Bảo tồn và phát triển giống vật nuôi bản địa
Trước tình hình nhiều giống vật nuôi có nguồn gốc bản địa bị suy thoái, mai một, thậm chí có nguy cơ biến mất, ngành Nông nghiệp, các địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động phục hồi nguồn gen gốc, nhân giống và phát triển các giống bản địa. Đây là nhiệm vụ quan trọng giúp phát triển giống vật nuôi phù hợp với điều kiện môi trường của địa phương, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Nuôi bảo tồn giống gà Lạc Sơn, lợn khùa
Các giống vật nuôi không chỉ là đối tượng sản xuất quan trọng của người nông dân để tạo ra sản phẩm, thu nhập và nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng, mà còn là một bộ phận quan trọng của đa dạng sinh học; giống thuần chủng được duy trì lâu đời nên thích nghi với điều kiện sinh thái địa phương, đồng thời là nguyên liệu phục vụ cho công tác lai tạo giống. Bên cạnh các loài động vật hoang dã tự nhiên bị uy hiếp do môi trường sống bị thu hẹp, các giống vật nuôi cũng bị ảnh hưởng bởi tác động của thiên nhiên và áp lực kinh tế thị trường...
Nhằm bảo tồn, phát triển các giống vật nuôi bản địa trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nuôi giữ và bảo tồn một số nguồn gen gà, lợn bản địa trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các giống vật nuôi này đã được đưa vào khai thác, phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi và góp phần bảo đảm sự đa dạng sinh học các nguồn gen vật nuôi.
Điển hình như giống gà Lạc Sơn-giống gà bản địa có nguồn gốc từ xã Văn Hóa (Tuyên Hóa). Loại gà này có nhiều đặc điểm quý, như: Khả năng chống chịu bệnh tật cao, khả năng sử dụng thức ăn nghèo dinh dưỡng tốt, thịt thơm ngon, thích nghi với điều kiện môi trường sinh thái của từng vùng nơi chúng sinh sống, thích nghi với khí hậu, tập quán canh tác địa phương.
Hiện nay, giống gà Lạc Sơn đang có nguy cơ mất dần nguồn gen do người dân chăn nuôi theo phương thức cũ, lai tạp giống gà bản địa với giống lai, cùng với đó là sự giao phối cận huyết trong đàn đã làm suy giảm đặc tính vốn có của loài; đồng thời, quy mô chăn nuôi nhỏ, chưa gắn với ấp nở để duy trì và phát triển đàn… nên số lượng đàn trên địa bàn không còn nhiều.
Trước thực trạng đó, để duy trì nguồn gen gà Lạc Sơn, Trung tâm Giống vật nuôi Quảng Bình đã thực hiện nghiên cứu, bảo tồn, xây dựng vùng nuôi giống gà này. Ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc phụ trách trung tâm cho biết: Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã phối hợp với trung tâm tiến hành đề tài chọn lọc và nhân giống gà Lạc Sơn nhưng với số lượng không nhiều. Sau khi kết thúc đề tài thì kinh phí hỗ trợ chỉ đủ cho việc nuôi giữ bảo tồn, không có kinh phí cho công tác chọn lọc thường xuyên nên năng suất của các đàn giống dần giảm sút và không ổn định; số lượng đàn gà ở các hộ dân rất ít, sau mỗi năm mức độ đồng huyết lại tăng.
Kèm theo đó, do chưa có được những đàn giống sản xuất để cung cấp cho người chăn nuôi nên các hộ dân vẫn phải sử dụng gà thương phẩm làm giống hoặc giống kém chất lượng. Hiện, giống gà Lạc Sơn đang được nuôi bảo tồn tại trung tâm với hơn 1.000 con và một số hộ dân xã Sơn Hóa (Tuyên Hóa) đang nuôi để tạo ra gà thương phẩm.
Không chỉ gà Lạc Sơn, Quảng Bình còn sở hữu nguồn gen lợn bản địa quý là lợn khùa. Đây là loài lợn bản địa do người Khùa nuôi tại các nông hộ theo phương thức thả rông, tự kiếm ăn và không có chuồng trại. Trong điều kiện chăn nuôi hiện tại, lợn khùa đang bị giảm dần về số lượng và đang mất đi một nguồn gen quý. Do đó loài lợn này đã được Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) phối hợp với Trung tâm Giống vật nuôi Quảng Bình nghiên cứu hiện trạng, khả năng sinh trưởng và sinh sản tại vùng miền núi Quảng Bình nhằm bảo tồn, phát triển và khai thác có hiệu quả nguồn gen quý này.
Hiện nay, lợn khùa nuôi tại các bản của huyện Minh Hóa còn số lượng ít, năng suất sinh sản thấp, số con sơ sinh sống trung bình 6-7 con/ổ; khả năng nuôi sống của lợn khùa cao trong điều kiện chăn nuôi có kiểm soát với tỷ lệ nuôi sống giai đoạn theo mẹ trên 90%. Hiện giống lợn này đang được Trung tâm Giống vật nuôi Quảng Bình tiếp tục nuôi 40 con để bảo tồn nguồn gen quý hiếm.
Hỗ trợ để nhân rộng và phát triển
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có nhiều giống vật nuôi bản địa cần được bảo tồn, phát triển. Nhờ sự phối hợp giữa các cấp, ngành, sự huy động lồng ghép các chương trình, nguồn vốn hỗ trợ nên việc bảo tồn, phát triển giống vật nuôi có nguồn gốc ở tỉnh bước đầu đạt kết quả khả quan, bên cạnh giống gà Lạc Sơn, lợn khùa thì nhiều giống vật nuôi bản địa, như: Gà lông mao (Tuyên Hóa), gà cụp đuôi (Lâm Hóa, Tuyên Hóa), gà trụi lông (Lệ Thủy)… cũng đang được các đơn vị khôi phục, bảo tồn.
“Để bảo tồn, lưu giữ và phát triển giống vật nuôi truyền thống, chúng ta phải áp dụng khoa học công nghệ. Đây cũng là điều kiện quan trọng để phát huy hiệu quả của các giống vật nuôi bản địa trong thời gian tới”, ông Lê Hồng Giang cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Giang, trong công tác bảo tồn vẫn còn nhiều khó khăn, như: Công tác tìm nguồn giống gốc nguyên bản khó; nguồn giống bị lai tạp khá nhiều nên thời gian chọn lọc dài, kinh phí lớn; hầu hết các vật nuôi bản địa đang bị suy giảm về số lượng giống do người dân chưa hiểu hết được giá trị nên chưa chú trọng chăm sóc, phát triển; quy mô nuôi bảo tồn còn nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao do chi phí đầu tư lớn.
Vì vậy, thời gian tới, các sở, ngành, đơn vị và địa phương liên quan cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quan trọng trong công tác quy hoạch và bố trí đất đai, tài chính và tín dụng giúp điều tra có hệ thống, đánh giá, chọn lọc các mẫu gen quý hiếm để lưu giữ phục vụ việc nghiên cứu, chọn tạo giống; xem cải tiến và đổi mới công tác giống vật nuôi là nhiệm vụ trọng tâm, thiết yếu và là “chìa khóa” để tái cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh.
Bên cạnh đó, thông qua các dự án, đề án khôi phục và phát triển để hỗ trợ, khuyến khích người dân nhân rộng mô hình; chú trọng công tác chuyển giao khoa học-kỹ thuật, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh, kỹ thuật xây dựng chuồng trại. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu hướng nuôi quy mô lớn, xây dựng quy trình chuẩn, phân tích hàm lượng dưỡng chất và lợi ích sức khỏe so sánh với giống cùng loài… làm căn cứ để tuyên truyền mở rộng đối với người dân; phát triển các giống vật nuôi bản địa bền vững. Các địa phương cũng cần chú trọng thực hiện công tác xây dựng thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ, tìm biện pháp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân để họ yên tâm sản xuất và duy trì nguồn giống bản địa.