Bảo vệ an toàn tàu thuyền trong mùa mưa bão

Vào mùa mưa bão, không chỉ nắm bắt thông tin dự báo thời tiết để đưa tàu thuyền về bờ trú tránh, các chủ tàu, thuyền trưởng còn phải biết cách neo đậu để tránh va đập, hư hỏng máy móc, trang thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu thuyền.

Tàu cá của ngư dân neo đậu tránh bão số 4 vừa qua tại Khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt -Ảnh: L.A

Tàu cá của ngư dân neo đậu tránh bão số 4 vừa qua tại Khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt -Ảnh: L.A

Trước cơn bão số 4, cũng như tất cả các tàu cá đánh bắt xa bờ công suất lớn trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Quang Hùng, ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, chủ tàu cá QT 94522TS chiều dài 17,6 m, công suất 550 CV đã đưa tàu cá của mình vào neo đậu an toàn tại Khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt. Ông Hùng cho biết, đối với ngư dân, chiếc tàu cá là tài sản có giá trị rất lớn, lên đến hàng chục tỉ đồng đối với tàu vỏ thép và từ 3 - 5 tỉ đồng đối với tàu vỏ gỗ.

Bên cạnh đó, các trang thiết bị, máy móc, ngư lưới cụ trên tàu cũng có giá trị rất lớn, đơn cử như vàng lưới vây trên tàu cá của ông đã có giá trên 2 tỉ đồng. Do vậy, điều mà ngư dân như ông quan tâm là các thông tin dự báo thời tiết về đường đi, tầm ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển của cơ quan chức năng để điều khiển tàu cá ra khỏi vùng nguy hiểm hay về nơi trú tránh an toàn.

Các hướng dẫn neo đậu đúng cách của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhằm đảm bảo an toàn cho tàu cá. “Trước mùa mưa bão tôi đều kiểm tra lại hệ thống dây neo, bổ sung thêm đệm xốp, lốp xe ô tô cũ xung quanh thành tàu để chống va đập khi neo đậu gần nhau trong khu neo đậu tránh trú bão, nhất là trong thời điểm sóng to, gió mạnh. Tuân thủ tuyệt đối quy định không ở lại trên tàu cá khi bão đổ bộ”, ông Hùng cho hay.

Thị trấn Cửa Việt hiện có hơn 160 tàu thuyền các loại, trong đó tàu cá công suất lớn, có chiều dài từ 15 m trở lên là 97 chiếc. Sản lượng khai thác thủy sản hằng năm đạt trên 7.200 tấn. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt Mai Văn Minh cho biết, để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, đặc biệt là đối với ngư dân, khi có dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, địa phương chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong việc thông báo, kêu gọi chủ tàu, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển di chuyển, tìm nơi trú tránh an toàn.

Khi tàu vào bờ, cán bộ địa phương đến kiểm tra, nhắc nhở ngư dân không neo đậu ở các bến tạm tại địa phương mà phải đưa tàu cá vào neo đậu tại các khu neo đậu tránh trú bão. Hướng dẫn ngư dân neo đậu hợp lý, tuân thủ nghiêm túc quy định của cơ quan chuyên môn để tránh nguy cơ hư hỏng và không để xảy ra tranh giành chỗ neo đậu làm mất an ninh trật tự. Yêu cầu ngư dân không ở lại trên tàu khi bão đổ bộ; chỉ được phép ra khơi khi kết thúc các hình thế thời tiết nguy hiểm trên biển.

Không chỉ tàu cá xa bờ, các địa phương và cơ quan chức năng cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản của ngư dân đối với khối tàu cá công suất nhỏ, có chiều dài dưới 12 m đánh bắt gần bờ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương Viết Hải thông tin, toàn huyện hiện có gần 750 tàu thuyền các loại, chủ yếu là thuyền máy công suất nhỏ và thuyền chèo, tập trung ở 2 xã bãi ngang Hải An và Hải Khê. Hằng năm, vào mùa mưa bão, huyện Hải Lăng đều tập trung chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Hải An lập phương án nắm bắt tình hình; thông tin kịp thời, chính xác, không để ngư dân ra biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới.

Thông báo, tổ chức lực lượng cùng với ngư dân vận chuyển tàu thuyền và ngư lưới cụ lên bờ an toàn, tránh hư hỏng, thiệt hại khi thiên tai xảy ra. Đặc biệt, nhiều chủ phương tiện đã trang bị thêm máy tời giúp giảm tải sức lao động, phục vụ tốt hơn việc di dời, đưa tàu thuyền lên cao trong mùa mưa bão.

“Nhờ sự chủ động của ngư dân và sự tích cực của chính quyền địa phương nên nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn huyện không để xảy ra tình trạng hư hỏng tàu thuyền, ngư cụ, máy móc do bão, áp thấp nhiệt đới”, ông Hải cho hay.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 khu neo đậu tránh trú bão gồm: Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh; Nam Cửa Việt tại xã Triệu An, huyện Triệu Phong và Cồn Cỏ tại huyện đảo Cồn Cỏ. Tổng sức chứa của các khu neo đậu là 800 tàu cá các loại có chiều dài tối đa 24 m, đủ sức đáp ứng nhu cầu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh.

Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản, trong các cơn bão số 3 và số 4 mới đây, thông qua Trạm bờ và hệ thống giám sát hành trình tàu cá, toàn bộ 2.270 tàu cá gồm 188 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên và 2.082 tàu cá có chiều dài dưới 15 m với hơn 5.970 thuyền viên đều nhận được thông báo và trở về nơi tránh trú an toàn. Trong đó, tại các khu neo đậu tránh trú bão đã có khoảng 400 tàu cá các loại, chủ yếu là các tàu cá xa bờ của ngư dân trong và ngoài tỉnh vào neo đậu an toàn.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phan Hữu Thặng lưu ý, để đảm bảo an toàn, giảm thiểu tổn thất về tài sản và lao động trên tàu cá trong mùa mưa bão, chủ tàu, thuyền trưởng cần thường xuyên cập nhật thông tin dự báo thời tiết, cảnh báo của cơ quan chức năng về các hình thế thời tiết nguy hiểm trên biển như bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh...

Khai thác, sử dụng các chức năng thông tin trên máy thông tin liên lạc, máy giám sát hành trình tàu cá để theo dõi nhằm có giải pháp tránh bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa Đông Bắc; giúp công tác cứu hộ trên biển được kịp thời. Tổ chức thành các đoàn, tổ đội khi đi khai thác trên biển để hỗ trợ nhau trong sản xuất, chia sẻ thông tin về ngư trường, thời tiết, kinh nghiệm sản xuất; hỗ trợ nhau xử lý rủi ro trên biển.

Cũng theo ông Thặng, hiện nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên luồng lạch ra vào cảng, khu neo đậu có hiện tượng bồi lắng. Do vậy, chủ tàu, thuyền trưởng phải nắm rõ luồng lạch, tuân thủ sự hướng dẫn của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khi di chuyển vào khu neo đậu để trú tránh. Chuẩn bị đầy đủ số lượng đệm va để sử dụng khi neo đậu gần nhau trong khu neo đậu tránh trú bão.

Chủ động sắp xếp các tàu cá có cùng kích cỡ trong khi neo đậu gần nhau. Tổ chức gia cố tàu thuyền tại khu neo đậu, sử dụng dây neo, dây chéo mũi, dây chéo lái, đệm va khi neo để hạn chế tối đa các va đập vào nhau gây hư hỏng tàu cá do gió lớn, sóng mạnh. Tuyệt đối không ở lại trên tàu cá khi có bão đổ bộ. Lưu ý sau bão thường xảy ra lũ lụt nên ngư dân không neo đậu tàu ở giữa dòng sông và không điều động tàu di chuyển khi còn lũ mạnh. Chỉ được phép ra khơi đánh bắt khi kết thúc các hình thế thời tiết nguy hiểm trên biển.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/bao-ve-an-toan-tau-thuyen-trong-mua-mua-bao-188847.htm