Bảo vệ cộng đồng từ môi trường không khói thuốc

Hút thuốc lá không được khuyến khích bởi độc hại và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, tỷ lệ người hút thuốc lá vẫn cao, không chỉ nam giới mà cả nữ giới và trẻ vị thành niên. Theo những con số đã được công bố, Việt Nam đang trong nhóm quốc gia có số người hút và nghiện hút thuốc lá cao trên thế giới. Vì vậy, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền thì tăng cường các giải pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá, bảo vệ sức khỏe nhân dân luôn được các cơ quan quản lý và đơn vị chức năng trong tỉnh quan tâm, chú trọng triển khai.

Cộng đồng cùng vào cuộc

Không chết đột ngột như tai nạn giao thông, cũng không ám ảnh, bàng hoàng như khi phát hiện nhiễm HIV hay ung thư…, vì vậy người hút thuốc lá hằng ngày vẫn thản nhiên nạp hơn 7.000 chất độc vào cơ thể. Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính. Thế nhưng, vẫn có rất nhiều lý do để người hút thuốc lá viện dẫn cho hành vi của mình. Anh N.V.S, lái xe khách tuyến Bình Phước - TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Áp lực khi lái xe, thức khuya khiến tôi căng thẳng, có ngày hút tới 2 gói. Mặc dù đã thử bỏ thuốc lá nhiều lần nhưng tôi vẫn… chưa thành công.

Cán bộ Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế kiểm tra, giám sát tình hình thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Trung tâm Y tế thị xã Phước Long

Cán bộ Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế kiểm tra, giám sát tình hình thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Trung tâm Y tế thị xã Phước Long

Qua khảo sát công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Trung tâm Y tế TX. Phước Long, thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị này tiếp nhận 646 lượt bệnh nhân liên quan đến các bệnh hen, viêm phổi, tắc nghẽn mạn tính (COPD)... tuy nhiên, chưa có thống kê cụ thể bệnh do hút thuốc lá gây ra. Tại khuôn viên của trung tâm, nhiều người thân của bệnh nhân trong thời gian chờ đợi vẫn lấy thuốc lá ra hút như thói quen. Chỉ đến khi có người đi qua nhắc nhở mới tắt thuốc. “Để hạn chế hút thuốc lá, trung tâm đã dán nhiều bảng cấm hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện và tại các khoa, phòng. Dù vậy, vẫn còn tình trạng bệnh nhân và người nhà lén hút thuốc lá, nhân viên y tế chỉ có thể nhắc nhở chứ không thể xử phạt” - chị Ngô Thị Liễu, Tổ truyền thông - giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế TX. Phước Long chia sẻ.

Trong 4 nguyên nhân gây tử vong cao thì hút thuốc lá đứng thứ 2 sau HIV. Người nghiện thuốc lá có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5-10 lần so với người không hút thuốc lá. Khói thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên 25-30%, bệnh phổi lên 25% và tăng nguy cơ đột quỵ lên 82%. Đây cũng là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của 40.000 người Việt Nam mỗi năm.

Còn tại các bến xe khách, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng được quan tâm, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên và hành khách đi xe. Ông La Ngọc Phú, Trưởng Chi nhánh Bến xe Thành Công, TX. Phước Long cho biết: Công ty đã triển khai quy định hạn chế hút thuốc lá trong giờ làm việc và không hút thuốc lá trong khu nhà kín. Tại các quầy bán vé, phòng chờ của bến xe đều gắn biển cấm hút thuốc lá. Nhờ vậy, lái xe và hành khách đã ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường không khói thuốc tại phòng làm việc, phòng chờ và trên các phương tiện.

Bỏ hút thuốc lá trước khi quá muộn

Thời gian qua, các cấp lãnh đạo, sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để xây dựng môi trường không khói thuốc lá. Ngành y tế đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện tốt Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá với nội dung phong phú, đa dạng, thiết thực dưới nhiều hình thức như: Tuyên truyền lưu động, nói chuyện chuyên đề, hội thi, tọa đàm, pa-nô, lắp đặt nhiều bảng “cấm hút thuốc lá” ở trụ sở làm việc, trong trường học, bệnh viện, nơi công cộng...; tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá hằng năm, nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Việc kiểm soát bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi chưa thực hiện được; tình trạng người dân hút thuốc lá ở những nơi có biển cấm, nơi công cộng vẫn còn nhiều.

Bác sĩ Bạch Sỹ Long, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, phụ trách chương trình phòng, chống thuốc lá Bình Phước cho rằng: Tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tuy nhiên phòng, chống tác hại của thuốc lá không phải là việc một sớm, một chiều mà đòi hỏi phải diễn ra thường xuyên và lâu dài. Việc thực thi quy định xử phạt hành chính hành vi hút thuốc lá nơi công cộng cần thực chất, đủ sức răn đe. Đặc biệt, vấn đề cốt lõi trong phòng, chống tác hại của thuốc lá không có biện pháp nào hiệu quả hơn là nhận thức của mỗi người.

Ông Nguyễn Văn Duy ở thôn 2, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập từng nghiện hút thuốc lá nhiều năm, ai khuyên cũng không bỏ. Chỉ đến khi nhận ra sức khỏe suy giảm, ông mới quyết định bỏ hút thuốc lá. “Tôi hút thuốc lá từ thời còn thiếu niên đến nay đã ngoài 60 tuổi. Trước đây, cứ ngủ dậy là cầm điếu thuốc lên hút, từ khi bị tai biến, sau đó là dịch tràn phổi phải đi điều trị tại bệnh viện thời gian dài, tôi đã quyết định bỏ thuốc lá. Giờ sức khỏe của tôi đã ổn định, tăng cân và không bị khó thở như trước nữa” - ông Duy chia sẻ về những thay đổi tích cực của bản thân sau khi bỏ thuốc lá.

Hút thuốc có hại cho cả người hút lẫn người phơi nhiễm khói thuốc lá, thế nhưng tình trạng hút thuốc nơi công cộng vẫn rất phổ biến. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ năm 2013, mức xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng cũng đã có, nhưng việc xử lý rất khó do thời gian diễn ra nhanh, người vi phạm đông, trong khi lực lượng giám sát, xử phạt còn “mỏng”.

Qua kiểm tra công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh, Thạc sĩ Bùi Thị Thu Hà, phụ trách Trung tâm Tư vấn cai nghiện thuốc lá và hỗ trợ cộng đồng, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế nhận định: “Một trong những hạn chế của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá là mặc dù đã có nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi hút thuốc lá ở khu vực cấm nhưng công tác thanh, kiểm tra còn hạn chế, không có lực lượng thanh tra chuyên ngành. Vì vậy, giải pháp vẫn là tập trung tuyên truyền và cần sự quan tâm, tham gia tích cực của các cấp, đặc biệt người đứng đầu phải thực sự quyết liệt thì mới đạt hiệu quả”.

Không dễ để thay đổi một thói quen, dù đó là thói quen xấu, cũng không thể cấm tuyệt đối hành vi hút thuốc lá. Nhưng để xây dựng môi trường sống không khói thuốc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, cần có những biện pháp cứng rắn hơn nhằm ngăn ngừa tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng, mạnh tay xử phạt những người vi phạm chứ không đơn thuần chỉ là nhắc nhở.

Ngân Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/141359/bao-ve-cong-dong-tu-moi-truong-khong-khoi-thuoc