Bảo vệ giáo viên khỏi bạo lực học đường
Vừa qua, một phụ huynh nam đã mang dao xông vào tận lớp của con học ở Trường tiểu học Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) để hành hung giáo viên chủ nhiệm. Ngay sau đó, công an phường đã đến khống chế, áp giải người này lên trụ sở. Điều đáng nói, người này thực hiện hành vi trong tình trạng có men rượu.
Vấn nạn bạo lực học đường với liên tiếp những vụ việc xảy ra gây nhức nhối dư luận xã hội. Không chỉ xảy ra với học sinh mà nhiều vụ việc xảy ra với cả giáo viên. Phụ huynh ngang nhiên xuống tay với người đang ngày ngày dạy dỗ, truyền thụ kiến thức cho chính con em mình là một thực tế đáng buồn.
Trước đó, vụ việc phụ huynh vào trường dọa chém giáo viên, bắt hiệu trưởng quỳ xin lỗi xảy ra tại Trường tiểu học Sơn Lâm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) từng gây xôn xao dư luận. Hay câu chuyện phụ huynh đánh giáo viên nhập viện” xảy ra tại Trường tiểu học và THCS Lộc Giang (huyện Đức Hòa, Long An)… Nhiều vụ việc phụ huynh học sinh “bạo lực” với thầy, cô giáo ngay tại trường học và cả những vụ việc giáo viên, hiệu trưởng bạo lực với giáo viên đã được báo chí phản ánh, đăng tải cho thấy cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ người thầy. Dù nguyên nhân là gì thì việc bạo lực ngay trong môi trường giáo dục, xảy ra với người làm giáo dục thực sự là một hình ảnh xấu không thể là tấm gương cho con trẻ.
Làm sao dạy trẻ nói không với bạo lực học đường khi chính tại ngôi trường này, tại lớp học này các em chứng kiến hành vi bạo lực? Ai sẽ bảo vệ nhà giáo, để hàng ngày lên lớp, thầy cô yên tâm giảng dạy.
Đáng lẽ phụ huynh phải là người phối hợp, bàn bạc với giáo viên trong việc dạy dỗ con cái mình nhưng hiện nay, một số phụ huynh sẵn sàng giải quyết vấn đề bằng nắm đấm. Theo GS. TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta đang bị phai nhạt, nghề giáo không còn là công việc ổn định, hấp dẫn, là “nghề cao quý” như quan niệm từ xưa bởi nhiều lý do, thậm chí trở thành nghề nguy hiểm vì đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ nhà trường, học sinh, phụ huynh và xã hội.
Để giải quyết vấn đề này, ông Dong cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng cần xử lý triệt để những vấn đề tiêu cực trong giáo dục. Chỉ khi nào trường ra trường, thầy ra thầy, thì trò mới ra trò. Giáo viên cần tôn trọng học sinh và nhận lại sự tôn trọng từ học trò và cha mẹ của các em. Với những vụ việc vi phạm, cần xử lý nghiêm để làm gương, góp phần làm trong sạch, an toàn môi trường giáo dục.
PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu thực tế, hiện nay nhiều phụ huynh quấy rối và bắt nạt giáo viên bằng lời nói chỉ trích trực tiếp, các cuộc gọi phàn nàn. Họ cũng có thể quấy rối hoặc qua văn bản (như hàng loạt tin nhắn, email đề nghị yêu cầu vô lý, đe dọa sẽ kiện lên người quản lý cấp trên), thậm chí là hành vi hung hăng, xâm hại (như hành vi đập phá đồ đạc của họ hoặc tấn công trực tiếp như trong vụ việc này)… Tất cả đều gây thêm những áp lực và cảm xúc tiêu cực lên giáo viên. Hoặc có những phụ huynh bênh vực con khi làm điều sai trái, đe dọa cả giáo viên khi con bị phê bình, nhắc nhở… Mặc dù hiện nay đã có bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường nhưng việc triển khai trong thực tiễn vẫn còn là một khoảng cách, đặc biệt là nhiều phụ huynh chưa nắm rõ được nội quy hành xử khi đến trường như phải đúng mực, tôn trọng, không bịa đặt thông tin, không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm, nắm được những gì không được làm, những gì không được mang tới trường…
Bên cạnh đó, cần phải xem xét lại vấn đề công tác an toàn ra vào trường học. Không thể để tình trạng phụ huynh mang vũ khí có thể ra vào tự do trong trường học có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của không chỉ giáo viên, cán bộ nhà trường mà ảnh hưởng tới chính các em học sinh.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bao-ve-giao-vien-khoi-bao-luc-hoc-duong-5718523.html