Bảo vệ môi trường - Hành động không ngưng nghỉ! (kỳ 3)

Kỳ 3: Nỗ lực trên hành trình biến rác thành tài nguyên

Rác thải sinh hoạt đang là vấn đề “nóng”. Rác chỉ là rác nếu không được phân loại, rác trở thành tài nguyên khi được phân loại, xử lý hiệu quả. Điều này cho thấy, việc phân loại, xử lý rác từ nguồn là vô cùng quan trọng và ý thức của mỗi người trong việc này đóng vai trò cốt lõi.

Hiện mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh khoảng 706 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó 550 tấn được thu gom (chiếm 78%).

Đồ họa: MẠNH HÙNG

Đồ họa: MẠNH HÙNG

Xã miền núi tiên phong

Suốt nhiều năm qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) luôn được Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) đặc biệt quan tâm, bởi địa phương này quan niệm, môi trường chính là nền tảng để phát triển KT-XH một cách vững bền.

Các đơn vị thực hiện nhiều mô hình thu gom, phân loại rác thải tái chế, góp phần giảm tải cho môi trường. Ảnh: NGỌC CHUNG - CTV

Các đơn vị thực hiện nhiều mô hình thu gom, phân loại rác thải tái chế, góp phần giảm tải cho môi trường. Ảnh: NGỌC CHUNG - CTV

Hiện hơn 80% lượng rác thải hàng ngày của xã được thu gom, xử lý nên môi trường các khu dân cư cải thiện rõ rệt. Môi trường sống ở xã miền núi này đã hoàn toàn đổi mới; đường thông, điện sáng, rác được thu gom sạch sẽ, tạo không khí trong lành, xanh mát. Đây là kết quả từ những nỗ lực của chính quyền địa phương, sự hưởng ứng tích cực của người dân sau gần 6 năm kiên trì.

Năm 2018, Hội LHPN xã Xuân Quang 2 phối hợp Hội Nông dân xã và Xã Đoàn vận hành mô hình Thu gom rác thải toàn xã; tích cực vận động bà con thu gom rác trước nhà, rác đường làng ngõ xóm… Để thuận tiện, các thành viên tự nguyện góp tiền mua xe chở rác và chia nhau gánh vác công việc. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã phụ trách lái xe rác, chị em hội phụ nữ thay phiên đi gom rác, các chị tổ vốn vay thu phí dịch vụ… Bà Nguyễn Thị Bé, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Sau gần 6 năm hoạt động, mô hình này đã thu gom hàng nghìn tấn rác thải sinh hoạt, góp phần cải thiện môi trường vùng nông thôn miền núi và lan tỏa thông điệp BVMT trong cộng đồng dân cư.

Đồ họa: MẠNH HÙNG

Đồ họa: MẠNH HÙNG

Nhằm nhân rộng việc phân loại rác tại nguồn, Hội LHPN xã còn triển khai đồng bộ 2 mô hình Ve chai tình thương và Sản xuất phân từ rác hữu cơ. Hội đã đặt 4 thùng ủ phân lớn ở các thôn, hướng dẫn bà con thu gom các loại rác hữu cơ từ sinh hoạt và sản xuất hàng ngày đưa vào thùng ủ. Tại mỗi hộ, hội cũng để 1 thùng gom rác thải tái chế được như chai nhựa, vỏ lon, thùng giấy… Bà Nguyễn Thị Nhơn, một thành viên của Ban quản lý mô hình Thu gom rác thải cho biết: Cuối tháng chúng tôi chia nhau đi gom rác thải tái chế ở các hộ về, cộng với số rác tái chế thu được trong quá trình gom rác, tiếp tục phân loại rồi bán, gây quỹ giúp trẻ em nghèo.

Tuy Hòa giảm nhựa

Chuyên thu mua phế liệu, tiếp xúc với cả núi rác thải mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Lệ ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) luôn đau đáu với nỗi đau của môi trường. Góp sức xoay vòng đời cho rác, chị Lệ đã rủ thêm một số chị em địa phương gom phế liệu tái chế, lưới đánh cá cũ từ các làng biển may thành túi đi chợ. “Túi đi chợ không chỉ giúp giảm rác thải nhờ xoay vòng đời phế liệu tái chế mà còn thúc đẩy giảm sử dụng túi nilong trong cuộc sống đô thị”, chị Lệ nói.

Các chị em phụ nữ đi chợ bằng túi tái chế thay thế túi nilong, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần. Ảnh: CTV

Các chị em phụ nữ đi chợ bằng túi tái chế thay thế túi nilong, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần. Ảnh: CTV

Trong khi đó, với mô hình thí điểm Phân loại rác tại phường 7 của UBND TP Tuy Hòa, bình quân mỗi ngày, 220kg rác hữu cơ đã được thu gom tại chợ và khu phố Trường Chinh đưa đến bãi rác Thọ Vức ủ phân bón hữu cơ. Tiếp nối mô hình này, thành phố cũng đang xây dựng phương án, tăng cường tuyên truyền để người dân toàn thành phố thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.

Ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết: Dự án Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam đang triển khai tại địa phương có công suất 240 tấn/ngày. Điều đặc biệt của dự án này là tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có từ rác để tái chế và sản xuất các sản phẩm phân bón hữu cơ, hạt nhựa tái chế, gạch không nung… Dự kiến, cuối năm 2024, nhà máy này sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động, xử lý căn cơ hầu hết nguồn rác thải cho đô thị Tuy Hòa.

Người dân tham gia tập huấn ủ phân bón từ rác hữu cơ để ứng dụng xử lý rác hữu cơ phát sinh từ sinh hoạt, sản xuất của gia đình. Ảnh: CTV

Người dân tham gia tập huấn ủ phân bón từ rác hữu cơ để ứng dụng xử lý rác hữu cơ phát sinh từ sinh hoạt, sản xuất của gia đình. Ảnh: CTV

“Dự án Phú Yên thực hành không rác tập trung giải quyết triệt để rác thải sinh hoạt, giảm thiểu rác thải nhựa và tăng không gian xanh; phấn đấu đưa TP Tuy Hòa vào top 10 đô thị có tỉ lệ giảm nhựa cao trong cả nước. Dự án đã xây dựng mô hình điểm về phân loại rác thải tại nguồn, giải quyết hiệu quả tình trạng xả thải rác vào khu vực ven biển”, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) Trần Thị Hoa cho hay.

Để biển xanh không rác

Với 189km đường bờ biển, các hoạt động kinh tế biển được đầu tư mạnh, kéo theo đó là các hệ lụy môi trường biển. Các khu vực ven biển trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận một khối lượng rác thải đáng kể, đặc biệt là rác thải nhựa chủ yếu từ hoạt động du lịch, nuôi trồng, khai thác thủy sản và từ hoạt động dân sinh trên đất liền. Theo Ban Quản lý cảng cá Phú Yên, hàng năm tại 4 cảng cá do đơn vị quản lý tiếp nhận khoảng 14.500 lượt tàu cá ra, vào cảng. Các hoạt động tại cảng đã phát sinh khoảng 24 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi năm.

Đồ họa: MẠNH HÙNG

Đồ họa: MẠNH HÙNG

Tháng 5/2024, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) phối hợp Sở TN&MT, Sở NN&PTNT triển khai mô hình Vận động ngư dân đem rác vào bờ. Mô hình mới đi vào hoạt động thời gian ngắn, đã có hàng trăm ký rác thải được các tàu cá mang vào bờ, trong đó có một lượng lớn rác thải nhựa. Sau chuyến biển dài ngày, cùng với số thủy sản đánh bắt được, còn có lượng lớn rác thải cũng được tàu cá của ngư dân Trần Văn Lâm mang về bờ. Chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá PY90118TS ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) Trần Văn Lâm, cho biết: Mỗi chuyến biển, ngoài túi đựng rác được Ban Quản lý cảng cá Phú Yên cấp phát, tôi còn trang bị thêm dụng cụ để thu gom hết số rác thải sinh hoạt, ngư lưới cụ bị hư hỏng trên tàu đưa về bờ. Chuyến biển vừa rồi thuyền đã mang vào bờ hơn 20kg rác với chủ yếu là chai nước, túi ni lông, lưới rách… Việc làm tuy giản đơn nhưng giá trị và ý nghĩa mang lại vô cùng lớn. Đã đến lúc các ngư dân cần chung tay gìn giữ môi trường biển, bảo tồn nguồn sống của chúng ta.

Ông Hà Viên, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Phú Yên cho biết: Bình quân mỗi tháng có khoảng 90-100 lượt tàu cá của ngư dân đưa rác vào bờ tại 4 cảng cá với số lượng khoảng 600-700kg, trong đó phân nửa là rác thải nhựa. Nhân viên ở các cảng sẽ tiếp nhận rác và tiếp tục phân loại để có hướng xử lý riêng.

Kỳ 4: Còn đó những thách thức

DƯƠNG THỦY - ANH NGỌC - THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/320274/bao-ve-moi-truong-hanh-dong-khong-ngung-nghi-ky-3.html