Bảo vệ môi trường không khí là trách nhiệm của toàn xã hội

Chiều 14/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND thành phố Hà Nội, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội nghị 'Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam'.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hội nghị.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có các đồng chí Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; đại diện đến từ Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc Hội, các Bộ Công an, Giao thông vận tải, Xây dựng, Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ; đại diện Hiệp hội và các chuyên gia, nhà khoa học lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, ô nhiễm không khí hiện nay là vấn đề ô nhiễm môi trường chính không chỉ ở Việt Nam, mà cũng là vấn đề môi trường chính của các quốc gia trên thế giới. Tại nhiều quốc gia, từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển, đều đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí.

Tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế-xã hội và đô thị hóa. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm không khí đã tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, thông số ô nhiễm không khí chính hiện nay là bụi PM 2,5.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị.

Hằng năm, ô nhiễm tập trung từ tháng 10 của năm trước đến tháng 3 của năm tiếp theo. Trong ngày, ô nhiễm tập trung từ nửa đêm đến sáng. Dữ liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, diễn biến ô nhiễm không khí đã tăng dần theo thời gian, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế-xã hội đã có sự phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết thêm, thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội triển khai nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường không khí nói riêng. Nhưng hiện nay, công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự đoàn kết vì mục tiêu chung, bởi ô nhiễm không khí không theo địa giới hành chính, ô nhiễm không khí không phải trách nhiệm của riêng từng Bộ, ngành hay địa phương. Bảo vệ môi trường không khí là trách nhiệm của toàn xã hội.

Trước thực trạng nêu trên, Bộ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Mới đây là Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 8/7/2024. Đây là hệ thống các Chiến lược, Quy hoạch, Chỉ thị rất quan trọng, cùng với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật đã cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Chia sẻ về diễn biến chất lượng môi trường không khí và công tác quản lý chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam, Phó Cục trưởng Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Hoài Nam cho biết: Tại Việt Nam, qua theo dõi diễn biến chất lượng môi trường không khí trong những năm gần đây cho thấy, hầu hết chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn đang phải đối diện với tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng, nhất là tại các đô thị lớn thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm chất lượng môi trường không khí ở nước ta có xu hướng diễn biến theo mùa và phân hóa theo vùng, miền. Tại các đô thị, chất lượng môi trường không khí phụ thuộc nhiều vào quy mô đô thị, mật độ dân số, đặc biệt là mật độ giao thông và tốc độ xây dựng tại các đô thị này.

Trong số các vấn đề ô nhiễm chất lượng môi trường không khí, ô nhiễm bụi mịn (PM2.5) tiếp tục vẫn là vấn đề môi trường không khí nổi cộm. Các thông số khác như NO2, O3, CO, SO2 tại các đô thị cho giá trị thấp, đa phần các kết quả quan trắc đều đạt QCVN 05:2023/BTNMT và không có nhiều biến động trong giai đoạn từ năm 2022 đến nay.

Kết quả quan trắc tại các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục ở các đô thị từ năm 2022 đến năm 2023 cho thấy, giá trị bụi PM2.5 trung bình năm tại các trạm quan trắc ở thành phố Hà Nội, trạm quan trắc tại Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh), trạm quan trắc tại Hùng Vương (thành phố Thái Nguyên) đều vượt giới hạn cho phép theo QCVN 05:2023/BTNMT. Trong đó, các trạm quan trắc tại Hà Nội, giá trị bụi PM2.5 trung bình năm dao động từ 26 đến 52 μg/Nm3, vượt giới hạn cho phép từ 1,1 đến 2,1 lần; trạm quan trắc tại Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) giá trị quan trắc dao động từ 32 đến 38 μg/Nm3 vượt từ 1,3 đến 1,5 lần

Nguyên nhân được xác định tập trung vào các nhóm nguồn thải chủ đạo như từ các hoạt động như: Hoạt động giao thông vận tải; hoạt động xây dựng; hoạt động sản xuất công nghiệp; hoạt động đốt mở (đốt chất thải, rác thải và phụ phẩm nông nghiệp); các hoạt động dân sinh, sử dụng dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt; các yếu tố điều kiện khí hậu, thời tiết.

Các đại biểu trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Các đại biểu trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn vào các vấn đề liên quan đến hiện trạng, nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam hiện nay; kết quả triển khai thực hiện công tác quản lý chất lượng không khí tại các bộ, ngành và địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phân công trách nhiệm; chia sẻ một số bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về quản lý, cải thiện, phục hồi ô nhiễm không khí; những khó khăn, vướng mắc thực tế và thách thức khi thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí. Đồng thời, đề xuất các giải pháp mang tính đột phá, khả thi để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, từng bước cải thiện chất lượng không khí tại một số đô thị lớn của Việt Nam hiện nay.

KHÁNH HUY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bao-ve-moi-truong-khong-khi-la-trach-nhiem-cua-toan-xa-hoi-post844941.html