Bảo tồn và phát triển nguồn gen mận cơm, giúp nhà nông tăng thu nhập

Trước tình trạng cây mận cơm trên địa bàn tỉnh có biểu hiện thoái hóa, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả đã triển khai dự án 'Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen mận cơm tại Lạng Sơn'. Dự án nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen mận cơm có năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nông dân xã Hải Yến, huyện Cao Lộc chăm sóc cây mận cơm

Nông dân xã Hải Yến, huyện Cao Lộc chăm sóc cây mận cơm

Toàn tỉnh hiện có hơn 700 ha mận cơm, trong đó, diện tích cho quả là hơn 570 ha, sản lượng khoảng 2.680 tấn. Cây mận cơm được trồng chủ yếu tại các huyện: Cao Lộc, Văn Lãng, Văn Quan, Lộc Bình. Nhờ đặc điểm cho thu hoạch sớm hơn các loại mận khác, mận cơm đã mang lại cho nông dân nguồn thu nhập đáng kể. Nhận thấy, mận cơm là giống cây ăn quả đặc sản bản địa có giá trị kinh tế cao cần được bảo tồn lâu dài, Sở Khoa học và Công nghệ đã đưa việc bảo tồn giống cây này vào nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, đồng thời tuyển chọn nhóm nghiên cứu do Thạc sĩ Hoàng Thị Hoài và Thạc sĩ Đoàn Đức Hoàng, Viện Nghiên cứu Rau quả (Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) đồng chủ nhiệm triển khai dự án “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen Mận cơm tại Lạng Sơn”. Dự án được triển khai từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2024.

Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Hà, nghiên cứu viên, Viện nghiên cứu Rau quả, Thư ký khoa học của dự án cho biết: Qua điều tra tình hình sản xuất cây mận cơm tại các xã trên địa bàn huyện Cao Lộc cho thấy, giống mận cơm bản địa đang có nguy cơ bị thoái hóa không còn giữ được những đặc điểm ban đầu. Cây mận cơm đã có biểu hiện già cỗi, thoái hóa, bị sâu bệnh tàn phá khiến cây còi cọc, năng suất thấp và không ổn định, quả nhỏ, mẫu mã xấu... Chính vì vậy, cần phải triển khai các biện pháp nhằm bảo tồn, phát triển nguồn gen cây mận cơm.

Triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã điều tra tình hình sản xuất và đặc điểm sinh học của cây mận cơm trồng trên địa bàn tỉnh; tiến hành tuyển chọn cây ưu tú để nhân giống phục vụ khai thác, phát triển nguồn gen mận cơm Lạng Sơn; nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống; xây dựng mô hình bảo tồn, khai thác và phát triển cây mận cơm; xây dựng quy trình trồng, thâm canh giống mận cơm phù hợp với điều kiện sinh thái.

Nhóm nghiên cứu đã trực tiếp khảo sát các vườn mận cơm trên địa bàn huyện Cao Lộc để chọn ra 14 cây ưu tú, nổi trội về sự phát triển, khả năng chống sâu bệnh hại và năng suất, chất lượng quả để làm vật liệu cho sản xuất cây con giống. Sau khi có vật liệu chất lượng cao nhóm đã sử dụng phương pháp ghép nêm đoạn cành, gốc ghép là cây mận đắng có khả năng sinh trưởng mạnh để nhân giống. Bằng phương pháp này, nhóm nghiên cứu đã nhân được hơn 1.000 cây con giống phục vụ trồng mới.

Thực hiện mục tiêu khai thác, phát triển nguồn gen cây mận cơm để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhóm nghiên cứu đã xây dựng mô hình với diện tích 1 ha (500 cây) tại xã Hải Yến, huyện Cao Lộc. Mô hình trồng mới có tỷ lệ sống đạt 96,4%, sau 18 tháng cây phát triển tốt, không bị nhiễm các bệnh nguy hiểm. Ngoài ra, nhóm thực hiện đề tài cũng cấp cây giống cho 17 hộ dân tại các huyện: Cao Lộc, Văn Quan, Lộc Bình với số lượng 870 cây để mở rộng diện tích.

Xây dựng mô hình bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen mận cơm Lạng Sơn, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn một số vườn mận cơm trên địa bàn huyện Cao Lộc để triển khai thí điểm với diện tích 1 ha. Nhóm đã ứng dụng các biện pháp kỹ thuật như: cắt tỉa cành, bón phân, sử dụng các chế phẩm nhằm nâng cao khả năng đậu quả, áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp. Trong đó, các phương pháp kỹ thuật được triển khai đồng bộ như: cắt tỉa theo dạng khai tâm để giảm cành vô hiệu, tạo bộ tán thông thoáng cho cây phát triển; bón phân NPK Đầu Trâu với mức bón 4,0 kg/cây (nền bón 5 kg/cây phân hữu cơ vi sinh); phun chế phẩm điều tiết sinh trưởng Atonik kết hợp phân bón lá Botrac; áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp… Nhờ đó, tình trạng sâu bệnh trên cây mận cơm được cải thiện rõ rệt; số cành mang quả, số quả đậu trên cành tăng; khối lượng quả tăng, mẫu mã quả đẹp, ít vết sâu bệnh. Năng suất mô hình thâm canh đạt hơn 37 kg quả/cây (tương đương 18 tấn/ha), năng suất tăng trên 46%, lãi thuần đạt khoảng 190 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng 42% so với mô hình đối chứng.

Ông Lương Văn Thưởng, thôn Tồng Riền, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc cho biết: Vườn mận cơm của gia đình tôi có 260 cây chủ yếu là những cây từ 7 đến 10 năm tuổi. Trước đây gia đình rất ít chăm sóc, cắt tỉa hay bón phân nên cây ra hoa nhiều nhưng đậu quả kém, năng suất không ổn định. Nhờ triển khai biện pháp thâm canh tổng hợp theo hướng dẫn của các nhà khoa học, 2 năm trở lại đây năng suất tăng, đặc biệt, quả to, đều đẹp, hương vị thơm ngon hơn nên được thu mua với giá 16.000 đồng/kg trong khi những hộ xung quanh chỉ được 14.000 đồng/kg do quả bé và xấu mã.

Từ những kết quả trên, nhóm nghiên cứu đã tập hợp xây dựng thành bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc cây mận cơm Lạng Sơn, đồng thời tổ chức tập huấn cho 80 học viên là nông dân trồng mận tại một số xã trên địa bàn huyện Cao Lộc. Với những kết quả mà nhóm nghiên cứu đã đạt được tháng 1/2025, Hội đồng Khoa học cấp tỉnh đã nghiệm thu đề tài.

Thời gian tới, những kết quả của đề tài sẽ tiếp tục được triển khai trong thực tiễn sản xuất nhằm góp phần phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

HOÀNG VƯƠNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nghien-cuu-bao-ton-va-phat-trien-nguon-gen-man-com-gop-phan-tich-cuc-phuc-vu-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-5038307.html