Bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực

Chiến dịch 'Làm cho thế giới sạch hơn' năm 2020 có chủ đề 'Cùng hành động để thay đổi thế giới' với ý nghĩa mỗi hành động vì môi trường dù nhỏ cũng tạo nên một thế giới sạch hơn. Hưởng ứng chiến dịch này nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực, tích cực tham gia bảo vệ môi trường.

Chung tay bảo vệ môi trường

Chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" do Australia khởi xướng từ năm 1993, được chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động trên phạm vi toàn cầu vào tuần thứ 3 của tháng 9. Từ đó đến nay, chiến dịch đã trở thành một trong những sự kiện môi trường quốc tế hằng năm, thu hút sự tham gia hưởng ứng của người dân tại hơn 130 quốc gia trên thế giới. Chiến dịch là dịp để tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng tham gia các hoạt động cải thiện, bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý, tái chế rác thải, từ chối sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.

Người dân nạo vét kênh mương khơi thông dòng chảy.

Người dân nạo vét kênh mương khơi thông dòng chảy.

Với chủ đề "Cùng hành động để thay đổi thế giới" với ý nghĩa mỗi hành động vì môi trường dù nhỏ cũng tạo nên một thế giới sạch hơn, khác biệt hơn, UNEP phát động chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" năm 2020 từ ngày 18 - 20.9 tới hơn 130 quốc gia nhằm kêu gọi các nước cùng nhau hành động để tạo nên một sự thay đổi lớn cho môi trường toàn cầu.

Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thành công nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn", góp phần nâng cao nhận thức và ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Năm 2020, để tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và căn cứ chủ đề, thông điệp chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn", Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các địa phương tổ chức các hoạt động cộng đồng như ra quân vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải. Giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, tồn đọng trên địa bàn. Khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ, hệ thống thoát nước. Phát động hưởng ứng các phong trào như Ngày hội tái chế, Ngày chủ nhật xanh, Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh, Ngày không sử dụng túi nilon...

Tích cực hưởng ứng

Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trong tỉnh được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên đã có nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030. Nghị quyết xác định công tác bảo vệ môi trường vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài, là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Vì vậy, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; là trách nhiệm, nghĩa vụ của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Nghị quyết cũng xác định công tác bảo vệ môi trường lấy phòng ngừa là chính, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên...

Bà con nhân dân tỉnh Điện Biên ra quân bảo vệ môi trường.

Bà con nhân dân tỉnh Điện Biên ra quân bảo vệ môi trường.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chống rác thải nhựa, năm 2019 UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa" và "Nói không với túi nilon và sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần" trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đã đưa ra hàng loạt các biện pháp, giải pháp hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần như không sử dụng túi nilon và các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần phục vụ các hội nghị tại địa phương, trong hoạt động hằng ngày của cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế, lực lượng vũ trang…

Cùng với các địa phương khác trong cả nước cũng tích cực hưởng ứng chiến dịch bằng những việc làm cụ thể. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế qua thống kê gần nhất, mỗi ngày toàn tỉnh Thừa Thiên Huế phát sinh khoảng 600 tấn rác thải sinh hoạt chưa qua phân loại. Riêng khu vực TP. Huế phát sinh mỗi ngày 200 tấn rác sinh hoạt thì có đến 6% là rác nhựa và túi ni lông. Đó là chưa nói lượng chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn y tế, chất thải rắn công nghiệp thải ra hàng ngày.

Hưởng ứng ngày chủ nhật xanh của bà con nhân tỉnh Thừa Thiên Huế

Hưởng ứng ngày chủ nhật xanh của bà con nhân tỉnh Thừa Thiên Huế

Cùng với cả nước, Thừa Thiên Huế đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vệ môi trường và huy động toàn dân cùng hành động. Vào các buổi cuối tuần hoặc sáng chủ nhật hàng tuần, thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên, hội viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân tham gia dọn dẹp, vệ sinh môi trường. Lực lượng ở các địa phương cùng đơn vị dịch vụ môi trường thường xuyên tổ chức ra quân vớt bèo, rác, khơi thông dòng chảy trên các sông, hói, mương... Cùng với đó, hoạt động thu gom rác thải nhựa tại các bãi biển vào chiều thứ 7 hàng tuần được Câu lạc bộ tình nguyện của Sở TN&MT duy trì với mục đích bảo vệ môi trường biển, giảm thiểu ô nhiễm bởi các loại rác thải nhựa tại các bãi biển, đồng thời kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường biển.

Đây là những hoạt động có ý nghĩa đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn nhiều địa phương trên cả nước nhằm hưởng ứng chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới” của Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn”.

Nguyễn Phượng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bao-ve-moi-truong-bang-nhung-viec-lam-thiet-thuc-507888.html