Bảo tồn văn hóa cúng Mo của người Mường

Cúng Mo là một trong những loại hình văn hóa độc đáo của người Mường đã tồn tại từ truyền thống xa xưa. Không chỉ là một phong tục có ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc Mường.

Đây còn là nghi lễ dân gian hàm chứa nhiều giá trị về cả nghệ thuật, lịch sử và lao động sáng tạo của dân tộc. Đối với xã Thu Ngạc (Tân Sơn, Phú Thọ) - xã có đến 98% dân số là người dân tộc Mường trên toàn xã, việc bảo tồn và phát triển loại hình văn hóa cúng Mo càng trở nên quan trọng và cần thiết.

Chị Hoàng Thị Ngoan (phải) - hội viên Hội LHPN Khu Cọ Sơn, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ - đang chuẩn bị đồ cúng Mo

Chị Hoàng Thị Ngoan (phải) - hội viên Hội LHPN Khu Cọ Sơn, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ - đang chuẩn bị đồ cúng Mo

Là loại hình tín ngưỡng dân gian đặc sắc trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn xã, cúng Mo hay còn gọi là Mo Mường được tạo nên bởi 3 thành tố chính: môi trường diễn xướng, lời Mo và nghệ nhân Mo. Sở dĩ, người dân tộc Mường cho rằng nghi thức này có sự liên kết sâu sắc với vòng đời của con người kể từ khi cất tiếng khóc chào đời là bởi nghi lễ này được thực hiện cho những mục đích như cầu cho trẻ mới sinh hay ăn, chóng lớn; làm vía giải hạn cho những người bị bệnh, đau yếu.

Trong gia đình có người làm thầy cúng Mo sẽ truyền lại cho các con cháu nếu phù hợp

Trong gia đình có người làm thầy cúng Mo sẽ truyền lại cho các con cháu nếu phù hợp

Chị Hoàng Thị Ngoan, hội viên Hội LHPN Khu Cọ Sơn, xã Thu Ngạc, cho biết Mo Mường, được sử dụng trong tang lễ hay nghi lễ cầu cho mọi điều tốt lành của người Mường - đây cũng chính là những môi trường diễn xướng chính của loại hình văn hóa này.

Trong nghi lễ, nghệ nhân Mo hay được gọi bằng cái tên quen thuộc hơn là "ông Mo" đóng vai trò vô cùng quan trọng, được coi là người điều khiển và quyết định sự thành công của toàn bộ nghi thức. Chẳng hạn như trong tang ma, người thầy Mo sẽ có nghĩa vụ thuyết phục và hướng dẫn người đã mất tách khỏi thế giới người sống, để linh hồn họ có thể sẵn sàng đi tiếp hành trình đến với thế giới của riêng họ với một tâm trạng thoải mái, không nuối tiếc. Vai trò của ông Mo còn thể hiện qua các dịp như đám cưới, lễ cúng gia tiên, lễ cầu sức khỏe và bình an…

Trang phục cũng được chuẩn bị cẩn thận

Trang phục cũng được chuẩn bị cẩn thận

"Người Mường quan niệm rằng: cái chết không phải là đích đến cuối cùng. Thông qua ông Mo trong các buổi nghi lễ, người mất sẽ được dẫn đường tìm về anh em họ hàng và cả đường đi về phù hộ cho con cháu ở dương gian. Có những lời dạy bảo từ linh hồn tổ tiên được truyền qua nghi lễ Mo Mường mà ai cũng phải ghi nhớ, rằng anh em đồng bào với nhau phải biết sống nhân đạo, thương yêu, nhường nhịn và luôn cảm thông, tha thứ cho nhau. Chỉ khi đó, con người mới sống hạnh phúc", chị Ngoan chia sẻ.

Bên cạnh giá trị về truyền thống, lời Mo trong phong tục này còn được coi là "áng sử thi về dân tộc Mường xưa". Lời Mo có hình thức là các bài văn khán, văn vần dân gian chứa đựng vô vàn những câu chuyện về lịch sử, thần thoại kỳ vĩ và những người anh hùng đã góp phần dựng xây cộng đồng từ xa xưa. Kết hợp với nghệ thuật ca xướng độc đáo, lời Mo thể hiện lại vô cùng rõ nét về sự hình thành thế giới, sự ra đời của muôn loài và sự hình thành dân tộc Mường.

"Có thể nói, Mo Mường đã dạy cho con người rất nhiều điều về giá trị của lao động sáng tạo và hàm chứa nhiều giá trị khác về tư tưởng triết học, nghệ thuật biểu diễn, ngôn ngữ thể hiện…", chị Ngoan cho biết.

Từ những điều trên, các cư dân tại xã Thu Ngạc đều nhận thức được rằng: Mo Mường là một truyền thống đáng quý và cần được giữ gìn. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, với những quy định mới và làn sóng du nhập văn hóa, khó mà không xuất hiện những yếu tố khiến cho các loại hình văn hóa như Mo Mường dần bị mai một.

Vì vậy, những giải pháp mang tính tổng thể để bảo tồn, các chính sách đặc thù để phục hồi giá trị của tín ngưỡng dân gian này của người Mường là cần thiết. Đây là công tác rất quan trọng và đòi hỏi có sự tham gia đồng bộ, tích cực từ các cấp chính quyền địa phương, cán bộ văn hóa và các tổ chức đoàn thể…

Để thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát huy truyền thống của dân tộc Mường, xã Thu Ngạc đã có những hoạt động cụ thể như khuyến khích nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ, quảng bá văn hóa bằng nhiều hình thức để phổ biến rộng rãi các giá trị của văn hóa Mo Mường,…

Chị Ngoan chia sẻ: "Mo Mường chiếm một vị trí quan trọng và cung cấp cho chúng ta đầy đủ nhất về thế giới quan, lối sống của người Mường. Loại hình văn hóa này đã góp phần xây dựng nền văn học dân gian và nền văn học tín ngưỡng của người Mường".

Từ khi được hình thành trong lòng văn hóa dân tộc, Mo Mường đã có những ảnh hưởng tích cực lên cốt cách, tâm hồn, quan điểm sống của người Mường và góp phần bảo vệ, sàng lọc văn hóa Mường trong tất cả các giai đoạn lịch sử. Nếu cần bất cứ thông tin gì về dân gian dân tộc Mường, ta chỉ cần tìm đến loại hình văn hóa Mo Mường – nơi kết tinh những giá trị cốt lõi của nền văn hóa và cần được mọi người biết đến, tôn vinh và truyền lại cho những lớp thế hệ sau.

Bảo tồn văn hóa cúng Mo của người Mường

Bài, ảnh: An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bao-ton-van-hoa-cung-mo-cua-nguoi-muong-20240924094948115.htm