Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh
Công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thời gian qua được các ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện khá tốt để phục vụ đời sống văn hóa tâm linh, văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. Nhiều loại hình di sản văn hóa được khai thác phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương, giải quyết việc làm cho người dân.
Bảo tồn và phát triển văn hóa cá
Sưu tầm và quản lý nhiều hiện vật quý
Để làm phong phú thêm các hiện vật trưng bày, hàng năm Bảo tàng tỉnh đã triển khai sưu tầm hàng trăm hiện vật phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu đến nhân dân và du khách tham quan. Theo đó, số hiện vật tại Bảo tàng tỉnh sưu tầm từ năm 2010 đến năm 2020 đạt 5.561 hiện vật. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ, bảo quản 29.228 hiện vật gốc, 29.251 hiện vật tham khảo. Triển khai kế hoạch thực hiện đề án “Sưu tầm, trao đổi tài liệu, hiện vật phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày bảo tàng từ năm 2017 - 2021” và đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch từ năm 2019 - 2021”, kết quả thực hiện các đề án này giúp bổ sung thêm nhiều hiện vật có giá trị cho bảo tàng. Những hiện vật này góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, làm phong phú thêm các chuyên đề đang trưng bày ở bảo tàng nhằm giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc trong tỉnh đến với nhân dân và du khách. Toàn tỉnh hiện có 28 di tích quốc gia và 42 di tích cấp tỉnh. Đến nay, hầu hết các di tích quốc gia và 50% di tích cấp tỉnh đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo bằng nguồn vốn của Nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa do các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ. Qua đó, bước đầu bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa vật thể, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần, góp phần quan trọng vào việc phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và lễ hội truyền thống, văn hóa tiêu biểu của địa phương đã được nghiên cứu, khôi phục, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị, góp phần giới thiệu, quảng bá phát triển hoạt động du lịch văn hóa, thu hút đông đảo du khách đến với Bình Thuận.
Phục dựng các lễ hội độc đáo
Tỉnh Bình Thuận được biết đến là địa phương có nhiều lễ hội độc đáo. Để phát huy lợi thế này trong phát triển du lịch, những năm qua tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, lễ hội truyền thống của các dân tộc trong tỉnh. Theo đó, tỉnh đã triển khai thực hiện 5 đề tài thuộc Chương trình mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 3 đề tài thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận. Ngoài các lễ hội truyền thống diễn ra tại các đình làng, lăng vạn (thờ cá voi), đền tháp Chăm, đền miếu, tỉnh còn chọn 5 lễ hội truyền thống và văn hóa tiêu biểu của các dân tộc để phục vụ phát triển du lịch gồm: Lễ hội Katê của người Chăm tại tháp Pô Sah Inư, lễ hội Cầu ngư tại vạn Thủy Tú, lễ hội Trung thu, lễ hội Nghinh Ông của người Hoa (Phan Thiết), lễ hội dinh Thầy Thím (La Gi). Trong số đó, có nhiều lễ hội được phục dựng sau hàng chục năm không được tổ chức. Như năm 1999, lễ hội Nghinh Ông của người Hoa ở Phan Thiết tại Quan Đế miếu, phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết tổ chức phục dựng lại sau gần 70 năm không thực hiện và được đông đảo người Hoa ở địa phương, và các tỉnh lân cận đồng tình hưởng ứng. Từ đó đến nay, cứ 2 năm lễ hội duy trì tổ chức 1 lần. Lễ hội Katê của người Chăm tại di tích tháp Pô Sah Inư được phục dựng lại năm 2005 sau gần 50 năm không tổ chức. Từ đó đến nay hàng năm Ban Quản lý di tích thuộc Bảo tàng tỉnh đều duy trì tổ chức đều đặn nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Chăm trong tỉnh và nhu cầu khám phá, tìm hiểu của du khách. Năm 2017, tổ chức nghiên cứu và nâng lễ hội Giỗ Tổ các vua Hùng tại đền thờ Hùng Vương thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong từ lễ hội tổ chức ở không gian địa phương là thị trấn Phan Rí Cửa thành lễ hội cấp tỉnh.
Xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân
Ngoài đầu tư các sản phẩm văn hóa để phục vụ cho phát triển du lịch, tỉnh còn quan tâm đầu tư ngân sách để xây dựng hệ thống các thiết chế văn hóa và hỗ trợ trang thiết bị cho các xã, nhất là các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Hầu hết nhà văn hóa các xã và thôn, bản sau khi xây dựng đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút khá đông đồng bào đến giao lưu, cùng tham gia biểu diễn tạo không khí sinh hoạt vui tươi, lành mạnh gắn với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, học tập, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong khi đó, toàn tỉnh hiện có 1 Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, 9/10 Trung tâm Văn hóa và Thể thao cấp huyện (huyện Hàm Tân đang tạm sử dụng các thiết chế khác tại địa bàn); 106/124 Trung tâm Văn hóa và Thể thao cấp xã, phường; 671/691 Nhà Văn hóa thôn, khu phố đã được trang bị cơ bản về hệ thống âm thanh. Số còn lại tạm thời sử dụng các Trung tâm Học tập cộng đồng, trường học và các nhà dân tại địa bàn có điều kiện phù hợp để hoạt động tạm thời.
Phải khẳng định rằng, việc Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả khả quan. Nhiều hoạt động được triển khai có hiệu quả góp phần từng bước khẳng định sự đúng đắn, hợp lòng dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc. Từ đó đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của người dân, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.