Bảo vệ đàn vật nuôi trước thiên tai

Thái Nguyên vừa trải qua những đợt mưa lũ và phải chịu nhiều thiệt hại khá nặng nề. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 chuồng trại chăn nuôi bị ảnh hưởng, trên 3.000 con gia súc, gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi. Nguy cơ xảy ra mưa lũ, ngập úng vẫn tiếp diễn trong 2 tháng tới, có thể gây ảnh hưởng đến đàn vật nuôi. Trong khi đó, hiện nay, nhiều hộ dân đã bắt đầu tái đàn hoặc mở rộng quy mô chăn nuôi để phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán 2025. Do đó, vấn đề bảo vệ đàn vật nuôi trước thiên tai là khá bức thiết.

Chăm sóc tốt cho đàn vật nuôi cũng là biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Trong ảnh: Một mô hình chăn nuôi lợn áp dụng quy trình chuồng trại chăn nuôi sạch tại xóm Đức Hòa, xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên).

Chăm sóc tốt cho đàn vật nuôi cũng là biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Trong ảnh: Một mô hình chăn nuôi lợn áp dụng quy trình chuồng trại chăn nuôi sạch tại xóm Đức Hòa, xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 95.000 con trâu, bò, 600.000 con lợn và 16 triệu con gia cầm; chăn nuôi quy mô trang trại chiếm 43% trong tổng đàn gia súc, gia cầm. Chất lượng đàn gia súc, gia cầm được nâng cao, tỷ lệ đàn lợn ngoại, lợn lai có năng suất, chất lượng cao đạt 76% trong tổng đàn; đàn bò lai Zebu và các giống bò chất lượng cao đạt 68% trở lên; đàn gà lông màu có chất lượng đạt 86% trong tổng đàn.

Từ nhiều năm nay, chăn nuôi chiếm vị trí quan trọng, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong tỉnh. Vì vậy, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm luôn là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành chức năng và người chăn nuôi.

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cho biết: Trong điều kiện thời tiết bất thường như hiện nay, nhất là khi xảy ra mưa lũ, không chỉ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập úng, khan hiếm thức ăn, đàn vật nuôi còn dễ bị phát sinh dịch bệnh (bởi khi mưa to có thể gây ngập úng cục bộ hoặc ngập lụt trên diện rộng, tạo cơ hội phát tán mầm bệnh).

Thực tế cho thấy, tại Thái Nguyên, từ tháng 8 đến hết tháng 10 thường có các đợt mưa to kéo dài gây ngập úng cục bộ. Bởi vậy, hiện nay, tỉnh đang tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, không để dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tái bùng phát.

Theo đó, tỉnh đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại các địa phương, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Lực lượng nhân viên thú y tăng cường hướng dẫn bà con nông dân cách chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm; thông tin, tuyên truyền để bà con chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; chủ động tiêm phòng, định kỳ tiêm bổ sung các loại vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm mới theo đúng quy định...

Đặc biệt, tại các vùng nguy cơ (nhất là tại các xã Tràng Xá, Dân Tiến, huyện Võ Nhai, nơi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi hồi tháng 5 vừa qua), Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã chỉ đạo triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp chống dịch. Cụ thể là giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi; chủ động lấy mẫu để giám sát, chẩn đoán, xác minh dịch bệnh; tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh, bị chết và cách ly, điều trị vật nuôi bị ốm, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi (ngay khi phát hiện các ổ dịch)...

Đến nay, đàn vật nuôi cơ bản an toàn khi các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi) đã được khống chế và công bố hết dịch. Mặc dù vậy, để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin dự báo thời tiết hằng ngày và tăng cường chăm sóc đàn gia súc, gia cầm thật tốt để nâng cao khả năng chống chịu đối với những tác động bất lợi của thời tiết và sự đe dọa của dịch bệnh dịp cuối năm (như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh ở lợn, lở mồm long móng, viêm da nổi cục...).

Ông Đỗ Văn Thao, một người chăn nuôi gà thả vườn với quy mô khá lớn ở xóm Long Việt, xã Bàn Đạt (Phú Bình), chia sẻ: Được sự hướng dẫn của cán bộ thú y, gia đình tôi đã tu sửa chuồng trại chắc chắn; kiểm tra hệ thống nước thải, chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm môi trường; cung cấp đủ nước sạch cho đàn gà. Đặc biệt, tôi đã dự trữ nguồn thức ăn, vật tư, thuốc thú y cần thiết cho đàn gà, phòng khi xảy ra mưa to, gió lớn; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin để đàn gà phát triển khỏe mạnh…

Để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi hiệu quả, nhất là trong mùa mưa lũ, rất cần các hộ dân thực hiện thường xuyên nhiều biện pháp, đồng thời có sự quan tâm của cộng đồng để bảo đảm an toàn dịch bệnh, giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi.

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202408/bao-ve-dan-vat-nuoi-truoc-thien-tai-660112c/