Hà Nội: Quyết liệt ngăn chặn vi phạm trên thương mại điện tử
Thành phố Hà Nội thể hiện sự quyết tâm trong việc ngăn chặn vi phạm trên thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo báo cáo từ Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, trong 8 tháng năm 2024, cơ quan này đã tiến hành tổng kiểm tra 3.688 vụ việc, xử lý thành công 3.572 vụ vi phạm, thu về cho ngân sách nhà nước hơn 68 tỷ đồng.
Vi phạm chủ yếu được ghi nhận liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, cũng như các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ thương mại điện tử, hành vi vi phạm trên các nền tảng này càng trở nên phức tạp. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức lợi dụng môi trường trực tuyến để kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, nhấn mạnh rằng lực lượng chức năng đã và đang chủ động tiến hành kiểm tra theo các kế hoạch chuyên đề, định kỳ và đột xuất nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Các chiến dịch rà soát tập trung vào những điểm nóng về gian lận thương mại và buôn bán hàng giả, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại điện tử - một trong những lĩnh vực đang trở thành mối lo ngại lớn do tính chất khó kiểm soát.
Trong số 3.572 vụ vi phạm được xử lý, có 38 vụ đã được chuyển sang cơ quan điều tra để tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật. Đây là minh chứng cho sự quyết liệt của Hà Nội trong công tác đấu tranh chống lại các hành vi gian lận, buôn lậu và hàng giả mạo, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đặc biệt, theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong 8 tháng năm 2024, lực lượng đã tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực thương mại điện tử và phát hiện nhiều vi phạm. Các đối tượng thường xuyên thay đổi các hành vi vi phạm, chuyển kho hàng hóa về những địa điểm xa khu dân cư, đô thị để trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Điển hình, chiều tối ngày 18/12/2023, Đội Quản lý thị trường số 9 – Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp cùng Công an phường Bưởi và Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường – Công an quận Tây Hồ đột kích bất ngờ vào một kho chứa hàng nằm khuất sâu trong ngõ 218 đường Lạc Long Quân, cụ thể tại Số 53A, ngách 53, ngõ 218 đường Lạc Long Quân, phường Bưởi, Quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Tại đây lực lượng chức năng đã phát hiện có 7.555 sản phẩm hàng hóa gồm loa, tai nghe, robot hút bụi, đồng hồ thông minh gắn các nhãn hiệu Hitachi; Daikin; Marshall; Samsung là hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tại cơ sở lực lượng chức năng còn phát hiện còn có các vỏ hộp, thẻ bảo hành, tem nhãn gắn tên của các thương hiệu nổi tiếng trên. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện tại cơ sở có 1.800 chai dầu gội OKANEN. Ước tính giá trị tổng số hàng hóa là trên 4 tỷ đồng.
Tiếp đến, ngày 25/12/2023, Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp kiểm tra địa điểm kinh doanh, tập kết hàng hóa tại địa chỉ căn U04-L01 Khu đô thị mới Dương Nội, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông thuộc sở hữu của bà Nguyễn Hoàng Mai Ly, phát hiện, tạm giữ số lượng hàng hóa gồm 126.603 sản phẩm thuộc 242 chủng loại hàng hóa các loại. Số hàng hóa này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, tính hợp pháp của hàng hóa. Trị giá hàng hóa vi phạm xác định 20,1 tỷ đồng. Đây là vụ việc vi phạm điển hình trong kinh doanh trên thương mại điện tử có tính chất, quy mô phức tạp. Vụ việc đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý.
Vào ngày 2/1/2024, Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp với Công an thành phố kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Hữu Cương 89 (địa chỉ: số 40, ngõ 300B đường Nguyễn Xiển, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều), phát hiện thu giữ 19.497 sản phẩm mỹ phẩm các loại. Vụ việc đã được Cục Quản lý thị trường thành phố trình UBND thành phố Hà Nội ra quyết định xử phạt và tiêu hủy toàn bộ hàng hóa. Hay ngày 3/1/2024, Đội Quản lý thị trường số 11 phối hợp với Công an quận Hà Đông khám 2 xe ô tô đang dừng đỗ tại địa chỉ 15 Ngô Thì Nhậm, phường Quang Trung, quận Hà Đông), phát hiện hàng ngàn sản phẩm nước giặt, dầu gội không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Rejoice và D-nee và chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hà Đông để tiếp tục điều tra làm rõ. Ngày 23/5, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Ngày 05/6/2024, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 10 đã phối hợp cùng Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an huyện Sóc Sơn tiến hành kiểm tra bất ngờ tại địa điểm kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế, tọa lạc tại số 4, Kho Lăng, Quốc lộ 2, thôn Đoài, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội (trước đây là số 4 dốc Tân Thượng, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn). Địa điểm này do ông Nguyễn Ngọc Cương làm Giám đốc điều hành. Qua bước kiểm tra ban đầu, lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn hàng hóa thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau được lưu trữ tại đây, bao gồm các mặt hàng điện tử, thời trang và đồ gia dụng. Đáng chú ý, đoàn kiểm tra ghi nhận khoảng 2.000 thiết bị như máy tính bảng và điện thoại di động, cùng với các sản phẩm khác như thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo – tất cả đều có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, các sản phẩm này cũng không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định. Do số lượng hàng hóa quá lớn, đến chiều ngày 06/6/2024, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra và phân loại hàng hóa có dấu hiệu vi phạm, nhằm tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.
Việc kịp thời ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm không chỉ góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, mà còn khuyến khích các tổ chức, cá nhân kinh doanh tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho thị trường thương mại điện tử phát triển bền vững.
Với những kết quả đạt được trong 8 tháng qua, Hà Nội đã thể hiện rõ cam kết trong việc tăng cường quản lý thị trường, đặc biệt là trên các nền tảng trực tuyến. Đây là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực xây dựng thị trường minh bạch.