Bảo vệ chung cư Gold View trấn áp ẩu đả: Có quyền rút súng hay không?
Lực lượng bảo vệ chung cư Gold View rút súng thị uy để trấn áp vụ ẩu đã khiến dư luận băn khoăn về việc lượng lực này có quyền sử dụng súng hay không và được sử dụng trong tình huống nào?
Vụ ẩu đả giữa hai nhóm người tại chung cư Gold View (TP.HCM) rạng sáng 8/9 khiến lực lượng an ninh của tòa nhà này phải rút súng (công cụ hỗ trợ) để thị uy, trấn áp đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Đại diện công an quận 4 cho biết, lực lượng an ninh chung cư rút súng công cụ hỗ trợ, được cấp phép sử dụng, tuy nhiên, dư luận băn khoăn: Lực lượng bảo vệ tòa nhà có quyền dùng súng công cụ hỗ trợ hay không và trường hợp nào thì được rút súng?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, từ trước năm 2013, Chính phủ đã cho phép 12 đối tượng sử dụng công cụ hỗ trợ, trong đó có cả tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
Tại thời điểm đó, việc mua những công cụ hỗ trợ này khá đơn giản nhưng để đủ điều kiện sử dụng thì rất khó. Mỗi viên đạn, khẩu súng, bình xịt, roi điện... đều có đánh dấu mã số phải đăng ký với cơ quan quản lý. Nhân viên bảo vệ trực tiếp sử dụng phải có chứng chỉ đào tạo. Khi sử dụng công cụ hỗ trợ phải khai báo với cơ quan quản lý. Định kỳ thì các cơ quan chức năng cũng sẽ kiểm tra công tác cất giữ, bảo quản tại các công ty bảo vệ.
Mới đây, Bộ Công an cũng ban hành Thông tư 17/2018/TT-BCA về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, dự kiến có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.
Theo quy định tại khoản 3, điều 9 của Thông tư 17/2018/TT-BCA, quy định lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được xem xét trang bị loại công cụ hỗ trợ.
Tuy nhiên, đối với lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được xem xét trang bị loại công cụ hỗ trợ thuộc các loại sau: dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao.
Như vậy, trong trường hợp này, lực lượng bảo vệ chung cư không được dùng súng công cụ hỗ trợ.
Luật sư Diệp Năng Bình cho hay, theo quy định, lực lượng bảo vệ được phép dùng súng bắn điện, súng bắn đạn nổ, cao su, hơi cay và đạn sử dụng cho các loại súng này… trong trường hợp bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tại cơ quan nhà nước; mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, văn hóa, xã hội; trên tàu hỏa; ngân hàng; bệnh viện; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh vàng, đá quý, ngoại hối, tiền Việt Nam.
Tuy nhiên việc trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ, trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật, phải khai báo với cơ quan chức năng. Nghiêm cấm việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: đe dọa, uy hiếp người khác, gây thương tích, tốt hại sức khỏe cho người khác...
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ bị hạn chế trong các tình huống mà pháp luật quy định nhằm bảo vệ mục tiêu, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ngăn chặn những hành vi tấn công, sử dụng bạo lực đối với người khác...
“Trong trường hợp bảo vệ chung cư này có đăng ký sử dụng súng bắn đạn cao su (công cụ hỗ trợ) có sự quản lý nhà nước về công cụ hỗ trợ này và khi thực hiện nhiệm vụ có tình huống xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác trong phạm vi bảo vệ thì người này có quyền sử dụng khẩu súng này để trấn áp, khống chế, bắt giữ đối tượng để giao cho cơ quan chức năng xử lý”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.