Bảo vệ cầu Hàm Rồng trong mưa bom bão đạn

Hết ba tháng tân binh, chia tay mỗi đứa một nơi. Tôi về D bộ D5 làm lính thông tin. Doanh trại đóng quân trên đồi 55, giáp đồi 74 cuối dẫy núi Sầm Sơn.

Núi ở đây là đá hoa cương phong hóa nhưng vẫn cực kì rắn. Chẳng thế mà bom Mỹ giội trên những tảng đá cứ như gãi mà thôi. Lúc ấy tôi nghĩ bom Mỹ kém bom của Pháp. Vì nó bỏ ở đầu làng tôi, khoét sâu đến 2m như cái giếng...

Sau này phải đào công sự và hầm trú ẩn mới biết đá hoa cương phong hóa vẫn rắn như thế nào! Khi quan sát kỹ mới thấy các tảng đá nhô ra đều nhẵn chứ không sắc nhọn như núi đá ở mọi.

Ngọn cao nhất ở gần hòn trống mái là đồi 79. Giáp bờ biển là đồi 73. Bên cạnh có rừng thông, phía trái là Sầm Sơn, giáp biển là chùa Độc Cước. Đi qua hòn Trống Mái lên một chút có chùa Cô Tiên. Phía dưới nhô ra biển là mũi Chao...

Chính vì độ rắn của đá mà một lần tôi và anh Vở là lính cùng đi sửa đường dây về đến gần doanh trại thì máy bay Mỹ giội bom xuống chân đồi 73 có quả bom bị sức ép của những quả rơi trước nổ hất bay tới sát chỗ tôi đang nấp, xa đến 1 km. Lúc nó bị văng bay về chỗ tôi cứ tưởng mảnh bom. Định bụng tý nữa nhặt về để đánh dao tặng mẹ băm chặt thì tốt quá. Khi bom hết nổ, tôi đi vòng qua bên kia tảng đá thì nó là quả bom nằm đuỗn đuồn. Thật hú vía. May khi bị hất bay lúc rơi xuống chỗ tôi nấp thì nó rơi ngang nên không kích nổ được...

Theo tin tình báo của ta cho biết, không quân Mỹ đã xây dựng mô hình cầu Hàm Rồng giống y như thật. Rồi thực hành tập công kích trong vòng 6 tháng đã thành thục nên tuyên bố với thế giới là sẽ đánh sập cầu Hàm Rồng ngay trận đầu.

Theo phân tích của ta về khả năng không quân Mỹ sẽ đánh Hàm Rồng chủ yếu có hai hướng, chiều dọc cầu từ bờ bắc vào bờ nam. Và hướng ngược lại...

Phân tích đi, phân tích lại nhiều lần, thì đa số cho là nó sẽ bay từ núi Lau Chẹt dưới tầm ra đa rồi đến gần Hàm Rồng đột ngột ngóc lên bổ nhào xuống cầu lao sang bờ bắc trên đất Hoằng Hóa thoát ra biển...

Chính do quyết định đó mà khi ta biết ngày 3.4.1965, Mỹ oanh tạc, nên toàn bộ lực lượng pháo cao xạ, lực lượng tăng cường đều dồn sang bờ Nam. Bờ bắc chỉ có một C37 bố trí với dân quân tự vệ xã Hoằng Long.

Các nhà quay phim, phóng viên, chụp ảnh...đều vào bờ nam tác nghiệp. Bờ bắc của Hoằng Long không có một phóng viên nào ở đó để kịp viết bài...

Tờ mờ sáng ngày 3.4.1965, từng tốp máy bay Mỹ ầm ầm kéo đến. Nào là thần sấm F105, rồi F4H...từ Hoằng Hóa đánh ngược từ bờ bắc dọc cầu sang bờ nam. Khi nó bổ nhào xuống thấp thì đại liên và 12.7 trên núi Đông Sơn không thể bắn tà âm được. Lúc ấy uy lực ở bờ bắc là dựa vào khẩu đại liên trên núi Ngọc. Đã kiên cường đánh trả, hai chiến sĩ phải nhịn đói nhịn khát suốt cả ngày 3/4. Vì máy bay đánh liên tục từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều nên không có ai có thể leo lên núi Ngọc trong khi đang bị đánh phá.

Với lòng dũng cảm, trí thông minh, gan dạ tuyệt vời của hai chàng trai mà mấy lần bom đánh trúng đỉnh núi, hai người vùi trong đất đá vẫn đội đất chui lên, bắn thẳng máy bay Mỹ, hất ngược nó lên cao không thể bay thấp bổ nhào đánh sập cầu như chúng từng huênh hoang tuyên bố.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc đó, hai anh được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, phong vượt cấp một hạ sĩ lên thiếu úy và binh nhất lên chuẩn úy...

Với tình cảm và lòng kính trọng hai chiến sĩ trên núi Ngọc, tôi viết bài thơ:

NÚI NGỌC

Ai đi đó dừng chân đứng lại
Cho hồn tôi theo với tới Hàm Rồng
Để được thăm mảnh đất anh hùng
Nơi đã dạn dày trong lửa đạn...

Hàm Rồng ơi ngoan cường dũng cảm
Có núi Ngọc hiên ngang trấn giữ đầu cầu
Ngày mồng ba ta đánh thắng trận đầu
Có công lớn của hai chàng trai trên núi Ngọc

Suốt cả ngày địch oanh tạc Hàm Rồng liên tục
Chẳng lúc nào ngừng đánh phá mà lên
Để tiếp cho hai anh nước uống và cơm
Đành nhịn đói suốt ngày vượt qua cơn khát

Bao lần bom giội đỉnh núi khói bay mù mịt
Tưởng hai người không còn...nhưng bỗng giội lên
Những loạt đạn bắn thẳng máy bay giặc Mỹ

Đã mấy lần bị bom vùi như thế
Nhưng hai người vẫn đội đất chui lên
Bởi họ là những chàng thanh niên
Là bộ đội địa phương Thanh Hóa

Suốt cả ngày súng hai anh nổ đều giòn giã
Bắn vỗ mặt thù giữ cây cầu được bình yên
Chiến công này đáng được nêu tên
Là tấm gương kiên cường dũng cảm...

Núi Ngọc hiên ngang chặn đứng những lần oanh tạc
Hàm Rồng ơi...Mãi mãi tự hào!...

Hôm sau máy bay Mỹ vẫn đánh phá Hàm Rồng suốt từ sáng đến chiều. Nhưng ta đã kịp thời bố trí thêm lực lượng ở núi Ngọc và bờ bắc, nên không bị bất ngờ như ngày mồng ba.

Sau trận chiến đấu này, Hàm Rồng đã làm khiếp vía lũ phi công, cũng là niềm tự hào của cả Hàm Rồng - Thanh Hóa.

Cuộc chiến chống lại bọn không lực Hoa Kỳ ngày càng can go và ác liệt. Nhưng với lòng yêu nước, niềm tự hào là anh lính Cụ Hồ, mà cầu Hàm Rồng vẫn luôn được bảo vệ suốt cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đó là E228. Trong đó có D1 pháo cao xạ 37 ly mà cuối năm 1966 tôi về làm lính báo vụ.

Cụm pháo Hàm Rồng là nỗi khiếp đảm với không lực Hoa Kỳ. Hàm Rồng được Mỹ đánh giá là cụm phòng không mạnh nhất thế giới.

Phạm Huy Liệu

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/an-ninh-quoc-phong/202203/bao-ve-cau-ham-rong-trong-mua-bom-bao-dan-4494faf/