Bảo vệ môi trường, điểm nhấn trong xây dựng nông thôn mới

Đối với nhiều địa phương, môi trường là một trong những tiêu chí khó nhất trong xây dựng nông thôn mới, bởi không chỉ đòi hỏi nguồn lực mà quan trọng nhất cần nâng cao ý thức và sự chung tay của người dân.

Xác định đây là tiêu chí khó, ngay sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, nhiều địa phương tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT).

Để thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Ảnh: NGỌC HÂN

Để thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Ảnh: NGỌC HÂN

N lc thc hin tiêu chí môi trưng

Ông Hồ Văn Nhân, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho hay: Môi trường là tiêu chí khó thực hiện trong bộ tiêu chí về NTM giai đoạn 2021-2025. Theo quy định, các xã đạt chuẩn NTM phải có từ 15-20% trở lên số hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung mới đủ điều kiện đạt chuẩn NTM và 55% đối với xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là một trong những chỉ tiêu gây không ít khó khăn, lúng túng cho các địa phương, đặc biệt là các xã thuộc 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh khi xây dựng NTM.

Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về công tác vệ sinh môi trường, hiện tỉ lệ các xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn tiêu chí môi trường theo bộ tiêu chí về xã NTM giai đoạn 2021-2025 là 73% (61/83 xã đạt).

Xã Sơn Phước được huyện Sơn Hòa chọn phấn đấu về đích NTM trong năm 2025. Tuy nhiên đến nay, xã này mới đạt 11 tiêu chí NTM, còn đến 8 tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí môi trường. Ông La Thanh Phục, Chủ tịch UBND xã Sơn Phước bày tỏ: Theo bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025, để về đích xã NTM, Sơn Phước phải có 20% số hộ dân sử dụng nước sạch tập trung mới đủ điều kiện. Tiêu chí này đang gây ra những khó khăn, khiến xã Sơn Phước khó hoàn thành mục tiêu về đích NTM.

Cũng theo ông Phục, để giải quyết được khó khăn trong tiêu chí nước sạch thì phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước, còn nếu dựa vào nguồn ngân sách địa phương để đầu tư hệ thống nước sạch tập trung là vượt quá khả năng. Mặt khác, việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư là câu chuyện dài, bởi các doanh nghiệp còn tính tới lợi nhuận nên chưa sẵn sàng đầu tư nhà máy xử lý nước sạch ở vùng sâu, vùng xa.

Nói về việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó có tiêu chí cảnh quan môi trường nông thôn, bà Đinh Thị Kim Tuyền, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) cho hay: Môi trường không phải là tiêu chí nổi trội của địa phương, nhưng để duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí này, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền Luật BVMT; tăng cường kiểm tra việc thực hiện cam kết BVMT của các cơ sở sản xuất, làng nghề. Đồng thời chỉ đạo các thôn thường xuyên tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm; tiếp tục trồng mới và bổ sung các tuyến đường hoa ở các trục đường giao thông, công sở tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp…

Nhiu mô hình hay, sáng to

Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh, trong quá trình xây dựng NTM, các địa phương đặc biệt chú trọng hoàn thiện tiêu chí môi trường và coi đó là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Song song với công tác tuyên truyền, tại khu dân cư, các mô hình tự quản được thành lập để tổ chức cho người dân tham gia giữ gìn đường làng, ngõ xóm, gìn giữ khuôn viên nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng đã phát huy hiệu quả.

Tại huyện Tuy An, để nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường hướng đến mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM, địa phương đã triển khai Đề án về xây dựng mô hình tuyến đường tự quản sáng, xanh, sạch đẹp tại 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025. Kết quả, đến nay đã xây dựng được trên 120 mô hình tự quản.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết: Để xây dựng cảnh quan môi trường, các địa phương đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả như: mô hình phân loại rác và xử lý rác thải hữu cơ; mô hình CLB phụ nữ BVMT, đi chợ bằng giỏ nhựa; mô hình nông dân tham gia BVMT. Ngoài ra, chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể còn phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tự chỉnh trang khuôn viên nhà, trồng hoa, cây xanh và lắp đặt hệ thống chiếu sáng tại các trục đường, đảm bảo việc đi lại và sinh hoạt của người dân.

Tương tự, xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) cũng thực hiện nhiều mô hình BVMT hay, thiết thực, góp phần tạo diện mạo NTM nâng cao cho địa phương như: duy trì tổ thu gom rác sinh hoạt; xây dựng hố thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; hố xử lý rác hữu cơ… Qua đó nâng cao được ý thức và trách nhiệm của người dân đối với công tác BVMT khu dân cư.

Theo bà Lê Thị Xuân, người dân ở xã Đức Bình Tây, thời gian đầu khi triển khai các mô hình này, nhiều hộ dân không mấy quan tâm. Nhưng nhờ cán bộ địa phương nhiệt tình trong công tác vận động, chung tay thực hiện nên dần dần bà con tích cực tham gia. “Chiều đến trong thôn vui lắm. Nhà nào cũng ra tưới nước. Cây cối phát triển tươi tốt, đường làng ngõ xóm cũng mát mẻ”, bà Xuân nói.

Để duy trì bền vững các tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM, thời gian đến, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc BVMT ngay tại gia đình mình và cộng đồng dân cư; đồng thời nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả về BVMT trong xây dựng NTM. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 90% xã NTM; 50% xã NTM nâng cao và 25% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn tiêu chí về môi trường.

Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/320893/bao-ve-moi-truong-diem-nhan-trong-xay-dung-nong-thon-moi.html