Bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch
ĐBP - Ðiện Biên vẫn luôn được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Trong đó nổi bật là giá trị lịch sử của quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ và nền văn hóa phong phú, đa dạng nhiều màu sắc của 19 dân tộc. Ðể phát triển du lịch hiệu quả, bền vững thì trước hết phải phát huy được những giá trị quan trọng, cốt lõi ấy. Thế nhưng đến nay, ngoài chú trọng đầu tư bảo tồn các giá trị của di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ một cách tương đối bài bản thì việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lại chưa đạt hiệu quả tương xứng với tiềm năng.
Vòng xòe đoàn kết trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ II tại Ðiện Biên năm 2019.
Không thể phủ nhận du lịch Ðiện Biên đã có những bước phát triển quan trọng trong những năm gần đây, điều đó được thể hiện qua lượng du khách đến Ðiện Biên năm sau cao hơn năm trước. Từ kết quả trong thu hút khách du lịch đã tác động tích cực đến việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, cùng với sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, những năm gần đây cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đã từng bước được đầu tư, nâng cấp. Nhiều chương trình, dự án quan trọng đã và đang được triển khai như: Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ, hay Dự án Nâng cấp Cảng Hàng không Ðiện Biên… Xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ chiến lược quan trọng, tỉnh Ðiện Biên đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch và có nhiều chích sách cụ thể, thiết thực với mục tiêu du lịch Ðiện Biên sẽ bắt kịp sự phát triển của du lịch cả nước và vươn lên trở thành điểm nhấn quan trọng của du lịch vùng Tây Bắc.
Ðể cụ thể hóa mục tiêu về phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mấy năm gần đây nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức quy mô, bài bản và đã trở thành hoạt động thường niên. Nhiều hoạt động văn hóa truyền thống cũng được khôi phục và duy trì. Trong đó có thể kể đến một số hoạt động nổi bật, như: Lễ hội Hoa Ban, Sự kiện Hoa anh đào, Lễ hội Ðua thuyền đuôi én, Tết té nước của dân tộc Lào, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông... và một số ngày lễ tết truyền thống của các dân tộc. Những hoạt động như vậy bước đầu đã tạo điểm nhấn cần thiết có tính lan tỏa mạnh, tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, đó là các hoạt động bề nổi và ở tầm vĩ mô do Sở VHTT&DL hoặc chính quyền các địa phương đứng ra tổ chức. Còn các vấn đề cụ thể để bảo tồn và phát triển về chiều sâu và mang tính bền vững thì chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Hiện nay toàn tỉnh có 8 di sản được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ðó là những văn hóa phi vật thể vô cùng giá trị trong cộng đồng các dân tộc. Thế nhưng, ngoài những di sản là lễ, tết được các địa phương đứng ra tổ chức định kỳ hằng năm thì nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa hay nghệ thuật xòe Thái lại chưa “sống” thực sự trong cộng đồng. Mà một trong những nguyên tắc quan trọng nhất để bảo tồn và phát huy là bản thân di sản đó phải “sống” được, phải có một vị trí hiển nhiên trong môi trường của nó.
Lễ hội Ðua thuyền đuôi én lần thứ VI, năm 2020 tại TX. Mường Lay. Ảnh: Thái Châu
Trong những năm qua, việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa đã được tỉnh quan tâm, chú trọng thông qua Chương trình Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Ðiện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó đã triển khai nhiều hoạt động như: Kiểm kê, đánh giá di tích đối với các địa phương và các dân tộc; hỗ trợ phát triển nghề thủ công truyền thống hoặc hỗ trợ bảo tồn và phát triển một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu... Tuy nhiên kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tạo được sự chuyển biến toàn diện hay tạo điểm nhấn rõ nét để thu hút du lịch.
Thực tế hiện nay, những giá trị văn hóa gần gũi, cụ thể, dễ gây ấn tượng với du khách như: Trang phục truyền thống từng dân tộc, kiến trúc nhà ở, thói quen sinh hoạt hay không gian văn hóa vẫn đang dần mất đi hoặc bị pha tạp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế trên; trong đó, có nhận thức của người dân và chính quyền cơ sở trong việc nhìn nhận về tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa.
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa có vai trò rất quan trọng trong phát triển du lịch ở Ðiện Biên. Bởi nếu du khách đến chỉ để tham quan di tích thì ngành du lịch sẽ không thể có sức bật và phát triển bền vững. Thế nhưng, các chương trình, dự án của tỉnh, của Nhà nước chỉ có tác dụng trong một không gian và thời gian nhất định. Muốn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa một cách bền vững thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là các chủ thể văn hóa, đó chính là mỗi người dân. Ðể người dân nâng cao nhận thức vì lợi ích lâu dài, vì sự phát triển chung của tỉnh thì trước hết cần có nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của toàn xã hội.