiều nhà đầu tư lớn (bao gồm cả nhà đầu tư vốn cổ phần - private equity, chuyên đầu tư vào các công ty cổ phần hóa, công ty chưa niêm yết) trên toàn cầu sẽ tham gia vào thị trường vốn của Việt Nam. “Các nhà đầu tư này sẽ góp phần mở rộng cơ sở nhà đầu tư, cung cấp thêm nguồn vốn mới để Việt Nam đạt được tốt hơn mục tiêu cổ phần hóa, nhất là đối với các DNNN lớn”, ông Vũ Chí Dũng chia sẻ.
Theo ông Đinh Minh Trí, Trưởng phòng Phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), kinh nghiệm của Hàn Quốc về nâng hạng lên thị trường mới nổi, phát triển đã giúp nâng cao vị thế của Hàn Quốc trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset, giá trị vốn hóa thị trường hiện tăng mạnh lên mức gần 2.000 tỷ USD, giúp Hàn Quốc nằm trong Top 5 TTCK lớn nhất châu Á và duy trì thường xuyên trong Top 15 trên thế giới. Quy mô GDP Hàn Quốc từ mức 500 tỷ USD vào năm 2001, tăng hơn 3 lần đạt mức trên 1.700 tỷ USD vào năm 2023 với thu nhập bình quân đầu người đạt mức trên 33.000 USD/năm, thuộc Top quốc gia hàng đầu thế giới.
Tránh bị hạ cấp xếp hạng
TTCK khi được nâng hạng đạt được nhiều lợi ích, nhưng thách thức lớn nhất là đảm bảo đảm bảo TTCK tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, duy trì xếp hạng, tránh bị hạ cấp xếp hạng.
Ông Vũ Chí Dũng nhấn mạnh, thách thức đến từ việc các TTCK không còn đáp ứng yêu cầu duy trì trạng thái hiện tại. Hoặc khi TTCK không đáp ứng được sự thay đổi tiêu chí từ các tổ chức xếp hạng.
Không chỉ vậy, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK có thể gây tác động đến mức độ biến động của TTCK do tác động đến tâm lý thị trường (khi dòng vốn vào hoặc rút ra có biến động mạnh, gây ra hiệu ứng tâm lý hoặc dây chuyền đến các nhà đầu tư), cũng như gây áp lực cho thị trường ngoại hối do gia tăng nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ - tiền VNĐ của các nhà đầu tư nước ngoài.
Để một TTCK phát triển bền vững, đó phải là một TTCK thực sự “khỏe mạnh”, minh bạch, đảm bảo công bằng cho tất cả nhà đầu tư tham gia trên thị trường. “Với vai trò là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát TTCK, UBCKNN đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực đưa ra những giải pháp phù hợp đáp ứng được các tiêu chí của các tổ chức đánh giá xếp hạng thị trường hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam từ Cận biên lên Mới nổi và đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của thị trường”, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (UBCK) nhấn mạnh.
Ông Đinh Minh Trí đã đưa ra khuyến nghị tới TTCK Việt Nam, đó là cải thiện tính minh bạch và công bố thông tin như: Đảm bảo công bố thông tin bằng tiếng Anh cho các công ty niêm yết lớn để thu hút nhà đầu tư quốc tế; minh bạch hóa các quy trình tài chính và quản trị công ty; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài; đơn giản hóa thủ tục đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài; mở rộng giờ giao dịch và cải thiện hệ thống thanh toán, bù trừ.
Một số chuyên gia chứng khoán chia sẻ: Dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc, Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp tổng thể để hoàn thiện hệ thống giao dịch chứng khoán. Hầu hết các công ty chứng khoán lớn tại Hàn Quốc đã triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) và chatbot để cải thiện dịch vụ khách hàng và hỗ trợ giao dịch tự động. AI giúp phân tích dữ liệu và đưa ra các dự đoán thị trường, trong khi chatbot hỗ trợ khách hàng với các vấn đề thường gặp và cung cấp thông tin nhanh chóng.
Nhiều công ty đã sử dụng hệ thống giao dịch tự động để tối ưu hóa các lệnh giao dịch và quản lý rủi ro. Hệ thống này sử dụng AI để phân tích dữ liệu thị trường và thực hiện các giao dịch tự động dựa trên các thuật toán định trước. “Chúng tôi kỳ vọng khi thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng sẽ cải thiện thanh khoản và quy mô thị trường: Lượng giao dịch và quy mô thị trường sẽ tăng lên, cải thiện tính thanh khoản và độ ổn định. Theo chúng tôi quan sát, đa phần các thị trường trước thời điểm nâng hạng chính thức 1- 2 năm, chỉ số chứng khoán đều tăng như Qatar, Ả Rập Saudi, Rumani… Đáng chú ý, giá trị giao dịch các thị trường có mức tăng từ 2 đến 4 lần trong vòng 2 - 3 năm sau khi được nâng hạng chính thức”, ông Đinh Minh Trí bày tỏ.