Bảo vật quốc gia có từ triều Nguyễn bây giờ ra sao tại Huế?
Triều Nguyễn đã kết thúc từ 75 năm trước. Đây là triều đại đã tạo lập nên nhiều cổ vật có giá trị, nhiều thứ quý giá đến nay đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Trong số này, nhiều bảo vật vẫn vẹn nguyên tại nơi chúng sinh ra - Cố đô Huế.
Trong 143 năm trị vì (1802-1945), một trong những công trình văn hóa rất có giá trị mà triều Nguyễn đã để lại là bộ Cửu đỉnh do Bộ Công thực hiện năm 1836, dưới thời vua Minh Mạng. Cửu Đỉnh gồm 9 cái đỉnh đồng, mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thụy hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn. Trên mỗi đỉnh đều chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí... tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn.
Đây được xem như là một bộ dư địa chí về giang sơn gấm vóc, giàu đẹp; đất nước thống nhất và ước mơ triều đại vững bền, trường thịnh. Cửu đỉnh được đặt theo hàng ngang trước sân Thế miếu, nơi thờ các vị vua triều Nguyễn trong Đại nội Huế. Mỗi đỉnh đối diện với một gian thờ trong tòa miếu. Riêng đỉnh tương ứng gian thờ vua Gia Long - vị hoàng đế khai sáng triều đại, đặt hơi nhích về phía trước. Năm 2012, Cửu đỉnh được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam.
Theo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Ngai vua triều Nguyễn là biểu trưng cao nhất về quyền lực thời quân chủ, cũng là chiếc ngai cuối cùng trong lịch sử các triều đại ở Việt Nam còn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến tận ngày nay. Ngai được làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Phía trên ngai là bửu tán thếp vàng, chạm trổ hình rồng hết sức sinh động...
Chiếc ngai vàng từng được tạm chuyển đi nơi khác một thời gian ngắn vào năm 2017, nhằm phục vụ cho việc sửa chữa nội điện Thái Hòa - Hoàng thành Huế (gồm xử lý chống dột cho ngôi điện, sửa chữa nhỏ chiếc bửu tán che phía trên ngai vàng).
Ngai vua triều Nguyễn đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam năm 2015.
Đại Hồng chung chùa Thiên Mụ (Huế) là một pháp khí quan trọng được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cho đúc vào năm 1710 để cúng dường đức Phật. Chuông nặng 3285 cân (hơn 2.000kg), cao 2,5m, đường kính miệng 1,4m, có hình dáng cân đối.
Đại Hồng chung chùa Thiên Mụ được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam năm 2013.
Cửu vị Thần công là tên gọi của chín khẩu đại bác bằng đồng lớn nhất và đẹp nhất của Việt Nam, đúc vào đầu triều Nguyễn.
Chín khẩu thần công này được đúc trong một năm, từ tháng 2/1803 đến tháng 1/1804. Một nhóm bốn khẩu được đặt tên theo bốn mùa (tứ thời) là Xuân, Hạ, Thu, Đông. Một khóm năm khẩu đặt tên theo ngũ hành là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Tên mỗi khẩu được khắc nổi bằng chữ Hán ở núm từng đuôi súng. Chín khẩu thần công còn có tên “Thần oai vô địch thượng tướng công cửu vị”, gọi tắt là Cửu vị Thần công. Cửu vị Thần công hiện được thiết đặt sau cửa Thể Nhơn Kinh thành Huế (nhóm tứ thời) và cửa Quảng Đức (nhóm ngũ hành).
Năm 2012, Cửu Vị Thần Công được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam.
Ngoài những bảo vật quốc gia kể trên, tại Huế còn lưu giữ các Bảo vật quốc gia khác cũng thuộc vương triều Nguyễn như: bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” (tại chùa Thiên Mụ)của chúa Nguyễn Phúc Chu (công nhận Bảo vật quốc gia tháng 1/2020), Áo tế Giao triều Nguyễn (công nhận năm 2015), Sưu tập Vạc đồng thời chúa Nguyễn, Bia Khiêm Cung Ký - Khiêm Lăng (lăng Hoàng đế Tự Đức, công nhận Bảo vật quốc gia năm 2015).