Bảo tồn văn hóa cộng đồng Cơ Tu

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) Đỗ Thanh Tân, thực hiện kế hoạch của UBND TP về việc bảo tồn và phát triển văn hóa cộng đồng người Cơ Tu giai đoạn 2015-2020; thời gian qua, bà con Cơ Tu tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và Phú Túc (xã Hòa Phú) đã cùng với các cấp chính quyền không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển văn hóa thông qua các hoạt động phục dựng lễ hội, liên hoan văn hóa, thể thao và mở rộng giao lưu học hỏi với đồng bào Cơ Tu các huyện Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vốn có, cũng như mở ra triển vọng phát triển du lịch cộng đồng.

Các chàng trai, cô gái người Cơ Tu vùng thấp với vũ điệu truyền thống “Tung tung, ya yá”.

Các chàng trai, cô gái người Cơ Tu vùng thấp với vũ điệu truyền thống “Tung tung, ya yá”.

“Có thể nói, văn hóa truyền thống của người Cơ Tu vốn rất phong phú và đa dạng với vũ điệu uyển chuyển của các cô gái, hào hùng của các chàng trai; nghệ thuật nói lý - hát lý và nghề dệt thổ cẩm… đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vì thế, chủ trương bảo lưu giá trị văn hóa gốc được xem là nền tảng để các địa phương chung tay giữ gìn trước nguy cơ bị mai một”, ông Tân cho biết thêm.

Bên cạnh việc đầu tư nâng cấp, cải tạo 3 nhà Gươl thôn với tổng kinh phí 2,4 tỷ đồng, H. Hòa Vang còn tổ chức cho người dân địa phương tham quan, nghiên cứu thực tế cách thức làm du lịch ở các Làng du lịch cộng đồng Cơ Tu vùng cao; phục dựng các lễ hội “Ăn thề kết nghĩa”, “Mừng lúa mới”; tập huấn, khôi phục nghề nấu rượu cần, điêu khắc tượng gỗ và các kỹ năng cần thiết gắn với phát triển du lịch sẽ góp phần nâng cao đời sống đồng bào Cơ Tu. Điều quan trọng nhất là phải xây dựng được một ý thức và phong cách làm du lịch cộng đồng cho chính người dân bản địa, giúp họ có thể hưởng lợi từ du lịch dựa trên thế mạnh và tiềm năng sẵn có ở địa phương. Cùng với đó, để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa người Cơ Tu mang tính bền vững, các địa phương còn vận động các Mạnh Thường Quân hỗ trợ, cấp phát hàng trăm bộ trang phục truyền thống cho học sinh các cấp mầm non, tiểu học để các em đến lớp vào ngày thứ 2 hàng tuần. Ngoài ra, các cấp chính quyền còn tích cực phối hợp với Ban điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam xây dựng Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ Tu” tại xã Hòa Bắc với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng, trong đó ngân sách đối ứng của huyện là 900 triệu đồng. Đến nay, Đề án này đã thực hiện nhiều chương trình như xây dựng 2 bản hương ước bảo vệ rừng; tập huấn cho đồng bào Cơ Tu về cách sống, sinh hoạt hợp vệ sinh, tạo không gian tốt thu hút khách du lịch; thành lập Tổ quản lý bảo vệ rừng; mua cồng chiêng, trang phục truyền thống hỗ trợ nhóm văn nghệ...

Có thể nói, văn hóa người Cơ Tu mang nhiều giá trị trong đời sống và được truyền nối từ đời này sang đời khác. Vì vậy, 5 năm qua, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được các cấp chính quyền triển khai tổ chức, góp phần không nhỏ vào chủ trương chung vì mục tiêu bảo tồn, phát triển và đưa văn hóa Cơ Tu đến với du khách, sống cùng du khách theo mô hình du lịch cộng đồng. Được sống với đồng bào Cơ Tu trong không khí lễ hội miền núi, cùng với việc biểu diễn các loại nhạc cụ, các điệu múa “Tung tung, ya yá”, “Mừng lúa mới”… mang hơi thở, nhịp sống đặc trưng của người dân miền núi, chúng tôi hiểu rằng, các cấp chính quyền đang nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_235971_bao-ton-van-hoa-cong-dong-co-tu.aspx