Bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu na rừng

Thực hiện dự án đề tài khoa học, Ban Quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên (Thường Xuân) đã triển khai Đề tài khoa học 'Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen dược liệu na rừng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, giai đoạn 2019-2024' nhằm xác định hiện trạng, đa dạng di truyền và giá trị sử dụng của nguồn gen, từ đó tìm ra giải pháp bảo tồn, phát triển loài cây dược liệu quý.

Quả na rừng.

Quả na rừng.

Na rừng (tên khoa học là Kadsura coccinea (Lem) A.C.Smith (K.chinensis Hance)) thuộc họ ngũ vị - Schisandraceae. Đây là loại cây leo có nhánh mọc trườn, phiến lá hình xoan, dài 6-10 cm, rộng 3-4 cm. Cây cho thu hoạch quả vào tháng 7, tháng 8. Loài cây thuốc quý này, rễ có vị cay ấm, có tác dụng hành khí chỉ thống. Đặc biệt, rễ cây na rừng có tác dụng trị viêm ruột mạn tính, viêm dạ dày ruột cấp tính, viêm loét dạ dày, hành tá tràng, phong thấp đau xương, đau bụng trước khi hành kinh... Trên thế giới, cây thường mọc tại các nước như Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanmar. Tại Việt Nam, cây phân bố tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn...

Khu vực xuất hiện cây na rừng thuộc Khu BTTN Xuân Liên.

Khu vực xuất hiện cây na rừng thuộc Khu BTTN Xuân Liên.

Thực hiện đề tài khoa học, Khu BTTN Xuân Liên đã điều tra xác định hiện trạng phân bố, đặc điểm nông sinh học và giá trị sử dụng của nguồn gen na rừng trên 42 tuyến qua các khu rừng đặc dụng trong vùng núi Bắc Trung Bộ, thuộc khu vực các vườn quốc gia Bến En, Pù Mát, Phong Nha - Kẻ Bàng...

Khu vực vườn ươm na rừng tại Khu BTTN Xuân Liên.

Khu vực vườn ươm na rừng tại Khu BTTN Xuân Liên.

Xác định các đặc điểm hình thái, sinh trưởng, đặc điểm tái sinh và cấu trúc lâm phần của cây na rừng, thu thập và xử lý tạm thời mẫu tiêu bản trên hiện trường... Đồng thời, đơn vị đã xây dựng được mô hình vườn ươm cây giống quy mô 50.000 cây giống/năm, trong đó có 25.000 cây giống từ gieo hạt, 25.000 cây giống từ giâm hom. Mô hình trồng na rừng tập trung cũng được xây dựng với quy mô 1 ha, mật độ 2.000 - 2.500 cây/ha... Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho cán bộ khuyến nông và người dân địa phương về quy trình kỹ thuật sản xuất giống na rừng; quy trình kỹ thuật sản xuất dược liệu na rừng theo hướng dẫn GACP-WHO. Đồng thời, xây dựng được vườn giống gốc diện tích 1 ha, với 200 cây giống gốc được lựa chọn từ các cây trội để cung cấp giống và 800 cây phục vụ nhu cầu làm nguyên liệu sản xuất dược liệu cơ sở.

Nguồn vật liệu cây giống na rừng gieo hạt được xử lý và chăm sóc.

Nguồn vật liệu cây giống na rừng gieo hạt được xử lý và chăm sóc.

Trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên sẽ đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ cho đơn vị tiếp tục đăng ký thực hiện dự án thử nghiệm “Hoàn thiện quy trình sản xuất và phát triển nguồn gen dược liệu na rừng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ” nhằm phục vụ công tác bảo tồn, khai thác, phát triển nguồn gen các loài này một cách bền vững và hiệu quả.

Việc triển khai dự án sẽ giúp thực hiện tốt việc quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, phục hồi thảm thực vật, tăng độ che phủ của rừng, bảo vệ đất, điều hòa nguồn nước, chất lượng môi trường được cải thiện. Từ đó, đưa ra các giải pháp để bảo tồn, phát triển thực trạng quần thể các loài cây quý hiếm tại Khu BTTN Xuân Liên và các khu bảo tồn khác.

Khắc Công

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/bao-ton-va-phat-trien-nguon-gen-duoc-lieu-na-rung-31449.htm