Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa chuồn chuồn tre Thạch Xá

Hơn 20 năm qua, bằng những nguyên liệu bình dị, thân thuộc, những người dân Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) vẫn miệt mài tạo ra hàng nghìn chú chuồn chuồn tre độc đáo. Đây chính là món quà quê mộc mạc đánh thức miền ký ức tuổi thơ trong trái tim mỗi người.

Sản phẩm chuồn chuồn tre rực rỡ sắc màu. Ảnh: Quỳnh Chi

Sản phẩm chuồn chuồn tre rực rỡ sắc màu. Ảnh: Quỳnh Chi

Tỉ mỉ trong sáng tạo làm nên “cái hồn” cho sản phẩm

“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa

Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”

Đối với những đứa trẻ lớn lên từ làng, từ mùi thơm của cánh đồng lúa, trên những mảnh đất mà con người dẫu nghèo khó nhưng ân tình đậm sâu, hình ảnh chú chuồn chuồn là một hình ảnh thân thuộc, là món đồ chơi bình dị, mộc mạc, gọi về những hoài niệm tươi đẹp trong thế giới tuổi thơ.

Lấy cảm hứng từ miền ký ức tươi đẹp ấy, anh Nguyễn Văn Tái (sinh năm 1970, ở Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội) là người đầu tiên mang nghề làm chuồn chuồn tre về với làng. Anh Tái chia sẻ: “Từ khi còn nhỏ, ngay từ lần đầu bắt gặp hình ảnh con chuồn chuồn, tôi đã cảm thấy loài vật này có gì đó rất đặc biệt”.

Niềm yêu thích và sự tò mò với chúng đã trở thành bước khởi đầu cho “mối lương duyên” giữa anh Tái và những chú chuồn chuồn tre sau này. Những chú chuồn chuồn tre đầu tiên được làm rất thô sơ. Sau một khoảng thời gian liên tục trau dồi tay nghề, kỹ năng của anh được nâng cao, sản phẩm chuồn chuồn tre cũng trở nên sinh động, thu hút hơn.

Khi làm nghề chụp ảnh dịch vụ, anh Tái luôn mang theo những chú chuồn chuồn bên mình. Khách hàng rất thích thú với món đồ này và ngỏ ý mua lại chúng. Từ đó, anh Tái bắt đầu sản xuất thêm. Dù chỉ sản xuất nhỏ lẻ nhưng những sản phẩm của anh luôn được khách hàng ủng hộ. Đây chính là động lực để anh Tái tiếp tục phát triển nghề. Tính đến nay, anh đã gắn bó với nghề làm chuồn chuồn tre được 26 năm.

Anh Nguyễn Văn Tái (áo xanh) hướng dẫn các công đoạn làm chuồn chuồn cho du khách đến trải nghiệm. Ảnh: Quỳnh Chi

Anh Nguyễn Văn Tái (áo xanh) hướng dẫn các công đoạn làm chuồn chuồn cho du khách đến trải nghiệm. Ảnh: Quỳnh Chi

Nếu như thời gian đầu, anh Tái làm chuồn chuồn tre để chơi, để khách chụp ảnh thì sau này, anh dành toàn bộ thời gian, tâm huyết để nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Anh cũng không ngần ngại chia sẻ với người dân trong làng những bí quyết làm nghề. Anh Tái cho biết, cách đây khoảng 10 năm, trong xóm có hơn 20 hộ theo nghề thủ công truyền thống này. Cái tên “xóm chuồn chuồn tre” cũng ra đời từ đó.

Chia sẻ về quy trình tạo nên một con chuồn chuồn tre, anh Tái cho biết: “Để cho ra đời một chú chuồn chuồn tre, chúng tôi cần làm rất nhiều công đoạn. Từ khâu lựa chọn nguyên vật liệu đến cào tinh tre; phơi khô; cắt, chẻ, vót để tạo dáng, tạo hình cho những chú chuồn chuồn; lắp ráp và cuối cùng là sơn vẽ. Tất cả các công đoạn đều đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, kiên trì và chuẩn chỉnh đến từng milimet. Điều đặc biệt ở những chú chuồn chuồn tre là chúng có thể giữ thăng bằng trên mọi điểm tựa dù là nhỏ nhất, kể cả sợi chỉ. Do đó, sản phẩm được rất nhiều du khách ưa chuộng, nhất là các em nhỏ".

Anh Tái chia sẻ thêm: “Một người không thể làm hết tất cả các công đoạn. Sản phẩm được sáng tạo bởi sự phối hợp nhịp nhàng của mọi người trong một dây chuyền. Trong các nghề thủ công truyền thống, yếu tố con người rất quan trọng, làm đến 80% các khâu”.

Ông Nguyễn Văn Khẩn (58 tuổi), một người dân ở Thạch Xá theo nghề được 23 năm cho biết: “Làm chuồn chuồn tre là công việc đòi hỏi sự khéo léo và trăm hay không bằng tay quen. Có những công đoạn mất nhiều thời gian, phải nâng lên đặt xuống hàng chục lần”. Thế nhưng, những người thợ Thạch Xá chịu thương chịu khó, kiên trì, yêu nghề vẫn cần mẫn với công việc mỗi ngày.

Sản phẩm chuồn chuồn tre tại làng nghề chuồn chuồn tre Thạch Xá. Ảnh: Quỳnh Chi

Sản phẩm chuồn chuồn tre tại làng nghề chuồn chuồn tre Thạch Xá. Ảnh: Quỳnh Chi

Những khó khăn trong bảo tồn giá trị văn hóa chuồn chuồn tre

Gắn bó với nghề đã 26 năm, theo anh Nguyễn Văn Tái, nghề làm chuồn chuồn tre Thạch Xá đang đứng trước rất nhiều khó khăn và thách thức. Khâu đầu vào gặp khó khăn ở bước lựa chọn nguyên liệu. Dù Thạch Xá là mảnh đất trồng nhiều tre, tuy nhiên vật liệu làm chuồn chuồn tre vẫn phải nhập từ các tỉnh khác do loại tre ở đây không đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng.

Bên cạnh đó, vấn đề tuyển nhân công làm nghề cũng rất khó khăn do giới trẻ trong làng lựa chọn nghề khác thay vì theo nghề truyền thống này. Một số ít người trẻ làm nghề nhưng chưa thực sự tâm huyết. “Do nghề khá đặc thù nên tôi cũng cần tuyển chọn kỹ càng. Có lần tôi tuyển những bạn trẻ, nhưng họ chỉ làm qua loa, không có trách nhiệm với công việc, không những chất lượng sản phẩm đi xuống, mà uy tín và thương hiệu của tôi cũng bị ảnh hưởng” - anh Nguyễn Văn Tái cho biết.

Ông Nguyễn Văn Khẩn cũng không giấu nổi những băn khoăn. “Tôi cũng đã có tuổi, con cái lại không theo nghề. Tuổi trẻ mà, chúng thích xông pha, làm những điều thú vị. Hơn nữa, nghề làm chuồn chuồn tre cũng cần phải có cái duyên, không có duyên không làm nghề được” - ông Khẩn trải lòng.

Ông Nguyễn Văn Khẩn chia sẻ thêm: “Một con chuồn chuồn mộc chỉ có giá 2.500 đồng. Mỗi ngày tôi và vợ làm được 100 con, công hai vợ chồng cũng chỉ được hơn 200.000 đồng, đủ để duy trì và trang trải cuộc sống. Còn một con chuồn chuồn đã qua sơn vẽ thì có giá 20.000 đồng, tuy nhiên, nếu sau khi chia đều tiền công cho 6,7 công đoạn thì cũng chẳng được là bao”.

Ông Nguyễn Văn Khẩn đã có 23 năm gắn bó với nghề làm chuồn chuồn tre. Ảnh: Quỳnh Chi

Ông Nguyễn Văn Khẩn đã có 23 năm gắn bó với nghề làm chuồn chuồn tre. Ảnh: Quỳnh Chi

Khó khăn là vậy nhưng nghề làm chuồn chuồn tre đối với anh Tái đã ngấm sâu vào máu thịt. Còn với ông Khẩn, nghề đã giúp vợ chồng ông nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. “Chính cái nghề mộc mạc, bình dị ấy đã nuôi lớn các con tôi ăn học nên người, chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão của các con tôi được bay cao, bay xa hơn” - ông Khẩn chia sẻ.

Với tình yêu, sự tâm huyết, trách nhiệm khi làm nghề trong hơn 20 năm qua, những sản phẩm chuồn chuồn tre của gia đình anh Nguyễn Văn Tái và ông Nguyễn Văn Khẩn đã tạo nên thương hiệu đối với nhiều khách hàng trong nước và quốc tế. Những năm qua, họ nhận được nhiều đơn hàng lớn, có khi lên đến hàng vạn con, được bán trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Bên cạnh tay nghề cao, tình yêu và sự quyết tâm gìn giữ và phát triển nghề của các nghệ nhân Thạch Xá, nghề làm chuồn chuồn tre còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ các cấp, ban ngành, đoàn thể. “Chính quyền và các đơn vị truyền thông tích cực đưa tin tức, quảng bá về nghề đã giúp chuồn chuồn tre được nhiều người biết đến. Gần đây nhất là sự kiện Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, sản phẩm chuồn chuồn tre cũng được lựa chọn đi diễu hành. Đây thực sự là niềm vinh dự và tự hào” - anh Nguyễn Văn Tái chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Tái, ông Nguyễn Văn Khẩn cũng như nhiều người dân Thạch Xá gắn bó với nghề làm chuồn chuồn tre hy vọng nghề sẽ tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm và có những chủ trương, chính sách phát triển, bảo tồn nghề, góp phần giữ gìn, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong nhịp sống hiện đại ngày nay.

Khâu đầu tiên là lựa chọn nguyên vật liệu. Vật liệu để tạo nên những chú chuồn chuồn tre là những cây tre rừng, được nhập từ các tỉnh như Hà Giang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Đó phải là loại tre bánh tẻ, không quá non nhưng cũng không quá già. Từ cây tre tươi, người thợ loại bỏ phần đốt còn thừa, cạo vỏ và mang đi phơi, để tạo độ bền, tránh ẩm mốc và mối mọt. Sau đó, người thợ mới cắt chia thành từng thanh tre nhỏ để làm sản phẩm. Ảnh: Quỳnh Chi

Khâu đầu tiên là lựa chọn nguyên vật liệu. Vật liệu để tạo nên những chú chuồn chuồn tre là những cây tre rừng, được nhập từ các tỉnh như Hà Giang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Đó phải là loại tre bánh tẻ, không quá non nhưng cũng không quá già. Từ cây tre tươi, người thợ loại bỏ phần đốt còn thừa, cạo vỏ và mang đi phơi, để tạo độ bền, tránh ẩm mốc và mối mọt. Sau đó, người thợ mới cắt chia thành từng thanh tre nhỏ để làm sản phẩm. Ảnh: Quỳnh Chi

Bước thứ hai người thợ cần làm là mài cánh và thân chuồn chuồn. Ở công đoạn này, người thợ có thể nhờ đến sự hỗ trợ từ máy móc. Sau đó, họ cần đục lỗ trên thân chuồn để lắp ráp thân và cánh, vuốt đuôi, hơ mỏ để tạo độ cong cho phần đầu chuồn chuồn. Ảnh: Quỳnh Chi

Bước thứ hai người thợ cần làm là mài cánh và thân chuồn chuồn. Ở công đoạn này, người thợ có thể nhờ đến sự hỗ trợ từ máy móc. Sau đó, họ cần đục lỗ trên thân chuồn để lắp ráp thân và cánh, vuốt đuôi, hơ mỏ để tạo độ cong cho phần đầu chuồn chuồn. Ảnh: Quỳnh Chi

Công đoạn lắp ráp chuồn chuồn được xem là công đoạn khó nhất, đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ để kiểm tra độ cân bằng. Ảnh: Quỳnh Chi

Công đoạn lắp ráp chuồn chuồn được xem là công đoạn khó nhất, đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ để kiểm tra độ cân bằng. Ảnh: Quỳnh Chi

Ông Nguyễn Văn Khẩn cho biết: “Để chuồn chuồn có thể giữ được thăng bằng, hai cánh chuồn được thiết kế đổ dồn về phía trước, trọng tâm sẽ được cân bằng ở phần mũi của chuồn chuồn”. Ở công đoạn này, người thợ cần hết sức kiên trì. Bằng chiếc dao nhỏ, người thợ cần vót thân và cánh chuồn chuồn để tạo được độ dày vừa phải, giúp chúng đứng vững trên mọi vật thể. Ảnh: Quỳnh Chi

Ông Nguyễn Văn Khẩn cho biết: “Để chuồn chuồn có thể giữ được thăng bằng, hai cánh chuồn được thiết kế đổ dồn về phía trước, trọng tâm sẽ được cân bằng ở phần mũi của chuồn chuồn”. Ở công đoạn này, người thợ cần hết sức kiên trì. Bằng chiếc dao nhỏ, người thợ cần vót thân và cánh chuồn chuồn để tạo được độ dày vừa phải, giúp chúng đứng vững trên mọi vật thể. Ảnh: Quỳnh Chi

Công đoạn làm chuồn chuồn mộc đã hoàn thiện khi những chú chuồn chuồn có thể đứng cân bằng trên mọi điểm tựa. Ảnh: Quỳnh Chi

Công đoạn làm chuồn chuồn mộc đã hoàn thiện khi những chú chuồn chuồn có thể đứng cân bằng trên mọi điểm tựa. Ảnh: Quỳnh Chi

Công đoạn sơn màu cho chuồn chuồn cũng đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ. Không những tỉ lệ pha màu cần chuẩn chỉnh mà chất lượng màu sơn cũng cần phải quan tâm và lựa chọn kĩ càng. Sau khi sơn màu, chuồn chuồn tre được phơi khô trong sân nhà có mái che, từ 2-3 ngày là có thể đạt được chất lượng tốt nhất. Phơi chuồn tre ở những nơi có ánh nắng quá mạnh hoặc ẩm ướt cũng khiến chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng. Ảnh: Quỳnh Chi

Công đoạn sơn màu cho chuồn chuồn cũng đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ. Không những tỉ lệ pha màu cần chuẩn chỉnh mà chất lượng màu sơn cũng cần phải quan tâm và lựa chọn kĩ càng. Sau khi sơn màu, chuồn chuồn tre được phơi khô trong sân nhà có mái che, từ 2-3 ngày là có thể đạt được chất lượng tốt nhất. Phơi chuồn tre ở những nơi có ánh nắng quá mạnh hoặc ẩm ướt cũng khiến chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng. Ảnh: Quỳnh Chi

Sau khi màu sơn trên những chú chuồn chuồn tre đã khô, người thợ tiến hành công đoạn cuối là trang trí thêm họa tiết cho chuồn chuồn thêm bắt mắt. Họa tiết trên sản phẩm được lấy cảm hứng từ làng quê Việt Nam, với những hình ảnh bình dị, quen thuộc và được phối bằng những gam màu rực rỡ, bắt mắt. Đây cũng là công đoạn khó, đòi hỏi người thợ phải cẩn thận và có một chút năng khiếu trong hội họa. Ảnh: Quỳnh Chi

Sau khi màu sơn trên những chú chuồn chuồn tre đã khô, người thợ tiến hành công đoạn cuối là trang trí thêm họa tiết cho chuồn chuồn thêm bắt mắt. Họa tiết trên sản phẩm được lấy cảm hứng từ làng quê Việt Nam, với những hình ảnh bình dị, quen thuộc và được phối bằng những gam màu rực rỡ, bắt mắt. Đây cũng là công đoạn khó, đòi hỏi người thợ phải cẩn thận và có một chút năng khiếu trong hội họa. Ảnh: Quỳnh Chi

Những sản phẩm đã được hoàn thành. Ảnh: Quỳnh Chi

Những sản phẩm đã được hoàn thành. Ảnh: Quỳnh Chi

Các du khách nước ngoài tích cực trải nghiệm làm chuồn chuồn tre tại Thạch Xá. Họ cảm thấy bất ngờ, thú vị, như được trở về với tuổi thơ. Ảnh: Quỳnh Chi

Các du khách nước ngoài tích cực trải nghiệm làm chuồn chuồn tre tại Thạch Xá. Họ cảm thấy bất ngờ, thú vị, như được trở về với tuổi thơ. Ảnh: Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bao-ton-va-phat-trien-gia-tri-van-hoa-chuon-chuon-tre-thach-xa-398661.html