Báo Trung ra cảnh báo 'rát' trước tranh luận Trump-Biden
Ngay trước thềm cuộc tranh luận tổng thống Mỹ, báo đảng của Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ rằng hai ứng cử viên tổng thống chớ đưa 'vấn đề Trung Quốc để tạo kịch tính'.
Tờ Nhân dân Nhật báo hôm 29-9 đã đưa ra cảnh báo rằng các chính trị gia Mỹ không nên sử dụng “vấn đề Trung Quốc để tạo kịch tính” trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Lời cảnh báo trên được đưa ra ngay trước thềm cuộc tranh luận tổng thống Mỹ đầu tiên sẽ diễn ra vào sáng ngày 30-9 (giờ Việt Nam) giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Trung Quốc “chặn họng” trước hai ứng cử viên
“Có một kịch bản được dự đoán từ trước rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ xoay quanh các cuộc tranh luận về 'mối đe dọa Trung Quốc' nhằm nhấn mạnh sự cần thiết của việc 'bảo vệ lợi ích nước Mỹ'. Điều này đã diễn ra kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc” – SCMP trích bài bình luận đăng ngày 29-9 trên Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Một số chính trị gia Mỹ tại chức đã bày tỏ sự hy vọng rằng một cuộc xung đột sẽ diễn ra. Họ đã dựng lên một viễn cảnh xung đột bên ngoài nhằm chuyển dư luận trong nước ra khỏi các vấn đề nội bộ mà Mỹ đang đối mặt” - bài bình luận viết, nhưng không đề cập cụ thể chính quyền của ông Trump.
“Điều này không chỉ vô ích trong việc giải quyết những rủi ro mang tính hệ thống mà xã hội Mỹ đang phải đối mặt, mà còn tạo ra sự tàn phá trong lĩnh vực quan hệ quốc tế” – bài bình luận viết.
Theo SCMP, cả ông Trump và ông Biden đều cáo buộc nhau “mềm yếu” với Trung Quốc. Hai ứng viên tổng thống đều cam kết sẽ có các chính sách cứng rắn với Trung Quốc nếu đắc cử. Cam kết này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ song phương Mỹ - Trung đang căng thẳng trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, công nghệ, quân sự cho tới nhân quyền.
“Trung Quốc sẽ không từ bỏ lợi ích của mình để chơi cuộc chơi bầu cử Mỹ. Các chính trị gia Mỹ nên ngừng lôi kéo Trung Quốc vào các vấn đề trong nước của họ” – Nhân dân Nhật báo nhấn mạnh.
Căng thẳng Mỹ - Trung đã leo thang trong những tháng gần đây khi hai nước tiến hành các hoạt động phô diễn sức mạnh quân sự như tập trận và tuần tra tại các khu vực tranh chấp như eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Tuần trước, Mỹ và Trung Quốc đã đấu khẩu nhau tại Liên Hợp Quốc về trách nhiệm liên quan đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại một diễn đàn ở Bắc Kinh hôm 29-9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết: “Một số quốc gia đã biến Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thành ‘sân khấu phục vụ chính trị và lợi ích trong nước’ cũng như là nơi để kích động xung đột và đối đầu, đồng thời chia rẽ cả thế giới”. Tuy nhiên, ông Vương không đề cập trực tiếp đến Mỹ.
Ông Vương cũng nhắc lại quan điểm của Trung Quốc rằng nước này phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời cảnh báo “những người nghĩ rằng họ có thể phá hủy trật tự quốc tế bằng một cú đấm mạnh sẽ bị bỏ lại theo thời đại”.
Mỹ đã chỉ trích cách Trung Quốc ứng phó với đại dịch COVID-19, bao gồm việc cáo buộc Bắc Kinh che giấu thông tin dịch bệnh khi dịch mới bùng phát vào cuối 2019 và xem nhẹ nguy cơ lây nhiễm. Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc này.
Trung Quốc liên tục tuyên bố rằng nhiều động thái gần đây của chính quyền Tổng thống Trump được thúc đẩy bởi cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán cả ông Trump và ông Biden đều không muốn nhấn nút tái khởi động căng thẳng với Bắc Kinh sau cuộc bầu cử.
Xoay quanh chủ đề Trung Quốc
Theo SCMP, chủ đề Trung Quốc có thể sẽ “chiếm phần lớn sân khấu” trong cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Mỹ.
Sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung trên mọi lĩnh vực thời gian qua càng khiến Trung Quốc trở thành một trong những chủ đề thảo luận chính trong cuộc tranh luận dài 90 phút này, đặc biệt liên quan đến đại dịch COVID-19 khi đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người Mỹ và hơn một triệu người trên thế giới.
Tại cuộc tranh luận đầu tiên, hai ứng cử viên sẽ thảo luận sáu chủ đề chính bao gồm: cuộc chiến đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao liên bang thay bà Bader Ginsburg vừa mất, đại dịch COVID-19, nền kinh tế Mỹ suy yếu vì đại dịch, phong trào biểu tình đòi công lý chủng tộc và chống bạo lực ở Mỹ, tính toàn vẹn của cuộc bầu cử, thành tích cá nhân của hai ứng viên.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump đã xem mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ với Trung Quốc là một trong những vấn đề lớn nhất của đất nước. Chính điều này đã giúp đưa ông đắc cử và ông cũng đã tiếp tục lập trường này trong suốt nhiệm kỳ của mình.
Các nhà nghiên cứu cho thấy rằng phần lớn thành công của Trung Quốc trong việc thu hút các công ty Mỹ xuất phát từ kế hoạch công nghiệp năm năm của Bắc Kinh, cùng với các khoản trợ cấp cho các ngành trọng điểm của nước này, đặc biệt là viễn thông và năng lượng thay thế.
Trước nguy cơ trên, ông Trump đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà lập pháp Mỹ khi đưa ra các biện pháp chặn nguồn cung cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies và hàng chục công ty con.
Ông Biden đã đưa ra một chiến lược kinh tế nhằm “xây dựng lại năng lực sản xuất trong nước”, hỗ trợ các nhà cung cấp của Mỹ về chất bán dẫn, dược phẩm và các ngành công nghiệp khác được chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh trong kế hoạch năm năm của mình.
Trong thông điệp tranh cử của mình, ông Biden đã cáo buộc ông Trump đang theo đuổi “một chiến lược thương mại ưu tiên quyền tiếp cận của các ngân hàng đa quốc gia lớn vào thị trường Trung Quốc nhưng đã không làm gì để kiềm chế các hành vi lạm dụng thương mại của Bắc Kinh”.
Ông Thomas McLoughlin - giám đốc điều hành tại UBS Financial Services - cho biết: “Không giống như các chiến dịch sơ bộ, nơi diễn ra các cuộc tranh luận gay gắt nhằm giới thiệu các ứng cử viên mới cho công chúng bỏ phiếu, các cuộc tranh luận tổng thống sẽ tập trung vào các chủ đề ưu tiên mà Mỹ đang đối mặt”.
“Và hiện nay, hầu hết các cử tri đã có được quyết định bỏ phiếu của mình” - ông Thomas trích dẫn một cuộc thăm dò gần đây của The Wall Street Journal và NBC News cho thấy 90% cử tri Mỹ đã có được quyết định của mình.
Vòng tranh luận đầu tiên sẽ diễn ra tại khuôn viên chung của Trường ĐH Case Western Reserve và Bệnh viện Cleveland Clinic ở bang Ohio. Hai vòng tranh luận tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 15-10 và 22-10.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/bao-trung-ra-canh-bao-rat-truoc-tranh-luan-trumpbiden-941093.html