Bảo vệ loài Voọc xám quý hiếm
Tại Nghệ An, thực hiện Dự án 'Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các Khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam', Đoàn điều tra, giám sát phối hợp của Ban Quản lý Vườn quốc gia Pù Mát, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã quan trắc và xác nhận có 6 cá thể loài Voọc xám (chưa xác định được cấu trúc tuổi, cấu trúc giới tính của quần thể) trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
Đây là kết quả điều tra sau 34 ngày giám sát của 3 nhóm tại 17 tuyến thực địa, với tổng chiều dài gần 100km trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
Kết quả đợt giám sát cho thấy, loài Voọc xám tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống có dấu hiệu phát hiện ít hơn về số cá thể, kích thước đàn. Quần thể Voọc xám đang chịu nhiều tác động có thể làm suy giảm cá thể. Nghiên cứu thực địa, các nhóm quan trắc xác định quần thể Voọc xám và sinh cảnh của chúng có nhiều mối đe dọa; trong đó, mối đe dọa từ săn bắt động vật hoang dã, khai thác gỗ trái phép và lâm thổ sản ngoài gỗ thuộc nhóm nguy cơ cao và rất cao.
Ông Võ Minh Sơn, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống cho biết, việc bảo tồn và phát triển quần thể Voọc xám là vấn đề cấp thiết, bởi sự có mặt của quần thể này có ý nghĩa rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học, nâng mức độ đa dạng sinh học tại đây. Những năm qua, các trạm quản lý, bảo vệ rừng của Khu bảo tồn đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh rà soát, vận động người dân khai báo và giao nộp súng săn, súng tự chế; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái sử dụng súng săn bắn; vận động người dân ở các địa bàn vùng đệm làm nhà bằng vật liệu xây dựng, hạn chế làm nhà bằng gỗ; hạn chế người dân vào rừng khai thác lâm sản ngoài gỗ, khuyến khích người dân thay đổi bãi chăn thả gia súc ra khỏi vùng lõi của Khu bảo tồn; xây dựng các cơ chế phối hợp giữa các trạm quản lý, bảo vệ rừng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư tại các bản vùng đệm tích cực thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng, phát triển rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và các quy định pháp lý liên quan...
Nhằm bảo tồn hiệu quả loài và sinh cảnh của Voọc xám, thời gian tới, Ban Quản lý Khu bảo tồn sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát rừng tại gốc; đẩy mạnh việc truy quét các đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp; tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, giúp cộng đồng địa phương nâng cao đời sống, có sinh kế bền vững, giảm áp lực vào rừng, gắn chặt giữa quyền lợi với ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của cộng đồng địa phương với rừng; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để có nhiều nguồn đầu tư cho các hoạt động bảo tồn.
Khu bảo tồn có diện tích hơn 46.460 ha, trải rộng trên địa giới hành chính của 13 xã thuộc 5 huyện miền núi Nghệ An, trong đó có hơn 40.000ha rừng đặc dụng. Đây là một trong ba vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9/2007. Khu bảo tồn là hành lang xanh kết nối với Vườn quốc gia Pù Mát và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tạo nên sự liên tục về môi trường và sinh cảnh. Không chỉ có giá trị đa dạng sinh học, Pù Huống còn là một trong những khu rừng phòng hộ xung yếu cho lưu vực sông Cả và sông Hiếu. Tại đây có gần 570 loài động vật, trong đó có 69 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, 51 loài nằm trong Danh lục đỏ IUCN 2020 và 36 loài nằm trong Công ước CITES; có hơn 1.800 loài thực vật, trong đó có 76 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 15 loài nằm trong Danh lục đỏ IUCN 2020…
Voọc xám (Trachypithecus crepusculus) là loài linh trưởng được xếp ở bậc Nguy cấp (EN) trong Danh lục Đỏ IUCN (2015). Ở Việt Nam, Voọc xám phân bố ở một số tỉnh từ Tây Bắc đến Nghệ An, với các quần thể nhỏ, đang đứng trước nguy cơ suy giảm về số lượng cá thể do tình trạng săn bắn và mất sinh cảnh. Voọc xám được xếp vào bậc “Sẽ nguy cấp - VU” trong Sách Đỏ Việt Nam, thuộc nhóm IB của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; thuộc “Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” tại Nghị định số 64/2019/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiểm được ưu tiên bảo vệ.
Voọc xám có bộ lông màu xám tro tới màu nâu đen, trên đầu có mào lông, da bao quanh mắt có màu xanh và trắng; lông ở vùng lưng thẫm hơn ở vùng bụng; bên hông có các lông dài, đầu lông có ánh bạc; đuôi dài hơn thân, lông rất dài; chân tay có màu đen, phần trên cánh tay, chân và đuôi có màu xám bạc. Voọc xám nặng 5 đến 9,5kg, thân dài từ 430-630mm, đuôi dài từ 510 đến 825mm; thức ăn chủ yếu là quả, lá. Voọc xám hoạt động vào ban ngày, leo trèo trên cây, thường ngủ trên các vách núi đá vôi dựng đứng hoặc trên các gốc cây mọc ở vách núi cheo leo. Chúng sống thành từng nhóm từ 3 - 30 cá thể.
Trước đó, vào tháng 3/2009, các nhà khoa học thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) khảo sát tại Khu bảo tồn này, phát hiện một đàn Voọc xám khoảng 4 cá thể.
Tháng 11/2010 các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp tiến hành điều tra, cũng ghi nhận sự tồn tại của Voọc xám trong Khu bảo tồn, nhưng chưa có thông tin chính xác về mật độ, kích thước quần thể.
Tiếp đó, năm 2021, tại Khe Pún (tuyến giám sát số 3) của Khu bảo tồn đã từng ghi nhận trực tiếp 1 đàn Voọc xám khoảng 8 đến 10 cá thể; quan sát trực tiếp được 1 cá thể, có trọng lượng khoảng 8-9 kg, có bộ lông màu tro xám, đuôi dài hơn thân, trên đầu có mào lông.
Đầu tháng 1/2023, tại khu vực khe Chưa Pan của Khu bảo tồn cũng từng ghi nhận xuất hiện đàn Voọc xám có 6 cá thể. Các địa điểm, khu vực ghi nhận có sự xuất hiện của Voọc xám chủ yếu là rừng tự nhiên trên núi đá vôi và rừng tự nhiên trên núi đất. Hai dạng sinh cảnh này là nơi có nguồn thức ăn dồi dào, ít bị đe dọa bởi hoạt động của con người, có thảm thực vật đa dạng với nhiều tầng tán và cây cao, lý tưởng với tập tính di chuyển nhiều và leo trèo của Voọc xám.
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/bao-ve-loai-vooc-xam-quy-hiem-20240605165104033.htm