Bảo tồn vườn chò chỉ quý

Hiện nay, ở Tuyên Quang rừng nguyên sinh được bảo tồn nghiêm ngặt ở các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên. Còn ở gần các khu dân cư đa phần là rừng sản xuất, rừng phòng hộ. Tuy nhiên, ở ngay thôn 4, trung tâm xã Trung Trực (Yên Sơn), chính quyền và người dân đã giữ gìn được vườn chò chỉ quý có tuổi đời hàng trăm năm. Những cây chò chỉ quý cao từ 30 - 40 m, tỏa bóng xanh mát, tạo nên một vùng sinh thái trong lành.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn chò chỉ, đồng chí Trần Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Trực cho biết, cách đây vài chục năm trên địa bàn xã được trồng rất nhiều cây chò chỉ, nhờ vậy mà có địa danh là “Lũng Chò”. Nơi đây đã được Bác Hồ lựa chọn ở và làm việc trong những năm 1948 - 1949. Nay địa danh này đã trở thành di tích cách mạng tiêu biểu của xã Trung Trực. Sau khi những cây chò chỉ do lâm trường khai thác, chính quyền xã Trung Trực và nhân dân địa phương đã giữ lại được vài chục cây để làm giống, ghi lại dấu mốc Bác Hồ ở và làm việc tại địa phương. Tổng vườn chò chỉ còn lại 95 cây, trong đó cây to nhất có chu vi 6,4 m, tuổi đời trên 100 năm. Những cây còn lại thường có chu vi 1,8 m, cây nhỏ nhất có tuổi đời trên 50 năm. Các cụ cao niên sống gần vườn chò khẳng định, những cây chò nhỏ đều do quả của cây chò lớn rụng xuống, mọc thành rừng.

Cán bộ xã, thôn tiến hành khảo sát sự sinh trưởng của cây chò qua các năm.

Cán bộ xã, thôn tiến hành khảo sát sự sinh trưởng của cây chò qua các năm.

Để phát triển tốt vườn chò chỉ quý, vừa qua UBND xã Trung Trực đã giao cho Đoàn xã quản lý trực tiếp vườn chò, giao đoàn viên thanh niên thường xuyên phát quang, trồng dặm, bón phân, đánh số, ghi chép lý lịch trích ngang cho từng cây chò. Đồng thời làm biển cấm xâm hại các cây chò chỉ di sản của địa phương. Trong cuộc họp thôn 4, xã đã nêu vấn đề bảo vệ vườn chò chỉ, nhân dân đều đồng tình hưởng ứng. Ông Nguyễn Xuân Chinh, Trưởng thôn 4 khẳng định, bà con sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của vườn chò chỉ quý.

Gia đình bà Hứa Thị Đài, dân tộc Tày là hộ sống gần vườn chò chỉ bao đời nay. Bà chia sẻ, dù đi đâu xa, nhớ về quê hương bà đều nhớ đến vườn chò Trung Trực. Ngày nay xã đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đã đạt 16/19 tiêu chí. Ngoài phát triển kinh tế thì giữ gìn phong cảnh, môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa có ý nghĩa sống còn. Nên vườn chò quý từ thời cha ông để lại sẽ được địa phương quyết tâm giữ gìn cho các thế hệ mai sau.

Bài, ảnh: Quang Hòa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/bao-ton-vuon-cho-chi-quy-139218.html