Bảo vệ đàn heo tránh bệnh dịch tả heo châu Phi
Theo thống kê của ngành chuyên môn, bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đã được phát hiện tại 13/13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, đã tiêu hủy hơn 6.200 con heo. Riêng tại tỉnh Sóc Trăng, tính đến cuối tháng 10, DTHCP xảy ra tại 9/11 huyện, thị xã, thành phố, với tổng số 31 ổ dịch, số con chết và tiêu hủy là trên 1.000 con, tổng trọng lượng gần 60.000kg; có 8 ổ dịch qua 21 ngày, 23 ổ dịch chưa qua 21 ngày.
Bệnh DTHCP là dịch bệnh rất nguy hiểm đối với heo, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp, do chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh, cùng với thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, mưa nhiều nên dịch bệnh tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Tính đến cuối tháng 10-2021, bệnh DTHCP xảy ra tại 31 hộ chăn nuôi, thuộc 27 ấp của 21 xã tại các địa phương: Châu Thành, Long Phú, Kế Sách, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Trần Đề, TX. Vĩnh Châu, TX. Ngã Năm và TP. Sóc Trăng. Theo ngành chuyên môn, bệnh DTHCP xảy ra do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do nhận thức của phần lớn các hộ chăn nuôi về sự nguy hiểm của bệnh DTHCP, chưa đảm bảo an toàn sinh học, chăn nuôi heo đan xen trong các khu dân cư, nên heo giống mua về không có nguồn gốc rõ ràng, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển của cơ quan thú y; một số hộ sử dụng trực tiếp thức ăn cho heo từ nguồn thức ăn thừa thu gom tại các nhà hàng, bếp ăn của khu công nghiệp mà không qua xử lý nhiệt; sử dụng nước ao, hồ, kênh, mương chưa qua xử lý để tắm cho heo, cho heo uống, do ổ dịch cũ tái phát, việc tiêu hủy heo mắc bệnh chưa đúng quy định...
Đồng chí Hồng Minh Nhật - Trưởng Phòng Kinh tế TX. Ngã Năm thông tin: “Theo nhận định, một trong những nguyên nhân bệnh DTHCP xảy ra là trong thời điểm giá heo tăng cao, một số hộ dân tranh thủ tái đàn heo nên mua heo giống trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn dịch bệnh và hộ dân chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, chuồng nuôi thường xây dựng kế nhà ở nên khó khăn cho phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, trong thời gian tới, để hỗ trợ người chăn nuôi heo cũng như việc phòng, chống DTHCP hiệu quả hơn nữa, Phòng Kinh tế TX. Ngã Năm đề xuất ngành Nông nghiệp tỉnh chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm đàn heo 1 lần/tháng, nhằm kịp thời phát hiện xử lý dịch bệnh trên heo, nhất là DTHCP, chủ động sản xuất giống heo cung cấp cho hộ chăn nuôi, đặc biệt là kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) hỗ trợ xây dựng kho cấp đông, mua heo dự trữ khi giá heo xuống thấp như hiện nay, để giúp người chăn nuôi bớt thiệt hại về giá, cũng như bình ổn thị trường khi giá heo tăng cao”.
Đồng chí Trương Văn Đúng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng cho biết, bệnh DTHCP đã xảy ra tại một số địa phương, trên địa bàn tỉnh và nhận định tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong các tháng còn lại của năm. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh và địa phương sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh DTHCP trên đàn heo, bởi đây là dịch bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa. Vì vậy, giải pháp trước mắt và lâu dài là các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh DTHCP trên địa bàn tỉnh, về quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện dịch bệnh, đặc biệt khuyến cáo người dân khi phát hiện đàn heo mắc bệnh không được giấu dịch và vứt xác heo bệnh ra môi trường, làm ảnh hưởng đến môi trường sống và làm lây lan dịch bệnh.
“Đồng thời, các địa phương kích hoạt lại ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh để công tác phòng, chống dịch được tốt hơn, xuyên suốt hơn; xây dựng kinh phí phòng, chống dịch và chỉ đạo trạm thú y khẩn trương thực hiện tháng tiêu độc khử trùng theo kế hoạch của Sở NN-PTNT ban hành nhằm khống chế dịch bệnh nhanh nhất và hiệu quả nhất. Kiểm tra, thống kê tổng đàn heo tại địa phương thật chặt; khuyến cáo người dân thực hiện tốt “5 không” trong chăn nuôi. Kiểm soát chặt chẽ từ việc vận chuyển heo ra, vào tỉnh, công tác giết mổ đến buôn bán; thông tin kịp thời khi có dịch bệnh trên đàn heo xảy ra về Chi cục Chăn nuôi và Thú y để phối hợp dập dịch nhanh, tránh dịch lây lan” - đồng chí Trương Văn Đúng cho biết thêm.