Bảo vệ bền vững tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Song, bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên nước là một vấn đề quan trọng, góp phần phát triển bền vững cho khu vực này.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là một trong ba đồng bằng châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu, khiến nguồn tài nguyên và môi trường, trong đó có tài nguyên nước tại khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vùng ngập lũ của ĐBSCL có sự thay đổi nhanh trong những năm vừa qua do tác động của hệ thống công trình thủy lợi, suy giảm lưu lượng nước phía thượng lưu và tình trạng nước biển dâng phía hạ lưu.

Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Đồng bằng sông Cửu Long. ( Ảnh minh họa)

Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến Đồng bằng sông Cửu Long. ( Ảnh minh họa)

Nhiều chuyên gia cho rằng việc xây dựng chiến lược thích ứng giảm nhẹ với biến động tài nguyên nước và môi trường phù hợp với điều kiện tự nhiên và thực tiễn tại khu vực ĐBSCL là rất cần thiết. Quản lý bền vững tài nguyên nước là một trong những nền tảng căn bản cho sự an toàn, thịnh vượng và bền vững ở nơi này.

Nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia Châu Nguyễn Xuân Quang, Hồ Văn Hòa, Ngô Ngọc Hoàng Giang (Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã xây dựng chiến lược thích ứng giảm nhẹ với biến động tài nguyên nước và môi trường phù hợp với điều kiện tự nhiên và thực tiễn Đồng bằng sông Cửu Long là rất cần thiết hiện nay.

Các nhà khoa học đã có những dẫn chứng về việc nguồn tài nguyên nước phong phú ở đây đang bị suy thoái cả lượng và chất do nhiều tác động, đòi hỏi cần có những giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng này.

Cụ thể, các chuyên gia đề xuất xây dựng kế hoạch chiến lược theo hướng tiếp cận tổng thể và hành động cụ thể; ưu tiên cho những giải pháp nội vùng thay vì cố gắng thay đổi những tác động từ bên ngoài (như từ thượng lưu và phía biển); tập trung thay đổi tư duy thay vì cố gắng thay đổi khí hậu.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần hành động giảm thiểu rủi ro theo hướng ưu tiên tăng cường năng lực thích ứng và giảm nhẹ mức độ phơi nhiễm thay vì cố gắng giảm nhẹ nguy cơ.

Việc phát triển hệ thống trữ nước quy mô vùng và phân tán được xem là giải pháp căn cơ để ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô ở đồng bằng châu thổ.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, do đặc thù về điều kiện địa chất thủy văn vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên các giải pháp trữ nước cần phải quy hoạch một cách tổng thể mới đạt được hiệu quả kỹ thuật và kinh tế.

Giải pháp trữ nước quy mô vùng có thể áp dụng cho vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, giải pháp trữ nước phân tán nên được xem xét áp dụng cho vùng ven biển ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Cống ngăn mặn Kênh Năm, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương - TTXVN)

Cống ngăn mặn Kênh Năm, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương - TTXVN)

Ngoài ra, ở Đồng bằng sông Cửu Long, nguy cơ ô nhiễm tại các khu vực đông dân cư, nuôi gia súc và khu công nghiệp là khá rõ nét. Nguồn xả thải ngày càng gia tăng trong tương lai và nếu không có giải pháp quản lý và xử lý phù hợp thì mức độ ảnh hưởng không chỉ có tính cục bộ như hiện nay mà có nguy cơ ảnh hưởng lan rộng ra toàn đồng bằng.

Để hạn chế nguy cơ tác động xấu đến chất lượng nguồn nước mặt cần kiểm soát các nguồn xả thải, đặc biệt nguồn thải sinh hoạt như thu gom rác thải tập trung, thu gom các chất thải từ chăn nuôi gia súc gia cầm.

Còn tại các khu đô thị tập trung cần xây dựng hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt để xử lý tập trung trước khi thải ra môi trường bên ngoài; cần xây dựng thêm các nhà máy xử lý nước thải tập trung ở các khu công nghiệp, tăng cường công tác quản lý môi trường tại vùng đồng bằng.

Liên quan đến các giải pháp bảo vệ tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các chuyên gia Lê Thanh Hải, Trần Đức Dũng, Lê Quốc Vỹ, Hồ Quốc Bằng (Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định: Quan điểm về “thuận thiên,” tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên là rất cần thiết.

Ngoài ra, các giải pháp trong công tác bảo vệ tài nguyên và ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng cũng cần được thực hiện theo thứ tự ưu tiên là thích ứng, phòng ngừa, kiểm soát, cải thiện, phục hồi và xử lý.

Với quan điểm như vậy, riêng đối tài nguyên nước, cần tiếp tục thúc đẩy bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm khai thác, sử dụng tài nguyên nước (nước mặt, nước ngầm) và tài nguyên nguyên khác quá mức.

Nguyễn Linh (T/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/bao-ve-ben-vung-tai-nguyen-nuoc-dong-bang-song-cuu-long-59989.html