Bình Minh thúc đẩy phát triển đa ngành nghề

Từ một xã thuần nông chủ yếu độc canh 2 vụ lúa, những năm qua, xã Bình Minh (Nam Trực) đã tích cực tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, chú trọng thu hút đầu tư và phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn, trong đó tiếp tục giữ gìn phát huy các nghề truyền thống sẵn có.

Nghề sản xuất miến dong tại gia đình ông Phạm Văn Thư ở thôn Rót.

Nghề sản xuất miến dong tại gia đình ông Phạm Văn Thư ở thôn Rót.

Nghề làm kẹo lạc truyền thống ở thôn Thượng Nông tuy không còn hưng thịnh như vài chục năm trước nhưng tinh hoa làng nghề vẫn đang được các thế hệ người dân gìn giữ, kế thừa. Toàn thôn có khoảng 20 hộ dân làm kẹo thủ công theo thời vụ, 3 cơ sở sản xuất quanh năm là Hoa Trường, Hồng Bắc, Đức Tuy có đầu tư trang bị máy móc hiện đại. Ông Vũ Văn Bắc, 52 tuổi, chủ cơ sở sản xuất kẹo Hồng Bắc ở thôn Thượng Nông là gia đình có 4 đời làm nghề kẹo lạc. Ông Bắc cho biết: “Vài năm gần đây, việc sản xuất kẹo lạc không phải đợi dịp tết nữa mà làm thường xuyên, sẵn sàng phục vụ nhu cầu khách hàng đặt kẹo cho lễ hội hay cưới hỏi, làm quà tặng… Ngay từ đầu tháng 11, gia đình tôi đã huy động tất cả các con cháu và thuê thêm 4 nhân công, chuẩn bị sẵn từ 15-20 tấn nguyên liệu gồm đường, mạch nha, lạc, vừng… để làm kẹo cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. Ngày nào bếp nấu kẹo của gia đình tôi cũng “đỏ lửa” từ sáng đến tối. Mỗi ngày cơ sở cho ra lò từ 3-4 tạ kẹo lạc”.

Để sản phẩm kẹo lạc có vị ngọt, giòn, thơm đậm phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ và nhiều bí quyết gia truyền, đòi hỏi không chỉ sự khéo tay mà còn cả kinh nghiệm, tâm huyết của người làm nghề. Nguyên liệu làm kẹo được tuyển chọn kỹ lưỡng: lạc ta loại 1 hạt to, đều, mẩy được rang sấy bằng máy, chín vàng đều, không bị cháy và có mùi thơm, bùi hơn so với lạc rang thủ công trên bếp than bởi kiểm soát được thời gian và nhiệt độ. Hạt lạc giòn được đưa vào máy chà công nghệ cao khiến hạt lạc sạch sẽ, không bị vụn nát mà còn để lộ rõ hơn màu vàng bắt mắt, sau đó chuyển sang công đoạn sấy rồi mới đưa vào nấu kẹo để đảm bảo độ giòn, lạc không bị ỉu. Đây là công đoạn quan trọng quyết định chất lượng của kẹo, chỉ cần quá lửa một chút kẹo sẽ bị đắng, chuyển sang màu đen. Hỗn hợp làm kẹo gồm có mạch nha và đường kính trắng, tất cả được đun trên bếp từ 5-10 phút cho đến khi chuyển sang màu cánh gián. Mạch nha sau khi nung chảy được trộn đều tay với lạc từ trong máy sấy ra. Lạc và mạch nha được trộn, quyện lại với nhau đặc sền sệt, nóng hổi, đổ lạc rang chín vào trộn đều rồi đưa lên khay inox có rải lớp bột gạo, vừng mỏng để chống dính rồi dùng chày để cán. Vừng là loại vừng mẩy vàng đều, có tỉ lệ 250g cho 1 khay/5 kg kẹo. Thợ cán kẹo phải cán đều tay để kẹo đảm bảo độ mịn và độ dày. Các thao tác trộn kẹo, cán kẹo phải phối hợp thật nhanh khi hỗn hợp kẹo chưa nguội, đảm bảo độ mềm, dẻo vì mạch nha để nguội sẽ bị cứng, cắt sẽ bị vỡ vụn. Kẹo được cho vào máy cắt thành từng thanh độ dài từ 4-6cm rồi đóng gói sản phẩm bằng máy tự động. Theo ông Bắc, những năm trước, các khâu phơi lạc, rang lạc, cắt kẹo, đóng gói đều được làm thủ công, nhưng giờ đều được máy hỗ trợ đến hơn 50% công đoạn nên đã giảm đáng kể thời gian và sức lao động, năng suất nâng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện tại, 2 sản phẩm kẹo của gia đình ông Vũ Văn Bắc đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là kẹo lạc vừng và kẹo vừng thanh. Các sản phẩm được đóng gói bao bì và dán nhãn mác cẩn thận, có thời hạn sử dụng theo quy định nên được thị trường ngày càng tin dùng. Không chỉ trở thành món quà quê không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội ở xã Bình Minh, kẹo lạc vừng Hồng Bắc còn “vinh dự” được tỉnh và người dân giới thiệu với khách từ khắp mọi miền Tổ quốc, khách nước ngoài đến chơi Nam Định thưởng thức món quà quê bình dị mà thân thuộc này.

Không chỉ có nghề kẹo lạc truyền thống, các nghề khác như làm miến dong tại thôn Rót, may mặc ở xóm Tây Cổ Nông… cũng được UBND xã quan tâm tạo điều kiện gìn giữ, duy trì. Hiện tại, thôn Rót vẫn còn 3 hộ duy trì đều đặn nghề làm miến dong truyền thống. Ông Phạm Văn Thư ở thôn Rót cho biết: “Cách đây khoảng chục năm, toàn thôn có khoảng 15 hộ tham gia sản xuất miến dong nhưng hiện tại chỉ còn 3 hộ trong đó có gia đình tôi bám trụ với nghề. Mỗi khi trời nắng, gia đình tôi lại tranh thủ quấy bột, tráng bánh, trải phên. Bình quân 1 tấn bột tinh dong riềng sẽ cho ra 5,7-5,8 tạ miến dong”. Công việc thường bắt đầu từ 3 giờ sáng, đầu tiên tinh bột dong riềng tươi được đưa vào ngâm, thau rửa kỹ cho lắng để loại bỏ sạn, cát, các tạp chất trong bột đến khi tinh bột sạch. Bột được khuấy đều rồi đưa vào dây chuyền nồi hơi tráng thành bánh, dán lên các phên nứa rồi đem phơi. Thông thường với trời nắng to từ 4-5 tiếng, miến đã khô được gom lại cho vào máy cắt thành sợi và đóng gói. Gắn bó với nghề sản xuất miến dong “cha truyền, con nối” gần 20 năm qua, cơ sở gia đình ông Thư luôn đem đến cho người tiêu dùng những sợi miến có độ giòn, dai tự nhiên, không bị sạn cát, không bị nhão, bết dính, đặc biệt không sử dụng chất bảo quản, chất tẩy trắng và luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vào dịp giáp tết, mỗi tháng cơ sở sản xuất miến dong của ông Thư xuất bán được hơn 4-5 tấn miến dong chủ yếu vào thị trường các tỉnh phía Nam.

Nghề xây dựng dân dụng cũng phát triển mạnh với 15 đội thợ (mỗi đội có từ 7-10 lao động tham gia) có việc làm thường xuyên. Ước tính nghề xây dựng ở Bình Minh tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho hơn 100 lao động. Với sự tích cực tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất có mặt bằng, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi… từ chính quyền, nghề mộc cũng phát triển với khoảng chục xưởng, mỗi xưởng có từ 3-5 lao động thường xuyên. Hiện trên địa bàn xã có Công ty Cổ phần Kinh Bắc - Thành Nam tạo việc làm cho 500 công nhân sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang Nhật Bản và khoảng 5-6 xưởng may gia công tạo việc làm cho hơn 100 lao động với thu nhập ổn định từ 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ phát triển đa ngành nghề, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của xã Bình Minh đã có sự chuyển dịch tích cực. Hiện tại, toàn xã có trên 1.400 lao động thường xuyên tham gia sản xuất các ngành nghề với mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 68,1 triệu đồng. Kinh tế ngành nghề phát triển, người dân nâng cao thu nhập đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã chỉ còn 1,3%. Xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2021, đang tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu bền vững và phát triển.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, xã Bình Minh tiếp tục chú trọng thu hút đầu tư, duy trì và phát triển mạnh 2 nghề truyền thống theo các tiêu chí làng nghề và phát triển đa dạng nghề mới để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu đến hết năm 2025 đạt mức thu nhập bình quân đầu người hơn 80 triệu đồng/năm.

Bài và ảnh: Đức Toàn,

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202411/binh-minh-thuc-dayphat-trien-da-nganhnghe-d0b719f/