Bảo tồn văn hóa dân tộc: mỗi người là một nhà sưu tầm
Để gìn giữ các di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số, mỗi đồng bào phải là một nhà sưu tầm phong tục, tập quán, vốn văn hóa của dân tộc mình.
Đây là một ý kiến đáng lưu ý tại Hội thảo Giải pháp bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trong thời kỳ hội nhập và phát triển do Bộ VHTTDL tổ chức sáng 20/4 tại Hà Nội.
Hội thảo do Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì cùng sự tham gia của 120 đại biểu là các già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người có uy tín các dân tộc khu vực phía Bắc. Bằng những tâm tư của “người thực, việc thực” một lần nữa bài toán bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số đã khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái: Mục tiêu là lo cho văn hóa dân tộc cùng phát triển hơn, tốt hơn
Trong bối cảnh kinh tế, xã hội phát triển, sự giao lưu văn hóa, hội nhập mạnh mẽ, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những giá trị làm nên bản sắc độc đáo, làm nên cái riêng của các dân tộc đang bị đe dọa biến mất. Đây là thực tế mà chính những chủ nhân của di sản văn hóa- những đồng bào dân tộc thiểu số, những người đang trực tiếp góp sức trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc chỉ ra.
Đó câu chuyện của nghệ nhân văn hóa dân gian Ma Thanh Sợi (75 tuổi, người Tày, tỉnh Lào Cai) về hành trình đi sưu tầm các làn điệu hát ru của dân tộc Tày. Với 12 công trình sưu tập (về văn hóa, dân ca, tục ngữ, chữ viết, hát ru…của dân tộc Tày) nhưng nghệ nhân Ma Thanh Sợi trong nhiều năm nay không nhận được sự hỗ trợ về kinh phí, ông Sợi vẫn cặm cụi đi đến từng thôn, từng bản để sưu tầm các giá trị văn hóa của dân tộc. “Tôi đi sưu tầm không có sự hướng dẫn nào, tự mày mò, tự sưu tầm đúng kiểu nông dân sưu tầm lịch sử chứ không phải nhà khoa học”- Ông Sợi chia sẻ.
Nghệ nhân Ma Thanh Sợi: Tôi mong muốn các cấp quan tâm, tổ chức cho mỗi đồng bào dân tộc ở từng khu vực sưu tầm văn hóa của dân tộc mình
Bản thân nghệ nhân cũng thừa nhận dù làm bằng cái “tâm” của mình để bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa của dân tộc mình nhưng rồi làm xong cũng lại để đấy. Ở đó, các chuyên đề nghiên cứu của ông khá chi tiết những rồi việc sưu tập đó cũng không đủ điều kiện để lưu hành trong chính dân tộc của mình. Bởi một lý do đơn giản là không có tiền để làm. “Tôi mong muốn các cấp quan tâm, tổ chức cho mỗi đồng bào dân tộc ở từng khu vực sưu tầm văn hóa của dân tộc mình. Mỗi người dân phải có ý thức gìn giữ văn hóa của dân tộc. Từ đó, Phòng Văn hóa, Sở Văn hóa tập hợp những sưu tầm của nhân dân, cái nào chuẩn thì viết thành sách, phổ biến cho toàn dân hiểu. Có thế mới gìn giữ được văn hóa dân tộc”- Ông Sợi kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Lò Văn Biến (85 tuổi ở Nghĩa Lộ, Yên Bái) là người đã trực tiếp nghiên cứu, dịch thuộc ra tiếng Việt các tài liệu về của điệu hát Xòe của dân tộc Thái, lễ Cấp sắc của dân tộc Dao, hát Then của dân tộc Tày… Thế nhưng thực tế thì những giá trị văn hóa nghệ thuật này dù đã rất được quan tâm nhưng vẫn đang dần mai một. Theo ông Biến thì nguyên nhân sâu xa đó là chính trong cộng đồng sở hữu các giá trị văn hóa chưa hiểu được sự cần thiết trong công tác bảo tồn và phát huy. Đặc biệt, các cán bộ cấp cơ sở vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức như việc truyền thụ các giá trị văn hóa trong công đồng. Theo ông Biến, các cấp, các nghành cần quan tâm sưu tầm những giá trị văn hóa của từng dân tộc. Muốn như vậy, phải có cá nhân tự sưu tầm, đó là những người dân của dân tộc ấy. Sở Văn hóa các địa phương là đơn vị chủ trì, hướng dẫn.
GS Hoàng Nam đề nghị, phải xác định giá trị bản sắc văn hóa dân tộc để có phương án bảo tồn
Ngoài ra, ông Biến chia sẻ: “Trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc chúng ta nên tạo những điều kiện tốt nhất cho đồng bào. Đơn cử như tổ chức các hội diễn trong quần chúng nhân dân. Giám khảo khi tham gia hội diễn yêu cầu cơ bản phải hiểu sâu sắc các loại hình thì hãy tham gia vai trò cầm cân, nảy mực”.
Với thực tế nhiều năm nghiên cứu, GS Hoàng Nam đề nghị, phải xác định giá trị bản sắc văn hóa dân tộc để có phương án bảo tồn. Giá trị bản sắc văn hóa dân tộc được khẳng định qua các sưu tầm, các di sản còn được lưu giữ qua các già làng, trưởng bản. Sau khi xác định được giá trị di sản, phải xác định giá trị khoa học để đưa ra phương án bảo tồn, đây là vai trò của các nhà nghiên cứu. Từ đó, nhà quản lý đưa ra chính sách.
“Ba yếu tố là người lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc (già làng, trưởng bản, đồng bào dân tộc), nhà khoa học, nhà quản lý phải cùng thống nhất thì mới xác định được phương án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trên thực tiễn”- GS Hoàng Mai nhận định.
Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái, trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL đã tập chung vào những phương hướng cụ thể. Đó là, đầu tư cho Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên; Tổ chức các ngày hội VHTTDL theo từng vùng, miền, tổ chức định kỳ từng dân tộc động viên đồng bào; Tăng cường thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc; Đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, gặp mặt sinh viên, đồng bào là người dân tộc; Cấp kinh phí khôi phục lại các lễ hội của đồng bào…
Hội nghị có sự tham gia của 120 già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho biết nguồn kinh phí này là có hạn nên mỗi năm chỉ phục dựng được 10 lễ hội, trong khi mỗi dân tộc (trong 54 dân tộc) có đến hơn 20 lễ hội chính vì vậy đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Ngoài ra, trong thời gian tới sẽ cấp cho Hội Văn nghệ dân gian kinh phí xuất bản sách sưu tầm phong tục tập quán của đồng bào. Vừa qua, Hội Văn nghệ dân gian cũng xuất bản hơn 2000 cuốn sách, sưu tầm toàn bộ các phong tục của đồng bào. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu đề nghị mỗi tỉnh chọn một vài phong tục nổi bật của địa phương để chỉnh lý, xuất bản, gửi các cquan nghiên cứu. Đặc biệt, Bộ VHTTDL cũng giao cho các Viện nghiên cứu lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận một số di sản văn hóa của đồng bào dân tộc, trước mắt thì hát Then đã được gửi UNESCO. Tới đây, Bộ VHTTDL sẽ rà soát, sưu tầm, công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; chuẩn bị hồ sơ công nhận nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân trình Chủ tịch nước …
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết “Bộ VHTTDL ghi nhận các ý kiến của đồng bào để bổ sung, kiến nghị Đảng, Nhà nước điều chỉnh các chính sách bảo tồn văn hóa dân tộc trong thời gian tới. Già làng, trưởng bản là người chỉ đạo, vận động đồng bào. Nhà nước là cơ quan hướng dẫn, hỗ trợ. Chúng ta sẽ cùng kiểm điểm xem đã làm được gì, có gì vướng mắc trong Hội nghị, lần gặp mặt năm 2018. Mỗi đồng bào phải cũng nỗ lực, mục tiêu cuối cùng là lo cho văn hóa dân tộc cùng phát triển hơn, tốt hơn”.