Bảo vệ khẩn cấp cho phụ nữ và trẻ em
Kết quả 'Khảo sát nhu cầu dịch vụ xã hội khẩn cấp cho phụ nữ bị bạo lực và trẻ em bị xâm hại' do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thực hiện vừa công bố mới đây cho thấy thực trạng giải quyết các vụ việc bạo lực phụ nữ, xâm hại trẻ em chưa đáp ứng được nhu cầu của nạn nhân; một số mô hình hỗ trợ nạn nhân chưa kịp thời…
Giải quyết “chưa thân thiện, chưa hiệu quả”
Mới đây, trong khuôn khổ thực hiện Dự án Thúc đẩy và Bảo vệ quyền trẻ em tại Việt Nam do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tài trợ, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã công bố kết quả “Khảo sát nhu cầu dịch vụ xã hội khẩn cấp cho phụ nữ bị bạo lực và trẻ em bị xâm hại” nhằm đánh giá nhu cầu, từng bước đề xuất thí điểm Mô hình trung tâm một cửa liên ngành bảo vệ khẩn cấp phụ nữ bị bạo lực giới và trẻ em bị xâm hại.
Việc khảo sát được thực hiện tại địa bàn 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bến Tre. Bà Cao Thị Hồng Vân, đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu đã chia sẻ kết quả của cuộc khảo sát, trong đó tập trung vào 5 nhóm phát hiện chính: Khung chính sách pháp luật của Việt Nam liên quan đến bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ trẻ em tương đối đầy đủ và đang tiệm cận với tiêu chuẩn pháp luật quốc tế, đảm bảo quyền con người, tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn.
Thực trạng xử lý, giải quyết các vụ việc bạo lực phụ nữ, xâm hại trẻ em ở tại các địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của nạn nhân; một số mô hình hỗ trợ nạn nhân của bạo lực giới chưa đáp ứng được yêu cầu kịp thời - liên ngành - một điểm dừng - hiệu quả; thiếu các quy định cụ thể về cơ chế phối hợp liên ngành nhằm đảm bảo tính kịp thời và hữu hiệu trong giải quyết vụ việc; cần có mô hình đáp ứng yêu cầu xử lý kịp thời - liên ngành - một điểm dừng - hiệu quả trong giải quyết vụ việc và bảo vệ nạn nhân của bạo lực giới.
“Việc tiếp nhận thông tin và giải quyết ban đầu các vụ việc bạo lực ở cấp cơ sở chưa kịp thời, chưa thân thiện và chưa hiệu quả, chưa có biện pháp bảo vệ an toàn của nạn nhân, còn đổ lỗi, lộ bí mật của nạn nhân” – theo kết luận của kết quả khảo sát.
Từ nhiều vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, nếu nhìn ở góc độ quy trình xử lý vụ việc thì các quy định của pháp luật về các bước phối hợp xử lý đã được tuân thủ. Nhưng nếu xét ở góc độ thời gian xử lý kịp thời, để đảm bảo sự bảo vệ khẩn cấp thì rõ ràng rằng chưa đảm bảo.
Bảo vệ khẩn cấp là nhu cầu có thực
Là người đứng đầu Trung tâm Phụ nữ và Phát triển với mô hình dịch vụ hỗ trợ toàn diện của Ngôi nhà Bình Yên (bao gồm 3 cơ sở, một cơ sở tại Cần Thơ, hai cơ sở tại Hà Nội, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình và mua bán người), bà Dương Thị Ngọc Linh cho biết: “Trung tâm nhận thấy, cần phải có giải pháp cụ thể và mạnh mẽ trước thực trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em với những diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng. Mô hình một cửa liên ngành là một trong những giải pháp mang tính chiều sâu cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan liên quan nhằm đem lại sự hỗ trợ và bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, bị xâm hại và bị mua bán trở về”.
Với vai trò là chuyên gia pháp lý cho trẻ em của UNICEF, bà Shelley Casey đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc giải quyết các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em thông qua Mô hình tích hợp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, bà Casey cũng nhấn mạnh vai trò của Trung tâm dịch vụ một cửa chuyên biệt cho trẻ em, bởi nhu cầu của trẻ em bị bạo lực rất đa chiều, một ngành không thể đáp ứng tất cả các nhu cầu đó, cho nên cách xử lý đa ngành, phối kết hợp hiệu quả là điều hết sức cần thiết.
Từ kinh nghiệm thực tế trong hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới tại Ngôi nhà Ánh Dương thuộc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, bà Đỗ Thị Lệ - Trưởng phòng Truyền thông – Đào tạo bày tỏ những khó khăn, bất cập trong việc hỗ trợ nạn nhân như kỹ năng làm việc với nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới của các cán bộ đầu mối tại cơ sở chưa đảm bảo, cơ chế phối hợp cần mở rộng các bên kiểm soát, tòa án, thi hành án để đảm bảo tính liên tục, toàn diện.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Tráng – Phó Trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an thì từ thực tế hiện nay cho thấy việc thành lập Trung tâm một cửa là cần thiết và hợp lý. Thượng tá Nguyễn Văn Tráng đề xuất trong giai đoạn đầu mô hình nên được tập trung triển khai thí điểm tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ.
“Bên cạnh việc thành lập Trung tâm một cửa thì xây dựng quy trình hỗ trợ cho nhóm phụ nữ và trẻ em cần được xem xét kỹ lưỡng, có cơ chế hỗ trợ chuyên biệt cho từng đối tượng; đề xuất cơ chế phối hợp liên ngành cần xuất phát từ chính nhu cầu hỗ trợ và tính chủ động của các cơ quan liên ngành; đối với quy trình xử lý ngành dọc cần nêu rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan” - ông Nguyễn Ngọc Anh, đại diện UNICEF Việt Nam nhấn mạnh.
Đầu tháng 5, dư luận dậy sóng vì vụ việc cháu V.T.H.A sống cùng cha mẹ tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP HCM bị đánh dã man vào nửa đêm khiến hàng xóm phẫn nộ quay clip gửi cho truyền thông. Người hàng xóm cho biết hàng ngày H.A bị cha mẹ bắt đi bán vé số tại chợ Thới Tứ gần nhà. Bé hay bị cha ruột (là người đàn ông trong clip) đánh đập vào tối khuya. Một lần cháu bị cha đánh chảy máu tay, mắt sưng phù.
Ngay sau khi vụ việc được phản ánh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có công văn đề nghị Thành ủy, UBND TP HCM chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương xác minh thông tin; xử lý nghiêm, kịp thời hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em.
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã giao cho Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 liên hệ với chính quyền địa phương để xác minh, làm rõ, đồng thời có phương án bảo vệ cháu bé.
Mới đây, ngày 11/5, UBND TP HCM cho biết đã chỉ đạo, xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/bao-ve-khan-cap-cho-phu-nu-va-tre-em-590504.html