Bảo vệ môi trường nhìn từ góc độ ngành Công Thương

Mỗi năm, Việt Nam thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương 5% GDP và con số này ngày càng gia tăng, với nhiều loại ô nhiễm: nhiễm đất, nước, không khí...

I. Hệ lụy và nguyên nhân gây ô nhiêm môi trường

Ô nhiễm môi trường theo nghĩa hẹp là tình trạng suy thoái của môi trường khi mà các chỉ số hóa lý, sinh học thay đổi theo chiều hướng xấu đi, đồng nghĩa là một môi trường đã bị nhiễm bẩn vượt ngưỡng cho phép, bởi nhiều yếu tố vật lý, hóa học và sinh học khác nhau bởi sự tác động của cả con người, lẫn tự nhiên, khiến môi trường mất đi các tính chất tự nhiên và trong lành ban đầu, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của con người cũng như các sinh vật sống khác.

Lễ Phát động "tháng hành động vì môi trường"

Lễ Phát động "tháng hành động vì môi trường"

Ô nhiễm môi trường tại Việt Nam đang ở mức báo động. Cả TP. Hà Nội và TP. HCM đều thuộc nhóm các đô thị bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường nặng nề nhất trên thế giới, với 7 loại ô nhiễm môi trường khác nhau, gồm ô nhiễm đất, nước, không khí, tiếng ồn, tầm nhìn, nhiệt và ánh sáng.

Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe con người bao gồm các khoản chi phí: chi phí khám và thuốc chữa bệnh, mất ngày công lao động do nghỉ ốm, tổn thất thời gian của người nhà chăm sóc người ốm. Đa số người dân sau khi nghỉ ốm để điều trị bệnh hoặc có người thân bị ốm sẽ giảm khoảng 20% về thu nhập và sức khỏe so với trước khi bị bệnh. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, ước tính chi phí khám, chữa bệnh về hô hấp, thiệt hại kinh tế do nghỉ ốm với khoảng 3,5 triệu dân nội thành là khoảng 2.000 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn gây ra những thiệt hại không nhỏ đến hoạt động du lịch.

Ô nhiễm môi trường là vấn nạn và thảm họa đe dọa các hoạt động cả vĩ mô và vi mô, cả trước mắt và lâu dài, gây hại cho cả sản xuất và tiêu dùng, cho đời sống xã hội và cho mọi hệ sinh thái tự nhiên.

Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của con người thông qua hai con đường: Tác động qua tiếp xúc trực tiếp đến môi trường ô nhiễm và tác động gián tiếp qua ăn uống phải các loại thực vật, động vật nuôi trồng trong môi trường ô nhiễm. Đây là nguyên nhân chính gây ra hàng chục nghìn ca tử vong mỗi năm và lượng người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch, ung thư cũng ngày càng tăng lên. Theo Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật toàn cầu năm 2019 (IMHE, 2019), ô nhiễm không khí đứng thứ 5 trong các yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở Việt Nam, đứng sau các nguyên nhân như cao huyết áp, đường huyết, hút thuốc và chế độ ăn uống. Không khí bị ô nhiễm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp dưới, đột quỵ, tim mạch, tắc nghẽn phổi mãn tính và ung thư phổi. Người thường xuyên phải tiếp xúc với bụi PM2,5, và nhiều loại khí như SO2, NO2, CO và VOC có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe như hắt hơi, sổ mũi, khó thở, khô mắt, suy giảm chức năng phổi, viêm phế quản mãn tính và tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim mạch, cũng như nhiều dị tật, dị dạng bẩm sinh và bất thường của nhiễm sắc thể, nhất là những người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 15 tuổi, người đang mang bệnh phổi và tim mạch, người thường xuyên phải làm việc ngoài trời… Số liệu thống kê của Bộ Y tế năm 2018 cho thấy bệnh về đường hô hấp là một trong những bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc.

Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế do bệnh tật; giảm nhanh diện tích đất canh tác và giảm sản lượng, chất lượng nông sản; Gây suy thoái hệ sinh thái, đột biến gen ở cả động vật cũng như thực vật. Nông, thủy sản kém chất lượng hoặc nhiễm độc nên không thể tiêu thụ, xuất khẩu sang các nước khác được và cũng là nguyên nhân làm cản trở ngành du lịch phát triển.

Tình trạng ô nhiễm môi trường còn gây mưa axit, làm khan hiếm tài nguyên, thiếu nước sạch, thủng tầng ozone, tăng hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên, băng hai cực tan chảy làm nước biển dâng cao và các hệ lụy của biến đổi khí hậu; làm xáo trộn sự cân bằng của các hệ sinh thái; Đồng thời, gây hao mòn công trình, nhiều loại vật liệu quan trọng, dẫn tới giảm tuổi thọ công trình, làm tăng chi phí bảo dưỡng và thay thế.

Hơn nữa, ô nhiễm môi trường còn làm giảm sức hấp dẫn thu hút FDI và làm giảm khả năng cạnh tranh, đứt gẫy hoặc gián đoạn sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, gây nguy cơ cao cho ô nhiễm mỗi trường và thiếu chứng chỉ phát thải các-bon theo yêu cầu của đối tác nước ngoài...

Doanh nghiệp ngành than tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường

Doanh nghiệp ngành than tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường

Chi phí xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường không hề nhỏ, ảnh hưởng lớn đến ngân sách quốc gia và doanh nghiệp, người dân.

Ô nhiễm môi trường có nguyên nhân khách quan, tự nhiên (do các hiện tượng động đất, sóng thần, mưa bão, lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất đồi núi, bờ sông, sự phun trào núi lửa...) và nguyên nhân chủ quan (từ các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của con người).

Đặc biệt, các hoạt động công thương là một trong số các nguồn gây ô nhiễm môi trường chủ quan, các cả trong lĩnh vực sản xuất, cũng như trong tiêu dùng:

Nước thải công nghiệp chứa các thành phần độc hại, dầu mỡ, chất rắn, vi khuẩn thường không được xử lý mà thải trực tiếp ra các ao, hồ, sông..., gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm.

Các nhà máy và phương tiện giao thông sử dụng loại xăng và dầu diesel làm nhiên liệu, quá trình rò rỉ, bốc hơi cũng như đốt cháy nhiên liệu dẫn tới phát sinh nhiều các loại khí độc như: CO2, VOC, Benzen, Toluen…chính là nguyên nhân chính gây nên hiệu ứng nhà kính hàng đầu và ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu tồi tệ nhất.

Việc xả thải bừa bãi, chôn lấp rác và xử lý phát thải trong các hoạt động Công Thương không đúng quy định; do quá trình sản xuất các sản phẩm như nhựa, sơn, đốt các nhiên liệu hóa thạch như dầu, khí đốt và các loại than, cũng như từ các phương tiện giao thông, các lò nhiệt phân rác thải, đặc biệt là rò rỉ các chất phóng xạ; lạm dụng các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật; khai thác rừng bừa bãi, không có chương trình tái sinh gây sạt, lở, xói mòn đất...

Các nguồn thải hiện nay đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng và quy mô. Tại các đô thị, chỉ có khoảng 60% - 70% chất thải rắn được thu gom. Cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải chưa đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Hoạt động sản xuất công nghiệp là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm môi trường: Kết quả quan trắc tại các khu vực gần các khu sản xuất, KCN đều cho thấy giá trị các thông số đặc trưng cho ô nhiễm không khí luôn cao hơn so với các khu vực dân cư. Theo Báo cáo môi trường Quốc gia mới nhất do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố tháng 2/2023, ước tính ngành công nghiệp chiếm gần 60% tổng mức tiêu thụ năng lượng của các ngành trong nền kinh tế, với tổng lượng phát thải do hoạt động năng lượng khoảng gần 290 triệu tấn CO2/năm;

Công nghệ sản xuất gang, phôi thép, cán các sản phẩm thép phải qua nhiều công đoạn và sử dụng nhiều loại tài nguyên khoáng sản, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu với khối lượng lớn như hóa chất, năng lượng… Mỗi công đoạn sản xuất đều phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường nếu không xử lý, bao gồm khí thải phát sinh từ quá trình khai thác và cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, từ các công đoạn sản xuất như đốt nhiên liệu hóa thạch, khí thải lò hơi, hóa chất bay hơi hay tiếng ồn phát sinh từ máy móc, thiết bị…

Hiện nay cả nước có trên 300 doanh nghiệp gang thép có quy mô nhỏ và vừa, cung cấp gần 30% tổng sản lượng gang thép sản xuất tại Việt Nam, nhưng đang tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các cơ sở đầu tư nhỏ lẻ tại các làng nghề. Nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu từ việc sử dụng than làm nhiên liệu, sử dụng hóa chất, phụ gia trong quá trình sản xuất. Trong đó, nhóm làng nghề có thải lượng ô nhiễm lớn nhất là tái chế (kim loại, nhựa), quá trình tái chế và gia công, xử lý bề mặt, phun sơn, đánh bóng bề mặt sản phẩm, nung, sấy, tẩy trắng, khí thải lò rèn… làm phát sinh bụi và các khí thải như SO2, NO2, hơi axit và kiềm. Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm, quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải và CTR gây ô nhiễm mùi, phát tán các khí ô nhiễm như SO2, NO2, H2S, NH3… Các làng nghề ươm tơ, dệt, nhuộm vải và thuộc da thường bị ô nhiễm bởi các khí SO2, NO2. Các làng nghề thủ công mỹ nghệ thường bị ô nhiễm nặng bởi khí SO2 phát sinh từ quá trình xử lý chống mốc cho các sản phẩm. Hiện cả nước vẫn còn 28% làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng tại Quyết định số 577/QĐ-TTg chưa triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, nhiều làng nghề chưa di dời vào trong cụm công nghiệp…

Hiện cả nước hiện có trên 5.000 mỏ, điểm quặng của khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau nằm phân bố rải rác tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Với 4.020 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội từ bụi, khí và hóa chất độc hại, nước thải…

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối năm 2021, tổng công suất nguồn nhiệt điện than chiếm 32,2% tổng cơ cấu nguồn điện cả nước. Một số nhà máy như Uông Bí, Ninh Bình, Phả Lại 1 đang sử dụng công nghệ cũ, tạo nhiều phát thải bụi, SO2 và NOx ra môi trường, cần được giám sát, kiểm soát chặt chẽ.

Theo Bộ Xây dựng và Niên giám Thống kê 2021, tổng dân số Việt Nam khoảng 98,5 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 40,5% và sẽ đạt khoảng 45% vào năm 2026. Hiện nay toàn quốc có 869 đô thị; Trong đó, có 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 32 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 91 đô thị loại IV và 674 đô thị loại V. Sự phát triển, mở rộng của các đô thị luôn gắn với triển khai xây dựng và nâng cấp các công trình hạ tầng và các hoạt động công thương, gia tăng số lượng phương tiện xe cơ giới cá nhân, gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng, nhu cầu nhà ở...Nếu năm 2000, một ngày, Việt Nam xả khoảng 800 tấn rác nhựa ra môi trường, đến nay con số đó là 2.500 tấn /ngày và có thể còn hơn. Để phân hủy toàn bộ số lượng nhựa, túi nilon khổng lồ này cần phải qua nhiều thế kỷ nếu chôn dưới lòng đất. Trong khi đó gần 80% bãi chôn lấp rác thải trên cả nước không hợp vệ sinh... tạo nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường đô thị.

Theo Bộ xây dựng, năm 2021 cả nước tiêu thụ xi măng khoảng 105,6 triệu tấn; kính xây dựng khoảng 186 triệu m2; sứ vệ sinh khoảng 16 triệu sản phẩm; đá ốp lát khoảng 17 triệu m2; gạch ốp lát khoảng 440 triệu m2; vôi công nghiệp khoảng 2,3 triệu tấn; tấm lợp amiăng khoảng 36 triệu m2; gạch nung 18,4 tỷ viên; gạch không nung 3,35 tỷ viên... Quá trình sản xuất các loại vật liệu này phát sinh lượng lớn các khí thải và phát thải độc hại gây ô nhiễm môi trường do chủ yếu sử dụng công nghệ lạc hậu và nguồn nguyên, vật liệu, năng lượng không tái tạo...

Tác nhân chủ yếu gây ô nhiễm không khí là khí thải từ các phương tiện cơ giới và hoạt động sản xuất công nghiệp. Hiện tại khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới chiếm 70% tác nhân gây ô nhiễm không khí tại Việt Nam. Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến hết năm 2021, trên phạm vi cả nước có trên 4.512.500 xe ô tô và hàng chục triệu xe mô tô, xe máy đang lưu hành, với gần 4.000 xe khách và trên 12.000 xe tải đã hết niên hạn sử dụng và rất nhiều xe máy đã sử dụng từ 10 đến 20 năm hiện vẫn tham gia giao thông. Số lượng xe cơ giới tăng cao chủ yếu là phương tiện cá nhân tại các khu đô thị. Hiện việc kiểm soát khí thải mới áp dụng được đối với các phương tiện lắp ráp, nhập khẩu mới...

Đặc biệt, theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2022, có đến 60% trong tổng số 183 khu sản xuất công nghiệp trên cả nước có đến chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải và rác thải, đang vi phạm quy định về môi trường, trực tiếp gây ô nhiễm nguồn nước và không khí. Hàng loạt doanh nghiệp công nghệ thấp, phát thải gây hại môi trường cao và đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, nên tìm mọi cách vi phạm quy trình khai thác, xử lý phát thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hầu hết nước thải ở các cơ sở sản xuất bị nhiễm dầu mỡ, hóa chất tẩy rửa, hóa phẩm nhuộm... chưa được xử lý đều đổ thẳng ra các sông, hồ gây nhiễm độc nguồn nước tự nhiên.

Ô nhiễm mùi là dạng ô nhiễm không khí phức tạp, được tạo ra từ sự kết hợp của các hợp chất khác nhau, như NH3, H2S… hay nhóm các chất hữu cơ như hóa chất BVTV, VOC… Ô nhiễm mùi được đặc biệt quan tâm do đặc tính mùi hôi gây khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và khả năng phát tán trên diện rất rộng. Các ngành công nghiệp có mức độ ô nhiễm mùi cao là thuộc da, chế biến mủ cao su, sản xuất thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi heo, các ngành cơ khí luyện kim, các ngành nghề thuộc loại hình chế biến thủy sản, chế biến bột cá, chế biến phụ phẩm thủy sản… Theo Tổng cục Môi trường, trong số ý kiến phản ánh của cộng đồng về các vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc tại địa phương có đến 70% số vụ việc phản ánh liên quan đến ô nhiễm không khí, mùi. Nhóm làng nghề chế tác mỹ nghệ, cơ khí là nhóm có mức độ ô nhiễm bụi, tiếng ồn cao hơn so với nhóm làng nghề khác. Khí thải và tiếng ồn phát sinh từ quá trình đốt nhiên liệu và quá trình sản xuất như đúc, cán, tẩy rửa, làm sạch, mạ…

Kết quả khảo sát 228 làng nghề năm 2019, năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy dấu hiệu ô nhiễm bụi ghi nhận ở 03 nhóm làng nghề: Nhóm làng nghề nhuộm, thuộc da: có 12/25 làng nghề có ít nhất 1 đến 8 mẫu có giá trị nồng độ TSP vượt ngưỡng của QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,03 đến 1,60 lần. Nhóm làng nghề thủ công, mỹ nghệ: có 45/155 làng nghề có ít nhất 1 đến 8 mẫu có giá trị nồng độ TSP vượt ngưỡng của QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,05 đến 1,5 lần. Nhóm làng nghề chế biến lương thực thực phẩm: có 4/19 làng nghề có ít nhất 1 đến 8 mẫu có giá trị nồng độ TSP vượt ngưỡng của QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,02 đến 2,97 lần.

Tại các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm như làng giết mổ Phúc Lâm (tỉnh Bắc Giang), làng chế biến nông sản Dương Liễu (Hà Nội), ô nhiễm mùi do quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong bã thải sản xuất làm phát sinh mùi thối, khó chịu trên một khu vực rộng. Tại một số làng nghề như làng mộc Chàng Sơn, Hữu Bằng (huyện Thạch Thất, Hà Nội), làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa, Trường Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), làng nghề da giày Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội)…, ô nhiễm mùi phát sinh chủ yếu do sử dụng các loại dung môi hữu cơ trong công đoạn sơn, đánh bóng.

Tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số đô thị phát triển công nghiệp, giá trị trung bình năm của thông số bụi PM2,5 ở các trạm quan trắc tự động, liên tục ghi nhận vượt ngưỡng của QCVN 05:2013/BTNMT từ 2 đến 3 lần. Ô nhiễm tập trung tại các trục giao thông hoặc khu vực xung quanh KCN.

Tại các khu vực xung quanh khu sản xuất công nghiệp, mức ồn đo được đều xấp xỉ hoặc vượt ngưỡng của QCVN 26:2010/BTNMT.

Vấn đề sương mù quang hóa ngày một biểu hiện rõ tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Một số vấn đề như lắng đọng axit và khói mù xuyên biên giới tuy chưa có biểu hiện rõ nhưng đã có dấu hiệu ảnh hưởng nhất định đến chất lượng môi trường không khí ở nước ta, nhất là vào các tháng mùa đông...

II. Đồng bộ các giải pháp cần có để bảo vệ môi trường

Trong những năm qua, ngành Công Thương đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, các “điểm nóng” về môi trường và từng bước kiểm soát các nguồn thải trong các ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường như thép, nhiệt điện, hóa chất, khoảng sản, luyện kim...

Với chức năng nổi bật là tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với lĩnh vực an toàn, bảo vệ môi trường trong công nghiệp và thương mại, kể từ ngày thành lập 14/11/1995 đến nay, Cục Kiểm tra, Giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp (tiền thân của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp) đã xây dựng trình Bộ trưởng ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 15 Nghị định của Chính phủ, 10 Quyết định của Thủ tướng, 65 Thông tư, quy chuẩn kỹ thuật. Các văn bản này đã góp phần dần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương trong tổng số khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường cả nước. Hàng năm, Cục còn tổ chức hàng chục đoàn thanh, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định của pháp luật về kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi trường trong các tổ chức, doanh nghiệp công thương, góp phần nâng cao ý thức, nhận thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.

Đặc biệt, để thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2007 và Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2012 về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống dùng cho động cơ xăng và động cơ diesel của các phương tiện cơ giới đường bộ, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống; đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu triển khai lộ trình áp dụng phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, đảm bảo đúng chủng loại, chất lượng sản phẩm xăng E5, tránh gian lận thương mại và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chất lượng xăng dầu liên quan đến Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của xăng E5 để người tiêu dùng yên tâm về chất lượng và đẩy mạnh tiêu thụ trên toàn quốc.

Kết quả triển khai cho thấy, ở Việt Nam đã hình thành và phát triển ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học, năng lực sản xuất cồn nhiên liệu và thói quen dùng nhiên liệu truyền thống phối trộn với nhiên liệu sinh học. Cộng đồng doanh nghiệp ngành Công Thương đã chấp hành tương đối nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, có những bước đi bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn liền với bảo vệ môi trường.

Theo Kế hoạch Bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 1375/QĐ-TTg ngày 8/9/2020 vừa qua, ngành Công Thương sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường ngành Công Thương (trong đó có các chính sách bảo vệ môi trường đối với các dự án năng lượng (như điện từ rác thải, điện gió, điện mặt trời) và một số lĩnh vực khác theo kế hoạch tái cơ cấu ngành công nghiệp); ngăn ngừa, kiểm soát các nguồn thải, hạn chế các rủi ro, sự cố môi trường; xử lý các vấn đề môi trường cấp bách trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại; nhận diện các vấn đề môi trường trong giai đoạn tới và phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững, bám sát các mục tiêu phát triển bền vững và các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp; Đẩy mạnh tái sử dụng túi nilon tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt, tiến tới thay thế túi nilon khó phân hủy...

Toàn ngành nỗ lực phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2025, có 70-90% nguồn thải trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được đánh giá, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và ban hành chính sách, quy định kiểm soát; 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp... đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 100% các doanh nghiệp ngành Công Thương được tập huấn và phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường...

Để khắc phục những hạn chế, bất cập và tăng cường bảo vệ môi trường ngành Công Thương, thời gian tới cần tiếp tục triển khai đồng bộ và hiệu quả một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường ngành Công Thương đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.

Quản lý môi trường là vấn đề có tính liên ngành, liên vùng; theo đó, các ngành như TNMT, công thương, giao thông vận tải, xây dựng và UBND các tỉnh, thành phố đều phải có trách nhiệm quản lý, kiểm soát BVMT. Bởi vậy, Luật BVMT năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết thực hiện Luật, Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch Bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2025 chính là cơ sở để Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường quản lý và cải thiện môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để tạo tính răn đe và kiểm soát tốt các nguồn khí thải phát sinh từ hoạt động công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải....

Tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương; tập trung hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp, tiến tới xây dựng văn bản quy phạm pháp luật riêng và phù hợp với cụm công nghiệp, sát thực tế; sửa đổi, bổ sung và xây dựng các quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, kiểm soát nguồn thải trong một số loại hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao...; ngăn chặn, kiểm soát các nguồn chất thải gây ô nhiễm và phòng ngừa các sự cố môi trường;

Thứ hai, thúc đẩy cơ cấu lại ngành Công Thương phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, thân thiện môi trường.

Thí điểm và nhân rộng các mô hình công nghiệp (khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp) xanh và thương mại xanh, gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển ngành công nghiệp môi trường, sản xuất và tiêu dùng bền vững; Tăng cường chỉ đạo, quản lý phát triển cụm công nghiệp, tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường cụm công nghiệp; Hỗ trợ, khuyến khích, động viên các chủ đầu tư đầu tư hệ thống bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp bằng việc ban hành, tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp từng giai đoạn từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường; Tăng cường hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp tái chế và các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tái chế, giảm thiểu phát thải; đẩy mạnh quản lý, xử lý, tái chế, tái sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón, xỉ thép trong sản xuất thép và chất thải công nghiệp khác; Đẩy mạnh quản lý, xử lý, tái chế, tái sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón, xỉ thép trong sản xuất thép và chất thải công nghiệp khác; quản lý an toàn bãi thải, cải tạo phục hồi môi trường, xử lý chất thải, an toàn đập thải của hồ chứa quặng đuôi trong khai thác và chế biến khoáng sản.

Các cơ sở sản xuất tăng cường đầu tư, áp dụng các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị để giảm thiểu phát thải theo quy định của pháp luật; quán triệt và thực hiện nghiêm các nội dung quy định mới trong Luật BVMT năm 2020 và các văn bản quy định dưới Luật, như: thực hiện kiểm kê khí thải cho cơ sở sản xuất nhiệt điện, cơ sở sản xuất xi măng, cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, quy trình sản xuất, nâng cao năng lực, trình độ công nghệ quản trị; áp dụng sản xuất sạch hơn, hệ thống chứng nhận theo TCVN ISO 14001; phát triển, ứng dụng các công nghệ xử lý môi trường; lắp đặt, vận hành các hệ thống xử lý khí thải đảm bảo đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; lắp đặt và vận hành thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục.

Đặc biệt, cần đẩy nhanh và thực chất quá trình tham gia và phát triển thị trường tín chỉ các-bon cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng quốc tế theo tinh thần cam kết của Việt Nam đã đưa ra tại COP-26.

Các nhà máy, khu công nghiệp cần xây dựng hệ thống xử lý chất thải, khí thải và nước thải theo tiêu chuẩn quốc tế, dưới sự giám sát chặt chẽ của đơn vị chuyên trách. Không xây dựng thêm cơ sở sản xuất hóa chất độc hại, cơ sở sản xuất, chế biến có nước thải nguy hại trong hành lang bảo vệ nguồn nước.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền BVMT, phổ biến thông tin, tập huấn áp dụng các văn bản quản lý môi trường.

Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng xây dựng và thực hiện các kế hoạch truyền thông, phổ biến thông tin cho cộng đồng về bảo vệ môi trường; tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền, đa dạng hóa các công cụ, phương thức tuyên truyền, vận dụng nền tảng công nghệ và mạng xã hội để truyền thông về các hoạt động, nhiệm vụ, nội dung, chủ đề về bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương... nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các cơ quan quản lý, nhà đầu tư, doanh nhân và doanh nghiệp, người dân trong hoạt động ngành Công Thương.

Đặc biệt, tập trung tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025” tại Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2021; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam” tại Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ… Cập nhật và công bố thường xuyên thông tin chất lượng môi trường trong trên địa bàn; thông tin về các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về BVMT trên địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tổ chức đa dạng hóa loại hình, chủ đề và nội dung các cuộc thi hưởng ứng “Ngày Môi trường thế giới” 05 tháng 6 hàng năm đã được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động, nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm môi trường thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn, củng cố thói quen tốt trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng: Vứt rác đúng nơi quy định; thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa theo tiêu chuẩn; hạn chế các chế phẩm từ nhựa, ưu tiên các sản phẩm dễ phân hủy và có nguồn gốc thiên nhiên; hạn chế sử dụng các hóa chất tẩy rửa xuống các đường ống thoát nước gây ô nhiễm nguồn nước; tiết kiệm nguồn điện, nước và tích cực dọn vệ sinh nhà cửa, khu vực sinh sống, mặt bằng hoạt động công nghiệp và thương mại; trồng thêm nhiều cây xanh, phủ xanh đất trống; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững...

Thứ tư, tăng cường công tác dự báo, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương;

Các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan ngành Công Thương cần chú ý tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, giám sát về môi trường, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác môi trường;

Đặc biệt, duy trì các đường dây nóng và tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế môi trường (thuế, phí, quỹ môi trường, phương thức “đặt cọc hoàn trả môi trường”...) và có cơ chế khuyến khích nâng cao năng lực nghiên cứu, nắm bắt, đánh giá hiện trạng và dự báo xu hướng công nghệ sản xuất, nguồn phát thải, rủi ro, sự cố môi trường, nhất là trong một số loại hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Thường xuyên rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, tiêu chuẩn môi trường liên quan trong đó có các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải và chất lượng không khí xung quanh; xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế; Đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các KCN có quy mô xả thải lớn lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục để tự theo dõi, kiểm soát nguồn thải tại cơ sở, kịp thời xử lý khi có bất thường

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và chuyên đề để phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn, loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm môi trường và có chế tài xử phạt mạnh cả về tài chính, hành chính và hình sự đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm quy đinh bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương.

Huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội, báo chí, người dân trong việc giám sát nguồn ô nhiễm môi trường phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, năng lượng, giao thông, xây dựng và các nguồn phát thải khác.

Thứ năm, tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường, chuyển đổi số và phát triển xanh.

Coi trọng hợp tác chặt chẽ hơn trong xây dựng và triển khai các dự án BVMT với sự phối hợp và hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, như Ngân hàng Thế giới, JICA, Hiệp hội Công nghiệp Nhật Bản, Tổ chức Sáng kiến Không khí Sạch châu Á và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)... trong nâng chất lượng, hiệu quả cơ chế, chính sách và thiết lập các hàng rào kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và kỹ thuật môi trường tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới, cũng như trong xây dựng và triển khai các dự án nâng cao nhận thức và chung tay hành động BVMT, nhằm giải quyết những thách thức về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm rác thải nhựa, kiểm kê khí thải từ một số lĩnh vực công nghiệp đặc thù…

Tăng cường nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm quốc tế về xây dựng, ban hành các quy định pháp luật và tổ chức quản lý chất lượng môi trường; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về quan trắc, phòng ngừa, giảm thiểu, xử lý khí thải, sử dụng hiệu quả nhiên liệu; xây dựng, ứng dụng mô hình đánh giá lan truyền và dự báo phục vụ công tác BVMT không khí.

Đặc biệt, chủ động tham khảo và tích cực hợp tác quốc tế để hoàn thiện thể chế tài chính-tín dụng và khác trong khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nhằm giảm thiểu phát thải, nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên vật liệu trong các ngành công nghiệp và thương mại, cũng như phục vụ cho công tác quản lý chất lượng môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam...

Tất cả nhằm bảo đảm các lợi ích và mục tiêu tăng trưởng kinh tế nói chung, ngành Công Thương nói riêng phải kết hợp hài hòa với yêu cầu bảo vệ môi trường và công bằng xã hội, không để cảnh “đời cha ăn măn, đời con khát nước” như lời người xưa đã dạy.../.

Tài liệu tham khảo:

https://pcd.monre.gov.vn/tin-tuc-su-kien/5993/%E2%80%9Cgiai-phap-cho-o-nhiem-nhua%E2%80%9D-(solutions-to-plastic-pollution)--chu-de-ngay-moi-truong-the-gioi-nam-2;

Báo cáo kết quả thực hiện Đề án BVMT làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Sở TNMT thành phố Hà Nội;

Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật toàn cầu năm 2019 (IMHE, 2019);

Niên giám Thống kê Y tế các năm 2018-2021

TS. Nguyễn Minh Phong, ThS. Nguyễn Trần Minh Trí, Nguyễn Thị Quỳnh Hương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-ve-moi-truong-nhin-tu-goc-do-nganh-cong-thuong-272178.html