Bảo vệ cây cầu trăm tuổi

Theo các cơ quan chức năng, hiện nay khoảng tĩnh không của cầu Rạch Cát (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) không còn phù hợp, chỉ đạt khoảng 2m. Thời điểm khi thủy triều lên chỉ còn hơn 1m, do vậy không thể đáp ứng giao thông đường thủy trên địa bàn.

Cầu Rạch Cát (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) chỉ có 1 làn dành cho xe 2 bánh. Ảnh: Thanh Hải

Cầu Rạch Cát (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) chỉ có 1 làn dành cho xe 2 bánh. Ảnh: Thanh Hải

Thời gian qua, nhiều vụ tàu, thuyền, sà lan lưu thông vào khu vực này đã đâm, va vào trụ, thành cầu đe dọa đến sự an toàn của cây cầu trăm tuổi nói trên.

* Nguy cơ bị tàu, thuyền đâm, va trụ cầu

Cũng giống như cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát do kỹ sư tài ba người Pháp G.Eiffel thiết kế. Sau khoảng 2 năm thi công, cầu hoàn thành vào năm 1903 với chiều dài hơn 125m được phân bố thành 3 nhịp. Các nhịp cầu, dầm cầu gắn kết với nhau không phải bằng những bu-lông hay mối hàn mà toàn bằng từng chiếc đinh tán thủ công; thậm chí chân trụ mố cầu cũng được xây thủ công bằng đá hiện đang có dấu hiệu xuống cấp.

Cầu Rạch Cát có tuổi đời gần 120 năm nên hiện nay khoảng tĩnh không của cầu không còn phù hợp, chỉ đạt khoảng 2m, khi thủy triều lên chỉ còn hơn 1m, do vậy không thể đáp ứng giao thông đường thủy trên địa bàn. Những phương tiện đường thủy lớn bị cấm lưu thông qua đây, tuy nhiên không ít tàu thuyền không chấp hành theo quy định.

Kể từ khi “anh em” song sinh của mình là cầu Ghềnh bị sà lan đâm sập vào tháng 3-2016, nguy cơ mất an toàn luôn hiện hữu trên cầu Rạch Cát. Nhiều người khi lưu thông qua cây cầu cũ này không khỏi lo lắng. Nhất là khi các phương tiện đường thủy lớn cố tình đi qua rồi đâm va vào các trụ cầu, thành cầu đã xuống cấp thời gian qua.

Vào khoảng 10 giờ ngày 16-5-2018, tàu chở hàng lưu thông chậm từ sông Đồng Nai về làng bè sông Cái do không đảm bảo chiều cao nên bị kẹt dưới dạ cầu Rạch Cát. Chủ tàu nhanh chóng hạ số hàng hóa xuống thấp, neo lại chờ nước xuống mới có thể vượt qua.

Mới đây, vào chiều tối 5-12, sà lan DT-25683, công suất 350CV, trọng tải hơn 500 tấn do ông Nguyễn Văn Bế (thuyền trưởng, quê TP.Cần Thơ) điều khiển theo hướng từ cầu Đồng Nai đi cầu Hóa An (trên sà lan không chở hàng). Khi đến khu vực cầu Rạch Cát thì ông Bế phát hiện phần cabin không qua lọt nên điều khiển sà lan lùi lại nhưng không được. Vì vậy, người này đã cho neo đậu dưới trụ cầu để tránh va chạm với cầu.

Mặc dù phương tiện này chưa xảy ra va chạm với cầu Rạch Cát, nhưng vào thời điểm nước dâng cao dẫn đến mắc kẹt dưới cầu. Điều đáng nói, sau khi gây ra sự cố trên, chủ sà lan không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Người điều khiển phương tiện không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng (bị Thủy đoàn II-CO8 tạm giữ do vi phạm giao thông và đã hết hạn), không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng (bị Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh An Giang tạm giữ do vi phạm giao thông và đã hết hạn).

* Cần biện pháp đảm bảo an toàn

Theo lãnh đạo Sở GT-VT, cầu Rạch Cát được làm bằng thép có “tuổi thọ” gần 120 năm và hiện đã xuống cấp rất nhiều, mặt cầu yếu khó tiếp tục khai thác lâu dài. UBND tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Bộ GT-VT nghiên cứu nâng cấp hoặc xây mới vì cầu đã quá “già cỗi” nhằm tránh xảy ra các sự cố đáng tiếc như đã từng xảy ra với cầu Ghềnh.

Trong đó, làm thêm làn xe thô sơ cho người dân đi lại thuận tiện hơn bởi xe 2 bánh qua cầu này hiện chỉ đi được một chiều. Tuy nhiên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã khảo sát đánh giá lại sức chịu lực của cầu Rạch Cát rất yếu nên không thể làm 2 làn xe như cầu Ghềnh hiện nay.

Tại buổi làm việc với Đồng Nai vào năm 2019, Bộ GT-VT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu các phương án xây dựng cầu Rạch Cát. Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể cho rằng, đây là tuyến giao thông huyết mạch của ngành Đường sắt và là cầu nằm trong đô thị nên cần xem xét mọi khía cạnh kỹ càng, xây mới khi cần thiết, không được phép để xảy ra sự cố.

Mới đây nhất, cuối tháng 10-2020, tại buổi làm việc với Hội đồng thẩm định đồ án quy hoạch xây dựng tỉnh để nghe báo cáo về đồ án quy hoạch phân khu A4 P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu đơn vị tư vấn bổ sung vào quy hoạch để xây dựng cầu đường bộ song song với cầu đường sắt Rạch Cát.

Theo đó, việc bổ sung quy hoạch và xây dựng cầu đường bộ song hành với cầu Rạch Cát (nằm bên trái cầu Rạch Cát theo hướng từ P.Thống Nhất qua P.Hiệp Hòa) sẽ góp phần giảm tải lượng phương tiện lưu thông, qua đó giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại khu vực cầu Hiệp Hòa.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, thời gian qua, đơn vị đã xử lý tăng cường toàn bộ mặt cầu, mố trụ và làm hệ trụ chống va cầu Rạch Cát để đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố va xô. Đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan, lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm cảnh báo, điều khiển từ xa, không cho phương tiện thủy lưu thông qua cầu Rạch Cát mà không đúng quy định về luồng, tuyến…

Thanh Hải

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202012/bao-ve-cay-cau-tram-tuoi-3034702/