Báo Trung Quốc bình luận radar chống tàng hình Việt Nam chế tạo
Trang mạng Sina của Trung Quốc đã có bài viết đưa ra những nhận xét, đánh giá về radar săn máy bay tàng hình RV-02 do Việt Nam tự chế tạo.
Theo Sina, gần đây Lực lượng phòng không Việt Nam đã đưa vào biên chế nhiều bộ radar cảnh giới RV-02 sản xuất trong nước, đây được cho là phiên bản cải tiến từ nguyên mẫu Vostok-E có xuất xứ từ Belarus.
Trong những năm qua, để gia tăng sức mạnh quân sự nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến, ngoài đối tác truyền thống là Nga, Việt Nam còn mua số lượng lớn vũ khí từ khắp nơi trên thế giới trong đó có những giàn radar Vostok-E của Belarus được cho là có khả năng phát hiện cả máy bay tàng hình.
Sau đóphía Belarus đã chấp thuận chuyển giao công nghệ Vostok-E để Việt Nam tự sản xuất phiên bản nội địa RV-01, biến thể RV-02 mới ra đời chính là bản nâng cấp của RV-01.
Giới quân sự Trung Quốc nhận xét, radar này của Việt Nam được đặt trên khung gầm xe tải việt dã, thời gian triển khai và thu hồi nhanh, do vậy nó có sức cơ động rất lớn.
Thông thường 3 đài radar sẽ được kết hợp với nhau tạo thành hình tam giác hoặc nhiều hơn, tuy chỉ là radar cảnh giới 2 tham số (2D) nhưng khi hợp thành biên đội thì còn xác định được cả độ cao của mục tiêu cần theo dõi (3D).
Thông số nguyên bản của Vostok-E đó là trong môi trường không có nhiễu điện tử, nó phát hiện được tiêm kích dạng Su-27 từ cự ly 350 km, thậm chí F-117A hay B-2 cũng bị theo dõi từ khoảng cách tương đương.
Còn trong trường hợp bị gây nhiễu điện tử mạnh, radar này vẫn phát hiện được F/A-18 từ cách xa 255 km, đối với F-117A con số này bị rút ngắn xuống còn 57 km, tuy nhiên như vậy vẫn đủ để hướng dẫn các hệ thống tên lửa phòng không như S-300 hay Pechora-2TM phóng đạn tiêu diệt.
Mặc dù thông số khá ấn tượng, nhưng theo chuyên gia quân sựWang Yanan - Phó Tổng biên tập tạp chí "Kiến thức hàng không", radar Vostok-E cũng như RV-01/02 của Việt Nam vẫn chưa trải qua thực chiến, trong khi công nghệ tàng hình hiện nay đã có những bước tiến lớn so với thời kỳ chiếc F-117A bị phòng không Nam Tư bắn hạ.
Bên cạnh đó, kích thước tương đối lớn của giàn ăng ten RV-02 cũng khiến nó dễ trở thành mục tiêu tấn công của tên lửa chống bức xạ phóng đi từ tiêm kích thế hệ 5 kiểu F-22.
Lý do là bởi chiếc phi cơ này có tín hiệu phản xạ rất nhỏ, không thể phát hiện được từ cự ly xa (bởi thiết kế khung thân Raptor sẽ khiến cánh sóng radar phần lớn bị "trượt đi" và không quay lại đài phát).
Tuy vậy, việc chế tạo thành công radar cảnh giới RV-01/02 cho thấy bước tiến lớn của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam, giúp họ phần nào "vá được lỗ thủng" trong lưới lửa phòng không khi phải đối đầu với máy bay tàng hình đối phương.