Bảo vệ môi trường sống an toàn vì sự phát triển bền vững

Bảo vệ môi trường sống trong lành, an toàn vì sự phát triển bền vững là mục tiêu của tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng trong thực tế, một số nước vì mục tiêu tăng trưởng đã bất chấp sự hủy hoại môi trường để phát triển kinh tế. Đến một thời điểm nào đó, họ gánh lấy hậu quả nặng nề, phải chi phí rất lớn để khôi phục môi trường, hệ sinh thái đã mất. Ở Việt Nam, Chính phủ tuyên bố không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế. Quan điểm đó được quán triệt và thực hiện xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên thời gian qua ở một số địa phương vẫn xảy ra các 'điểm nóng' về môi trường, nhất là sự cố môi trường biển do Formosa gây ra đã để lại bao hệ lụy cho các tỉnh Bắc Trung Bộ mà phải còn rất lâu mới khắc phục được.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua tỉnh đã ra sức khắc phục sự cố môi trường biển do Formosa gây ra; tăng cường phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Các dự án đầu tư mới được rà soát, thẩm định kỹ công nghệ trước khi cấp chủ trương đầu tư.

Thường xuyên kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, tụ điểm khai thác, chế biến khoáng sản, các làng nghề, các hoạt động xả thải vào nguồn nước; tiếp nhận và xử lý các ý kiến, kiến nghị của Nhân dân về ô nhiễm môi trường. Bảo vệ môi trường sống vùng đô thị, nông thôn, không để tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ảnh hưởng đến đời sống của người dân; có phương án thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và giao cho các địa phương thực hiện.

Cùng với đó, công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đạt được những kết quả quan trọng. Tỉnh đã phê duyệt kế hoạch hành động đa dạng sinh học; triển khai bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật hoang dã; các giống cây trồng, cây dược liệu, vật nuôi có giá trị; loài quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Đã phân vùng môi trường để có biện pháp quản lý chất lượng môi trường; tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát đối với các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thông qua kết quả quan trắc môi trường định kỳ và quan trắc tự động, liên tục để kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý, khắc phục. Thực hiện phân loại các chất thải tại nguồn, thu gom, xử lý chất thải rắn được quan tâm và đạt được những chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải.

Một điểm nhấn quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua là tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng các dự án bảo vệ môi trường, như Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Quán Ngang; Dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại TP. Đông Hà và thị xã Quảng Trị; Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải chợ Cầu… để xử lý nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động, đảm bảo đủ tiêu chuẩn thải ra môi trường.

Tập trung xử lý triệt để, dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hạn chế tình trạng ảnh hưởng lâu dài đến môi trường xung quanh. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản của các dự án.

Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là hạ tầng bảo vệ môi trường của tỉnh còn hạn chế. Một số địa phương còn xem nhẹ việc xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp; xử lý nước thải tập trung cho các đô thị; nước thải phân tán cho hộ gia đình nông thôn; xử lý nước thải, khí thải tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Bên cạnh đó, do kinh phí của tỉnh còn khó khăn nên công tác đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Việc huy động, lồng ghép các nguồn lực tham gia bảo vệ môi trường còn hạn chế…

Để bảo vệ môi trường sống an toàn, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp cần phối hợp hành động bảo vệ môi trường; chủ động ngăn chặn tác động xấu lên môi trường; phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Thực hiện phân vùng môi trường, thường xuyên kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm; kiểm soát các vấn đề môi trường xuyên biên giới.

Tập trung giải quyết, xử lý triệt để các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại; kiểm soát, quản lý, bảo vệ môi trường nước và các lưu vực sông. Phát triển năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch; tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái để giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính.

Chú trọng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thúc đẩy bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên, phục hồi các hệ sinh thái. Ngăn chặn sự suy giảm các loài và nguồn gen, bảo đảm an toàn sinh học. Chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ và phát triển nguồn vốn tự nhiên.

Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, phục hồi các khu vực bị ô nhiễm hóa chất tồn lưu, bảo vệ môi trường đất; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. Cung cấp đầy đủ nước sạch, bảo đảm vệ sinh môi trường, ngăn chặn các yếu tố môi trường có hại cho sức khỏe con người. Mọi giải pháp bảo vệ môi trường đều hướng đến sự phát triển bền vững.

Minh Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/bao-ve-moi-truong-song-an-toan-vi-su-phat-trien-ben-vung/178231.htm