Bảo vệ 'lá phổi xanh' Đồng bằng sông Cửu Long - Bài cuối: Bảo vệ và phát triển rừng

Đối với người dân Đồng bằng sông Cửu Long, rừng là mạch sống, cháy rừng là thảm họa.

Cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang) tuần tra, kiểm soát rừng thường xuyên trong nhằm phòng chống cháy rừng. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang) tuần tra, kiểm soát rừng thường xuyên trong nhằm phòng chống cháy rừng. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Với diện tích tự nhiên gần 40.000 km2, Đồng bằng sông Cửu Long hình thành và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên độc đáo; trong đó, có hệ sinh thái rừng đa dạng bậc nhất cả nước, với khoảng 347.500 ha rừng các loại. Đặc biệt, hệ sinh thái rừng tràm, rừng ngập mặn ven biển, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển thế giới, vườn chim, sân chim tự nhiên... ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng... có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ cân bằng môi trường sinh thái toàn khu vực, phát triển du lịch sinh thái. Vì vậy, đối với người dân Đồng bằng sông Cửu Long, rừng là mạch sống, cháy rừng là thảm họa.

Mạch sống Đồng bằng sông Cửu Long

Người dân Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là người dân hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau không sao quên được nạn cháy rừng nghiêm trọng nhất cả nước xảy ra mùa khô 2001 - 2002 thiêu rụi trên dưới 10.000 ha rừng tràm U Minh Thượng, U Minh Hạ. Trận cháy rừng lịch sử đó gây tổn thất to lớn về kinh tế và môi trường sinh thái vùng cực Nam Tổ quốc, tiêu diệt gần như toàn bộ động vật, thực vật trong vùng bị cháy và nhiều cánh rừng nguyên sinh. Nhắc lại trận “giặc lửa” đó để mọi người dân và cộng đồng cùng chung tay bảo vệ phát triển tài nguyên rừng, nhất là phòng chống cháy rừng trong mùa khô, không để xảy ra thảm họa cháy rừng tương tự.

Khẳng định giá trị to lớn của rừng, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, rừng của An Giang không nhiều, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh gần 17.000 ha, nhưng rừng gắn với hoạt động du lịch tâm linh nên giá trị về kinh tế rất lớn. Hiện, ngành du lịch An Giang trên đà phát triển khá tốt, mỗi năm thu hút khoảng 9 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch; trong đó, các điểm, khu du lịch vùng Thất Sơn thu hút đông khách du lịch như: Núi Cấm, Núi Sam, Núi Cô Tô, Núi Tượng, rừng tràm Trà Sư… Ngoài ra, rừng còn góp phần phát triển kinh tế ngành “công nghiệp không khói”.

Điển hình là Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu thuộc địa bàn phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu là một trong số ít vườn chim nằm trong địa bàn thành phố hiếm có của Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước. Vườn chim Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Khu bảo tồn loài - Sinh cảnh” vào tháng 10/2014. Theo Ban quản lý Vườn chim Bạc Liêu, vườn chim này tồn tại từ hơn một thế kỷ trước, vốn là một khu rừng ngập mặn đặc trưng của vùng do quá trình bồi lắng phù sa của biển Đông. Hệ sinh thái nơi đây rất đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi, thích hợp cho nhiều loài động, thực vật, nhất là các loài chim hoang dã cư trú, làm tổ và sinh sôi nảy nở bầy đàn, với số lượng loài, cá thể chim sinh sống lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long đang là điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Tiếp đến, rừng góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh làng rừng. Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng Kiên Giang Trần Phi Hải cho biết, từ năm 2008, Nhà nước có chủ trương thu hồi lại diện tích giao khoán rừng trước đây, tiến hành giao khoán lại với định mức mới, người dân được 40% lợi nhuận từ nguồn thu lâm sản phụ. Ngoài hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho người dân, Ban Quản lý rừng Kiên Giang phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương xây dựng các mô hình kinh tế để giúp người dân sản xuất hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích rừng, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Trong số các hộ nhận khoán đất rừng ở huyện An Minh (Kiên Giang), gia đình ông Trần Văn Lùn, ngụ ấp Cán Gáo, xã Đông Thạnh B là hộ dân tiêu biểu trong phát triển phát triển kinh tế từ rừng. Ông Lùn cho biết, đối với ông rừng là sự sống. Ông nhận khoán bảo vệ 4,8 ha rừng tràm vào năm 2010 và luôn tận dụng diện tích đất rừng để tăng gia sản xuất. Cây tràm lớn, ông khai thác rồi trồng lại rừng theo quy định. Diện tích rừng luôn phủ xanh, tận dụng khoảng 1.000 m2 đất bờ bao trồng chuối, các loại hoa màu, nuôi gà vịt; dưới kênh mương nuôi các loại cá đồng, thu nhập gia đình ổn định hơn 60 triệu đồng/năm.

Thúc đẩy phát triển kinh tế rừng, tỉnh Kiên Giang đã và đang thực hiện 4 dự án trồng rừng thuộc chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 với tổng vốn đầu tư hơn 356 tỷ đồng. Cụ thể là dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Hòn Đất - Kiên Hà giai đoạn 2016 - 2020; dự án khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển giai đoạn 2015 - 2020; dự án gây bồi, tạo bãi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển trên địa bàn huyện Hòn Đất; dự án gây bồi, tạo bãi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển xã Nam Thái, huyện An Biên.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang khẳng định, những dự án này hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, ngăn chặn, khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh, khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng, tăng khả năng phòng hộ của rừng trong bảo vệ bờ biển, phát triển kinh tế lâm - ngư kết hợp, cải thiện và nâng cao đời sống người dân làng rừng ven biển.

Kiên quyết không để cháy rừng

Cán bộ Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) thường xuyên vận hành máy bơm nước chữa cháy. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Cán bộ Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) thường xuyên vận hành máy bơm nước chữa cháy. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Chia sẻ với chúng tôi, nhiều người dân sống trên lâm phần ở các làng rừng tỉnh Cà Mau và Kiên Giang cho biết, rừng là sự sống của bà con, mất rừng là mất tất cả và cháy rừng là thảm họa nên kiên quyết không để mất rừng, cháy rừng vào mùa khô.

Đang giai đoạn cao điểm mùa khô 2019 - 2020, chúng tôi đến gia đình ông Trần Văn Lùn, ngụ ấp Cán Gáo, xã Đông Thạnh B (An Minh) là hộ dân tiêu biểu trong phòng cháy chữa cháy rừng, nhiều năm qua không để xảy ra cháy rừng trên diện tích nhận khoán.

Ông Lùn cho biết, được Nhà nước giao khoán rừng, phát triển kinh tế nên gia đình ông luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng. Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa khô thì tập trung phòng chống cháy, vận động anh em, bà con cùng nhau đắp đập giữ nước, dọn cỏ rác dưới kênh mương thông thoáng, thu gom những vật liệu dễ cháy trong rừng, thực bì khô để xử lý, kiên quyết không để xảy ra cháy rừng. Vì cháy rừng là mất hết tài sản, tổn thất kinh tế to lớn khó tìm lại được nên ông cùng với bà con ở đây tích cực tham gia phòng chống cháy rừng. Năm nay, khô hạn kéo dài, nước cạn kiệt nhanh, nguy cơ cháy cao nên càng phải tập trung trong phòng chống cháy.

Tại Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) và Vườn quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau) là hai vườn quốc gia hệ sinh thái rừng tràm trọng yếu vùng cực Nam Tổ quốc thực hiện tốt việc phòng chống cháy, nhiều năm liền không để xảy ra cháy rừng mùa khô. Ban Giám đốc hai Vườn quốc gia này chia sẻ: thảm họa cháy rừng tràm U Minh mùa khô 2001 - 2002 là một bài học kinh nghiệm sâu sắc trong bảo vệ, phát triển và phòng chống cháy rừng, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong thực hiện nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng chỉ tay xuống kênh rạch nói: “Nước trên lâm phần vườn còn khá nhiều nhờ có nguồn nước thường xuyên bơm bổ sung vào rừng. Nhiều nơi ở U Minh Thượng này hay rừng tràm vùng Tứ giác Long Xuyên, lớp thực bì khô nhạy lửa, dễ cháy do nước dưới tán rừng khô kiệt, nhưng nước ở Vườn quốc gia còn khá nhiều, cỏ, lau sậy, dây leo xanh tốt."

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Vườn theo dõi chặt chẽ tình hình khô hạn trên lâm phần, nơi vùng gò cao khô kiệt thì bơm nước lên giữ độ ẩm ướt dưới chân rừng. Vườn thực hiện phòng cháy chữa cháy rừng với nguyên tắc phòng là chính, chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”, kiên quyết không để xảy ra cháy trong suốt mùa khô như những năm trước đây.

Nhằm phòng cháy rừng, khi diễn biến thời tiết bất thường, dự báo cháy rừng cấp 3 trở lên trên diện rộng, Vườn ngưng hoạt động du lịch, không đón du khách vào tham quan; đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý nghiêm đối tượng vào rừng trái phép theo quy định.

Tương tự, Vườn quốc gia U Minh Hạ thời điểm này toàn lâm phần của vườn đã khô hạn; trong đó một số khu vực dự báo cháy cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau cho biết, Chi cục Kiểm lâm, Vườn quốc gia U Minh Hạ, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh Cà Mau và các đơn vị chức năng đã diễn tập phương án phòng chống rừng.

Vườn quốc gia U Minh Hạ tập trung cho tuyên truyền để người dân nắm tình hình, kiểm soát chặt chẽ nhóm người vào rừng lấy mật ong, săn bắt động vật hoang dã, đánh bắt và tăng cường tuần tra, ứng trực 24/24h tại những điểm nóng trên lâm phần để kịp thời xử lý những tình huống cháy, bất lợi xảy ra.

Thanh Sang - Huỳnh Sử - Kim Há - Huy Hải - Thành Đạt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/bao-ve-la-phoi-xanh-dong-bang-song-cuu-long-bai-cuoi-bao-ve-va-phat-trien-rung-20200316130910628.htm