Không thể đảo ngược

Chủ trì phiên họp lần thứ 5 Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) sáng 2-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược - Đây vừa là mục tiêu vừa là giải pháp an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về '0' theo đúng cam kết của Việt Nam tại COP26.

Với hơn 3.200km bờ biển, nhiều thành phố có địa hình trũng thấp và các vùng đồng bằng ven sông, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu. Các tác động của biến đổi khí hậu, như nhiệt độ trái đất ấm lên, mực nước biển dâng cao, bão lụt diễn biến bất thường… đã và đang làm gián đoạn hoạt động kinh tế và suy yếu tăng trưởng của Việt Nam. Thực tế cho thấy, chỉ riêng bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra mới đây đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tính đến ngày 27-9, có 318 người chết, 26 người mất tích, 1.976 người bị thương; thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước ước tính trên 81 ngàn tỷ đồng.

Theo tính toán, nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12-14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến 1 triệu người rơi vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030. Do đó, Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam (CCDR) đã chỉ ra các giải pháp và phương án cho cả khu vực nhà nước và tư nhân để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, hoàn thành cam kết về mức phát thải khí nhà kính ròng bằng “0” vào năm 2050 và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời đảm bảo một “quá trình chuyển dịch công bằng” để hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và chống chịu với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, muốn thực hiện lộ trình phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu và phát thải ròng bằng “0”, dự kiến đến năm 2040, Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD.

Nhận thức được những hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra, những năm qua, cả hệ thống chính trị và nhân dân đã tích cực vào cuộc thực hiện các giải pháp ứng phó, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính. Hiện phần lớn người dân Việt Nam đã ý thức nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ môi trường và tham gia tích cực vào việc giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu. Sự thay đổi rõ rệt về nhận thức này đã đưa nước ta trở thành điểm sáng trong thực hiện cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng với nhiều dự án cụ thể.

Biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, tác động đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu… Việc thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là cơ hội để phát triển bền vững và là ưu tiên cao nhất trong các quyết sách phát triển. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu thì yêu cầu tiên quyết là cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam phải sớm đưa các cam kết tại COP26 thành hiện thực. Nhất là, phải cụ thể hóa chủ trương thành các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, chiến lược, kế hoạch để thực hiện đồng bộ; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng xanh….

Lâm Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/163483/khong-the-dao-nguoc