Bảo vệ lúa mới gieo sạ

Trước tình hình thời tiết thường xuyên có mưa lớn kéo dài như hiện nay, nông dân vùng sản xuất lúa - tôm trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động phòng, chống ngập úng cục bộ, bảo vệ an toàn diện tích lúa mới gieo sạ trên đất nuôi tôm.

Vụ mùa năm nay, bà con nông dân vùng sản xuất lúa - tôm huyện Cái Nước xuống giống được gần 1.450 ha, thuộc địa bàn các xã: Thạnh Phú, Phú Hưng, Hưng Mỹ và Hòa Mỹ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài, bà con đã chủ động ứng phó, dùng các phương tiện hiện có của gia đình, tăng cường khâu bơm tát nước, duy trì mực nước phù hợp, giúp cây lúa phát triển.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện có hơn 1.340 hộ gieo sạ vụ lúa trên đất nuôi tôm; tùy theo diện tích sản xuất, mỗi hộ trang bị từ 1-2 phương tiện bơm tát nước, sẵn sàng ứng phó khi thời tiết mưa lớn kéo dài nhằm bảo vệ diện tích lúa mới gieo sạ.

Diện tích lúa trên đất nuôi tôm được bảo vệ an toàn khi mưa lớn kéo dài.

Diện tích lúa trên đất nuôi tôm được bảo vệ an toàn khi mưa lớn kéo dài.

Ông Nguyễn Văn Út, ấp Cái Rắn A, xã Phú Hưng, cho biết: “Vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay, gia đình duy trì gieo sạ hơn 1 ha và trang bị 1 mô tơ điện, 1 chiếc máy chạy bằng xăng, sẵn sàng bơm tát nước cho ruộng lúa. Nay cây lúa được hơn 10 ngày tuổi, phát triển khá tốt, tôi tiếp tục bơm tát, giữ mực nước trong ruộng từ 5-10 cm, giúp cây lúa phát triển nhanh và đẻ nhánh khỏe, đạt năng suất cao”.

Ðiểm mới trong việc phòng, chống ngập úng cục bộ, bảo vệ sản xuất là nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư mô tơ kết hợp với sử dụng nguồn điện sinh hoạt gia đình để bơm tát nước cho ruộng lúa - tôm, thay thế cho máy nổ truyền thống, tiết kiệm chi phí nhiên liệu.

Nhiều hộ dân sử dụng mô tơ thay thế máy nổ bơm tát nước để tiết kiệm chi phí.

Nhiều hộ dân sử dụng mô tơ thay thế máy nổ bơm tát nước để tiết kiệm chi phí.

Ông Mai Phước Toàn, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, chia sẻ, nếu dùng máy xăng hoặc máy dầu có công suất từ 6-6,5 mã lực để bơm tát nước ruộng lúa - tôm, trung bình mỗi giờ tiêu tốn khoảng 1 lít nhiên liệu trị giá hơn 20 ngàn đồng; còn sử dụng mô tơ có công suất 2 kw để bơm tát nước thì mỗi giờ chỉ tốn tiền điện từ 7-8 ngàn đồng. Hơn nữa, khi có mưa, ở trong nhà bật cầu dao thì ngay lập tức mô tơ hoạt động bơm tát nước, không phải ra đồng khởi động như máy nổ truyền thống, rất tiện lợi.

Ðiều khó khăn trong khâu phòng, chống ngập úng cục bộ, bảo vệ diện tích lúa mới gieo sạ là khi thời tiết mưa lớn kéo dài, thủy triều trên các tuyến sông thường xuyên dâng cao, gây bất lợi cho bà con nông dân trong quá trình bơm tát nước. Vấn đề này cũng được ngành chuyên môn huyện kết hợp với ngành chức năng tỉnh kịp thời tháo gỡ.

Ông Trần Hoàng Ðạo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết, để chủ động phòng, chống ngập úng cục bộ, bảo vệ diện tích lúa - tôm, Phòng phối hợp với các xã vùng sản xuất lúa - tôm và Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi tỉnh vận hành hệ thống cống Tiểu vùng II Nam Cà Mau trên địa bàn huyện Cái Nước theo hình thức một chiều (nước lớn tiến hành đóng các cửa cống và nước ròng thì mở), nhằm kịp thời tiêu thoát, phòng chống ngập úng cục bộ và đảm bảo nhu cầu đi lại bằng phương tiện đường thủy của bà con nông dân trong các tiểu vùng.

Với sự chủ động ứng phó của bà con nông dân vùng sản xuất lúa - tôm và ngành chức năng kịp thời vận hành hệ thống cống Tiểu vùng II Nam Cà Mau trên địa bàn huyện Cái Nước, diện tích lúa mới gieo sạ trên đất nuôi tôm được bảo vệ an toàn và đang phát triển khá tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu./.

Việt Tiến

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/bao-ve-lua-moi-gieo-sa-a34611.html