Bảo vệ di tích - cần chính quyền cơ sở vào cuộc
Để các di tích trên địa bàn tỉnh không bị xâm hại, xuống cấp, thì ngoài trách nhiệm của ngành văn hóa, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của chính quyền cơ sở và người dân.
Di tích ở Hải Dương bị xâm hại chỉ là cá biệt song vẫn xảy ra khiến giá trị của di sản bị ảnh hưởng và khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc quan tâm, bảo vệ.
Cách đây chưa lâu, đình cổ Tự Đông ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) "bị" các đoàn viên thanh niên vẽ bích họa kín một phần đầu và bức tường phía ngoài để hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2022. Việc làm thể hiện nhiệt huyết, mang mục đích tốt đẹp của thanh niên là làm đẹp cho quê hương, song thực hiện không đúng nơi, đúng chỗ. Sau khi hoàn thành tác phẩm, một số đoàn viên còn đăng hình ảnh trên lên Facebook khiến thông tin lan truyền rộng rãi và nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở khi để xảy ra sự việc này.
Về giá trị di tích, đình Tự Đông là ngôi đình thời Lê còn rất hiếm ở TP Hải Dương, lúc đầu chỉ là một bệ thờ nhỏ. Qua quá trình lịch sử lâu dài, ngôi đình đã được tu sửa nhiều, nhưng hiện vẫn giữ được kiến trúc căn bản của thời Lê (thế kỷ XVIII). Với giá trị lớn về mặt lịch sử, nghệ thuật, việc vẽ lên đình Tự Đông (mặc dù sau đó đã được xóa đi) đã khiến nhiều người tiếc nuối, thậm chí bức xúc. Một người dân ở gần đó cho biết việc đăng tải hình ảnh đình bị vẽ lên mạng xã hội càng cho thấy nhận thức về việc bảo tồn di tích của những người thực hiện chưa ổn. Không rõ cấp ủy, chính quyền phường có biết không hay biết nhưng không kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn? Ngay sau khi báo chí phản ánh và thông tin lan truyền trên mạng xã hội, phường Cẩm Thượng đã cho sơn lại các mảng tường bị vẽ lên.
Sự việc nêu trên chỉ là một ví dụ cho việc chính quyền cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ di tích. Các di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng hoặc nghệ thuật tồn tại đến ngày nay do công sức của rất nhiều thế hệ và của ngành văn hóa các cấp. Song với trách nhiệm của mình, chính quyền cơ sở cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Bởi lẽ hơn ai hết, chính các di sản này là niềm tự hào của các địa phương.
Trong tháng 3, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã có các cuộc đi thực tế nhiều di tích tại các huyện Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Nam Sách và làm việc với ngành văn hóa về việc tu bổ, tôn tạo di tích. Chương trình này được đánh giá là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, cho thấy các di sản ngày càng được quan tâm hơn.
Cẩm Giàng là một trong 3 địa phương có Ban Quản lý di tích cấp huyện cùng với thị xã Kinh Môn, TP Chí Linh. Đây cũng là địa phương có các di tích quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền và cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia. Ngoài ra, huyện còn có trên 250 di tích được kiểm kê gồm: đình, đền, chùa, nghè, di tích cách mạng, cầu đá giếng cổ... Để bảo vệ các di tích, huyện đã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa, giai đoạn 2021-2025”. Hằng năm, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo huyện luôn xây dựng kế hoạch kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo các xã, thị trấn về thực hiện công tác tôn giáo, tu bổ di tích, tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện. Nhờ đó chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra liên quan đến xâm phạm di sản.
Theo số liệu tổng kiểm kê di tích năm 2017 - 2018, toàn tỉnh có 3.199 di tích, bao gồm các loại hình: đình, đền, nghè, lăng mộ, nghè quán, văn chỉ, mộ cổ. Trong đó có 4 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt gồm: khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh), quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn), Văn miếu Mao Điền và cụm di tích đền Xưa - chùa Giám - đền Bia (Cẩm Giàng), 142 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 255 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Nhiều di tích có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Với số lượng di tích khổng lồ và trải dài ở các địa phương nói trên, trách nhiệm bảo vệ không chỉ của ngành văn hóa mà cần sự vào cuộc tích cực hơn của chính quyền cơ sở và người dân.
Ngày 31.3, tại buổi làm việc của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa cũng nhấn mạnh về trách nhiệm của chính quyền các địa phương. Tại buổi làm việc này, đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh tham dự, đã có những gợi mở và đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu tham mưu cho tỉnh có chỉ thị hoặc tổ chức hội nghị quán triệt, tuyên truyền cho lãnh đạo các cấp nâng cao nhận thức về văn hóa, trong đó có phát huy giá trị, bảo tồn, tu bổ và bảo vệ di tích.