Báo Trung Quốc: BRICS không chống phương Tây, không 'chọn phe', chỉ theo đuổi quyền tự chủ
Tờ Globaltimes của Trung Quốc đăng bài bình luận về một nhánh phát triển mới của BRICS, theo đó, quan hệ đối tác mới của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đã phá vỡ cái gọi là sự 'chọn phe', thúc đẩy chủ nghĩa đa phương thực sự.
Vào ngày đầu tiên của năm 2025, chín quốc gia - Belarus, Bolivia, Indonesia, Kazakhstan, Thái Lan, Cuba, Uganda, Malaysia và Uzbekistan - đã chính thức trở thành đối tác của BRICS. Sự kiện này đánh dấu một cột mốc quan trọng khác trong quá trình phát triển của BRICS, sau sự mở rộng mang tính lịch sử của nhóm tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan, Nga.
Hy vọng của các quốc gia đối tác BRICS
Như vậy, BRICS hiện không chỉ gồm 9 quốc gia thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập, Iran, Ethiopia, mà đã chính thức “kết nạp” thêm 9 quốc gia đối tác gồm Belarus, Bolivia, Indonesia, Kazakhstan, Thái Lan, Cuba, Uganda, Malaysia và Uzbekistan.
Với sự phát triển lớn mạnh, BRICS hiện đại diện cho hơn 35% GDP của thế giới, 45% dân số toàn cầu và 30% diện tích đất liền. Nhóm hiện cho thấy, không chỉ có được sự hiện diện mạnh mẽ hơn trong kinh tế, chính trị, cũng như trong các nỗ lực ứng phó với các thách thức về khí hậu, tăng cường an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu. Tiến trình hội nhập của các quốc gia ở Nam bán cầu vào BRICS, cho thấy vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển một thế giới đa cực.
Giám đốc Viện các nước đang phát triển tại Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc tại Bắc Kinh Wang Youming, nói rằng, việc đưa 9 quốc gia mới trở thành đối tác của BRICS làm nổi bật động lực ngày càng tăng của phong trào toàn cầu, nhằm định hình lại một trật tự quốc tế bất công và không công bằng, đặc biệt là sau sự trỗi dậy tập thể của Nam Bán cầu.
Chẳng hạn, đối với Cuba và Bolivia, sự liên kết với BRICS mở ra con đường hướng tới đa dạng hóa kinh tế, hợp tác công nghệ và hội nhập tài chính trong bối cảnh quốc tế đang chuyển đổi.
Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel thẳng thắn cho rằng, việc gia nhập BRICS là cơ hội quan trọng để vượt qua sự phong tỏa kinh tế kéo dài do Mỹ áp đặt. Khả năng giao dịch bằng đồng nội tệ trong BRICS sẽ cho phép đảo quốc Caribe giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và mở ra các luồng thương mại mới.
Tổng thống Bolivia Luis Arce nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận thị trường khổng lồ của các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ. BRICS mang lại cơ hội cho Bolivia phát triển về mặt công nghệ và tiếp cận hợp tác tài chính đa phương.
Như vậy, Nhóm các nền kinh tế đang phát triển hàng đầu mang lại hy vọng lớn cho các quốc gia ở Nam bán cầu trong cuộc đấu tranh vì một trật tự quốc tế công bằng và dân chủ hơn.
Bình luận về sự mở rộng của “gia đình BRICS”, đặc biệt là sau Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan, một số cơ quan truyền thông phương Tây đã từng đặt những câu hỏi về tương quan lực lượng.
Truyền thông Mỹ cho rằng, "Cuộc họp thượng đỉnh BRICS nêu bật các nguyện vọng địa chính trị và sự cạnh tranh với phương Tây". Một số phương tiện truyền thông và chính trị gia phương Tây cho rằng, cơ chế BRICS nhằm mục đích đối đầu với phương Tây.
Tránh các trò chơi có tổng bằng không
Tuy nhiên, tờ báo của Trung Quốc đưa ra quan điểm rằng - BRICS là một tổ chức phi phương Tây, nhưng không phải là tổ chức chống phương Tây. Ngay từ khi thành lập, BRICS đã nêu rõ vai trò và sứ mệnh của mình: không bắt đầu lại, không tham gia vào cuộc đối đầu giữa các phe phái và không tìm cách thay thế bất kỳ ai.
Mô hình hợp tác đa phương của BRICS tránh các trò chơi tổng bằng không giữa các cường quốc và đưa ra một mô hình bao trùm hơn cho quan hệ quốc tế. Chính sự bao trùm này đã thúc đẩy nhiều quốc gia từ Nam bán cầu nhanh chóng nộp đơn xin gia nhập gia đình BRICS.
Globaltimes khẳng định, động lực thúc đẩy sự phát triển của BRICS là nhu cầu ngày càng tăng từ các nước đang phát triển về một trật tự quốc tế công bằng và chính đáng hơn.
Trong những thập kỷ gần đây, thế giới ngày càng chịu sức nặng của các hành động bá quyền của các cường quốc phương Tây. Ngược lại hoàn toàn, các quốc gia BRICS không chỉ đạt được tiến bộ đáng kể trong quá trình phát triển của riêng mình mà còn phát triển mạnh mẽ thông qua sự hợp tác, đồng thời ủng hộ sự chuyển dịch sang hệ thống toàn cầu đa cực.
Hiện nay, với những rủi ro địa chính trị tiếp tục gia tăng, các đối tác BRICS cung cấp cho các quốc gia Nam bán cầu một giải pháp thay thế toàn diện hơn, linh hoạt hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn.
BRICS không chỉ mang đến các cơ hội hợp tác kinh tế mà còn tạo ra một nền tảng để các nước đang phát triển có tiếng nói và tham gia vào cải cách quản trị toàn cầu. Thông qua nền tảng BRICS, Nam bán cầu có thể tự giải phóng mình khỏi áp lực địa chính trị truyền thống là "chọn phe" và theo đuổi quyền tự chủ lớn hơn trong một thế giới đa cực.
Một số cơ quan truyền thông phương Tây từng đổ lỗi cho nguy cơ chia rẽ toàn cầu là do sự mở rộng của BRICS, cho rằng các quốc gia phải lựa chọn giữa việc gia nhập BRICS và hợp tác với phương Tây?
Họ thậm chí đã ám chỉ BRICS như một vũ khí chống phương Tây. Tuy nhiên, ngày càng nhiều quốc gia nhận ra rằng, cơ chế BRICS không phải là những gì phương tiện truyền thông phương Tây mô tả.
Tờ báo Trung Quốc chỉ ra rằng, BRICS không đi theo con đường của phương Tây là hình thành các khối độc quyền; thay vào đó, BRICS đã tạo ra một con đường mới là đối thoại, không phải đối đầu; quan hệ đối tác, không phải liên kết.
Giữa những thách thức trong hệ thống quốc tế hiện tại, cơ chế BRICS cung cấp một nền tảng hợp tác đầy hứa hẹn. Bằng cách thúc đẩy phát triển toàn diện, ủng hộ chủ nghĩa đa phương và cải cách hệ thống quản trị toàn cầu, các nước BRICS và các đối tác của họ đã có những đóng góp đáng kể vào việc định hình một trật tự quốc tế công bằng hơn.
Globaltimes kết luận, mặc dù tiến trình hợp tác của BRICS phải đối mặt với nhiều hạn chế phức tạp, nhưng triển vọng của nó chắc chắn mang lại hy vọng cho việc gây dựng một thế giới đa cực.