Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Chuyện khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua.
Bởi lẽ trên thực tế, gần đây xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu, có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ bị kỷ luật nên không dám làm việc. Tâm lý này làm cản trở việc triển khai thực hiện nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị, cũng như giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của đất nước.
Để khắc phục tình trạng nói trên, ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh; kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế.
Cùng với đó, khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hay gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại, cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp; nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Dù Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW đã hơn 1 năm nhưng đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chậm ban hành các văn bản triển khai thực hiện kết luận này, nên chưa thể khuyến khích được cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì nhiều người vẫn còn tâm lý e ngại nếu làm sai sẽ bị kỷ luật. Vì vậy, để Kết luận số 14-KL/TW sớm đi vào thực tiễn, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các văn bản liên quan, nhằm cụ thể hóa kết luận này, tạo hành lang pháp lý bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, để họ yên tâm công tác và phát huy năng lực chuyên môn, góp phần vào việc phục vụ nhân dân, đất nước.
Khi ban hành các quy định cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Bởi lẽ, khi người đứng đầu mà dám nghĩ, dám làm sẽ có tác động lan tỏa, từ đó tạo môi trường thuận lợi để cán bộ thuộc quyền mình quản lý mạnh mẽ đề xuất, hiến kế, thể hiện tâm huyết, năng lực.
Bên cạnh đó, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo vệ đối với những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tạo động lực cho họ có những cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ. Ngoài ra, nên kịp thời biểu dương, khen thưởng xứng đáng; ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam-20230305191958479.htm