Bảo tồn và phát triển làng nghề bánh tráng Phú Yên - Di sản phi vật thể quốc gia (kỳ 2)

Phụ nữ thôn Hòa Đa, xã An Mỹ làm bánh tráng. Ảnh: VIỆT AN

Kỳ 2: Làng nghề và những thách thức

Phần lớn lớp trẻ không còn tha thiết với nghề, sản phẩm bánh tráng chỉ mới đi được các thị trường gần, nhiều người chưa quan tâm đến nhãn hiệu tập thể, hiệp hội làng nghề hoạt động không hiệu quả… là những thách thức mà các làng nghề bánh tráng Hòa Đa (huyện Tuy An) và Đông Bình (huyện Phú Hòa) đang phải đối mặt hiện nay.

Nỗi lo thất truyền

Bà Trần Thị Bông (86 tuổi, thôn Đông Bình) làm nghề bánh tráng hơn 50 năm, có 9 người con nhưng chỉ có 2 con và đứa cháu nội theo nghề. “Kể cũng tiếc cái nghề ông bà để lại, nhưng làm nghề này vất vả mà ít tiền nên không thể bắt chúng nó theo được…”, bà Bông bùi ngùi. Với chị Đặng Thị Phin (thôn Đông Bình) cũng vậy, các con chị đều làm nghề khác.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng thôn Đông Bình cho biết, lý do nhiều hộ bỏ làm bánh tráng là vì không có người làm. “Ngày trước thị trường lao động khó khăn, các cháu học xong rồi ở nhà phụ cha mẹ, thỉnh thoảng cha mẹ cho ít tiền chứ không có lương. Bây giờ nhiều cơ hội việc làm hơn, các cháu muốn ra ngoài làm, có lương, được mặc đẹp, có cơ hội giao lưu với bạn bè. Người già không làm được nữa, người trẻ thì không muốn làm nên làng nghề luôn thiếu lao động”, ông Anh nói.

Trước đây, thôn Đông Bình có hơn 200 lò tráng bánh, cả thôn làm bánh, nhưng nay chỉ còn khoảng 40 lò. Trong số này chỉ còn 2 lò máy hoạt động, 2 lò máy còn lại đã dừng hoạt động do công nghệ lạc hậu và không có chỗ phơi bánh. Những người làm bánh phần lớn đã lớn tuổi. Nhiều hộ dân Đông Bình muốn chuyển sang làm bánh máy nhưng lại không có vốn và đất để làm cơ sở sản xuất.

Chính sách đầu tư, hiệp hội hoạt động chưa hiệu quả

Năm 2009, UBND tỉnh Phú Yên giao Liên minh HTX tỉnh chủ trì thực hiện dự án Phát triển làng nghề bánh tráng tỉnh do tổ chức JBIC Nhật Bản tài trợ để sản xuất các sản phẩm từ bột gạo theo hướng xây dựng thương hiệu. Khi dự án được triển khai, người dân thôn Đông Bình nhiều lần được mời họp bàn. Dự án đã giúp xây một cổng làng bề thế, hỗ trợ làm đường giao thông và hệ thống nước máy. Mỗi hộ được vay khoảng 10 triệu đồng, được tặng cối xay bột, nồi tráng bánh. Nhưng theo nhiều hộ dân, số tiền này không đủ để họ mở rộng sản xuất. Khi dự án kết thúc thì không ai quan tâm nữa, số hộ làm bánh không tăng lên mà giảm dần. Trước đó, chính quyền cũng đã có dự án làm khu chế xuất bánh tráng tại thôn Đông Bình rộng 5ha. Tuy nhiên, theo Trưởng thôn Đông Bình Nguyễn Ngọc Anh, nơi này nhiều gió cát, vệ sinh không đảm bảo, không thích hợp để làm khu chế xuất. Sau đó do không tìm được quỹ đất rộng nên dự án phá sản.

Còn ông Biện Ngọc Min, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ (huyện Tuy An) cho biết: UBND xã đã cố gắng vận động được các nguồn tài trợ nhưng kinh phí hạn hẹp nên chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ cho một số hộ điển hình. Trước đó, ở xã cũng có Nhà trưng bày bánh tráng Hòa Đa nhưng đã ngừng hoạt động từ lâu. Lý giải về điều này, theo ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, lý do thì có nhiều nhưng cái chính là người làm chưa thực sự tâm huyết, sản phẩm trưng bày thì đơn điệu nên không thu hút được du khách.

Cùng với đó, thời gian qua, các hiệp hội làng nghề bánh tráng cũng hoạt động không hiệu quả. Hiệp hội làng nghề bánh tráng Hòa Đa được thành lập năm 2009 nhưng theo đánh giá của ông Biện Ngọc Min thì hiệp hội này hoạt động không hiệu quả, do các chủ lò bánh tráng đa phần lớn tuổi, không rành về các quy định, thủ tục pháp lý để hỗ trợ người dân. Sắp tới sẽ giao cho Hội Nông dân xã quản lý hiệp hội thay vì các chủ cơ sở sản xuất như trước đây.

Tương tự, năm 2009, Hiệp hội bánh tráng Đông Bình được thành lập, tổ chức được 2-3 kỳ đại hội, nhưng nhiều người dân làng nghề phản ánh họ không nhận được hỗ trợ gì. “Hiện đã đến kỳ tổ chức đại hội, nhưng chưa tiến hành được vì thiếu kinh phí”, Trưởng thôn Đông Bình Nguyễn Ngọc Anh cho biết.

Bỏ ngỏ nhãn hiệu

Ông Nguyễn Hai ở thôn Hòa Đa làm nghề bánh tráng hơn 30 năm kể: Năm 2009, Liên minh HTX tỉnh mang bánh tráng đi thi ở Đắk Lắk. Bánh tráng Phú Yên được công nhận ngon nhất. Nhưng bánh tráng Phú Yên vẫn chưa được biết đến nhiều do các hộ làm bánh không quan tâm quảng bá thương hiệu. Bà Hồ Thị Minh Cầm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ cho biết: “Người dân ngại đi làm các việc liên quan đến thủ tục giấy tờ. Thêm nữa, các hộ sản xuất thủ công quy mô nhỏ, họ nói bánh làm ngày nào bán hết ngày đó, thì cần gì thương hiệu”.

Năm 2009, bánh tráng Đông Bình và bánh tráng Hòa Đa được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đến nay đã hết hạn sử dụng nhưng chưa có kinh phí để gia hạn. Nhiều hộ sản xuất không đóng tiền đăng ký sử dụng nhãn hiệu. “Vì người dân không hiểu được giá trị của việc sử dụng nhãn hiệu tập thể. Còn những người quản lý nhãn hiệu cũng không nhắc nhở, xử phạt”, ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nêu lý do.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên) nhãn hiệu Bánh tráng Đông Bình và Bánh tráng Hòa Đa đã hết hạn quá 2 năm nên theo luật không thể gia hạn nữa. “Việc giao nhãn hiệu cho hiệp hội làng nghề quản lý như trước giờ là không hiệu quả, dẫn đến không ai quan tâm”, ông Thắng nói.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ bánh tráng Hòa Đa và Đông Bình chủ yếu là các chợ, và các tỉnh lân cận bằng cách bỏ hàng cho mối quen. Các thị trường xa còn bỏ ngỏ. Bà Hồ Thị Minh Cầm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ cho biết: “Bánh tráng đã sang tới Mỹ. Nhưng do kiều bào về nước xách tay mang đi, chứ chưa được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Kiều bào bảo bánh ngon quá, ăn phải tiết kiệm, chớ hết không có ai mang sang để ăn nữa”.

Những dự định chưa thành

Ông Nguyễn Hai ấp ủ dự định làm du lịch làng nghề. Chỉ tay ra cái ao nước lớn trước nhà, phong cảnh rất hữu tình, ông nói nếu thuê được cái ao này, và có nguồn kinh phí hỗ trợ, ông muốn biến nơi đây thành địa điểm trưng bày sản phẩm bánh tráng Hòa Đa, kết hợp với các dịch vụ trải nghiệm tráng bánh, ăn uống. Thôn Hòa Đa đã nhiều lần đón các đoàn du khách, học sinh đến tham quan nhưng chỉ dừng lại ở mức tự phát chứ chưa phát triển du lịch được.

Ông Biện Ngọc Min cho hay, Hội Nông dân xã cũng có ý tưởng xây dựng một khu du lịch trải nghiệm làng nghề bánh tráng nhưng ý tưởng chưa thành hiện thực vì việc tìm đất để làm du lịch rất khó và cũng không có kinh phí để đầu tư.

Còn theo Trưởng thôn Đông Bình Nguyễn Ngọc Anh, chính quyền xã Hòa An đang có ý định giao cho HTX Đông Hòa An kết hợp với làng nghề bánh tráng triển khai làm điểm du lịch tại nhà văn hóa thôn. Hiện HTX này đang kinh doanh cửa hàng rau sạch nên có thể kết hợp giữa bánh tráng, rau sống với thịt heo phục vụ du khách. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là ý tưởng, phải chờ đại hội làng nghề mới bàn tiếp được. Hiện nay, thỉnh thoảng khách du lịch cũng đến thăm làng nghề nhưng do chưa có dịch vụ gì đi kèm nên không mang lại thu nhập gì thêm. Bà con mong muốn làng nghề kết hợp du lịch và họ phải được hưởng lợi từ các hoạt động này.

Kỳ cuối: Để bánh tráng Phú Yên đi xa hơn

THÙY LINH - THÙY VÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/89/287934/bao-ton-va-phat-trien-lang-nghe-banh-trang-phu-yen-di-san-phi-vat-the-quoc-gia-ky-2.html